Người giữ hồn cho nhà cổ

Cập nhật: 20-01-2010 | 00:00:00

Một góc của ngôi nhà cổ

Dám bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà cổ của cả ba miền Bắc - Trung - Nam chỉ vì muốn được giữ gìn nét văn hóa của dân tộc và hơn hết là niềm đam mê với gỗ. Đó là ông Nguyễn Văn Lâm, chủ nhân ngôi nhà cổ ở suối Lồ Ồ, xã Bình An, huyện Dĩ An.

Ông Nguyễn Văn Lâm luôn tự nhận rằng mình là người mê kiến trúc cổ Việt Nam. Từ rất nhiều năm về trước, ông đã mơ ước được xây dựng và sinh sống trong một ngôi nhà cổ kính do mình tự thiết kế. Giờ đây mơ ước ấy đã thành sự thật khi ông là chủ sở hữu của một ngôi nhà khang trang nhưng cũng rất cổ kính ở cuối con đường chạy vào Khu du lịch suối Lồ Ồ. Những ai đã từng đến đây, đều có cảm giác như đang được sống trong cung đình của vua chúa thời xưa. Mà thật vậy, toàn bộ căn nhà được gia chủ thiết kế theo kiến trúc cổ của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Nhưng nhiều nhất và nổi bật nhất là kiểu kiến trúc cổ của Huế.

Quần thể toàn bộ ngôi nhà được thiết kế hài hòa, đẹp mắt. Song song với nét đẹp cổ kính của ngôi nhà là những ao hồ, cây xanh, hoa cỏ và tiếng suối chảy róc rách. Trong không gian ánh sáng huyền ảo từ những ngọn đèn lồng, những chạm trổ tinh hoa trên gỗ càng trở nên đẹp lạ kỳ. Mùi hương gỗ tỏa ra thơm ngát làm cho người ta tìm thấy sự tĩnh tại, thư giãn và giải tỏa được hết những căng thẳng của cuộc sống thường nhật. Giữa những gian nhà cổ này, chạm tay vào đâu người ta cũng cảm nhận được sự hoài niệm và lắng đọng về thời gian.

Ông Lâm đang tự tay đo vẽ mẫu thiết kế cho những bộ bàn ghế bằng gỗ

Là người có niềm đam mê đặc biệt với gỗ, với kiến trúc nhà cổ, ông Lâm có thể ngồi cả ngày để ngắm nghía những hoa văn trên các thớ gỗ, vẽ những họa tiết hay nghiên cứu những tài liệu về nhà cổ. Ông bảo để xây dựng được ngôi nhà này ông phải nhờ đến sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc và phải tham khảo rất nhiều tài liệu. Tất cả những chi tiết trong ngôi nhà đều phải có tuồng, có tích chứ không phải muốn dựng thế nào thì dựng. Chẳng hạn như vì sao cái ghế này lại phải chạm trổ loại hoa này, vì sao cái cửa đó lại chạm hình con nọ, con kia, đầu con rồng phải quay về hướng nào mới đúng... tất cả đều được nghiên cứu rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Cũng theo ông Lâm, nhà cổ miền Bắc đa phần thấp, tường dày, đường nét còn thô. Những cây cột chỉ dài chừng 2,2 đến 2,4 mét. Nhà rường xứ Huế thì kích cỡ cột nhỏ hơn, thanh tao hơn, chạm trổ tinh xảo hơn. Nhà cổ miền Nam thì thường là có cột gỗ vuông, chạm trổ ở gian giữa... Mỗi ngôi nhà ở một vùng đất đều mang trong nó đặc điểm về khí hậu, thời tiết, đặc điểm sinh hoạt, lối sống, quan điểm và tất nhiên, cả hoàn cảnh kinh tế của chủ nhà nữa.

Mới đây, ông Lâm cũng vừa cho xây dựng một ngôi nhà cổ kiểu Huế. Đây là ngôi nhà mà ông rất tâm huyết và là niềm mơ ước từ lâu của ông. Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế giống hệt như cung vua. Phòng ốc, bàn ghế, giường nằm đều giống như của vua chúa thời xưa. Gần 30 người thợ xây dựng ngôi nhà cũng được ông tuyển lựa rất kỹ. Phần chạm trổ được giao cho những người thợ có tay nghề rất cao, còn làm nhà là những người thợ khoảng 60 - 70 tuổi và tất cả đều là người Huế.

Ông Lâm tâm sự: “Ngoài những ngôi nhà kiểu kiến trúc cổ này, sắp tới tôi cũng sẽ cho xây dựng một thư viện để trưng bày những đồ cổ. Có thể đó là những đồ đã được phục chế lại, cũng có thể là những đồ mới nhưng được làm giống như phiên bản. Có cả gốm sứ, tranh ảnh, nhưng chủ đạo nhất vẫn là đồ gỗ. Tôi rất mong muốn được giữ gìn và bảo lưu những di sản văn hóa của dân tộc mình. Nếu sau này có điều kiện tốt, tôi mong mình sẽ giữ lại được vẻ đẹp của khu di tích suối Lồ Ồ này. Tôi cảm thấy buồn khi thấy bây giờ một số người kinh doanh trên lịch sử mà lại không biết tu sửa và gìn giữ nó. Tôi muốn nói với những người đang kinh doanh trên lịch sử rằng: thay vì lời được 10 đồng thì cũng nên bỏ ra 3 đồng để tu sửa và bảo tồn những di tích lịch sử ấy. Có như vậy mới lâu bền được”.

Với niềm đam mê nhà cổ và mong muốn được gìn giữ những di sản văn hóa có giá trị lịch sử ấy nên chỉ cần nghe bất cứ đâu có nhà cổ là ông đến tham quan, xem xét. Ông cũng có ý định sẽ cho thợ lên trùng tu miễn phí toàn bộ những hư hỏng của ngôi nhà với điều kiện chủ nhà không được bán. Ông bảo: “Nhìn thấy một ngôi nhà cổ nào đó bị xuống cấp mà không được sửa chữa lại tôi cứ cảm thấy day dứt như mình mắc tội vậy”.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=438
Quay lên trên