Người giữ “lửa nghề” sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp

Cập nhật: 12-08-2022 | 08:06:50

73 tuổi đời, nghệ nhân Trương Quan Tịnh (Năm Tịnh) - chủ Cơ sở sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) có đến 45 năm gắn bó với sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp. Cái duyên “đưa đẩy” ông đến với nghề sơn mài truyền thống cũng có phần khác với mọi người.


Nghệ nhân Năm Tịnh giới thiệu về những tác phẩm của những nghệ nhân tiêu biểu mà ông sưu tầm, trưng bày tại phòng truyền thống của mình

Gắn bó, phát triển với nghề

Trước khi bén duyên với sơn mài, ông Năm Tịnh là một thầy giáo. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết khoảng năm 1977, từ Vũng Tàu ông về Bình Dương. Mặc dù chưa biết gì về sơn mài, nhưng ông vẫn chọn sơn mài để “khởi nghiệp” lại ở tuổi 32. “Sơn mài đến với chú như một cơ duyên vì trước năm 1975 chú là thầy giáo dạy học. Do cơ chế, sau đó chú không đi dạy nữa nên mới về Bình Dương quê hương mình và gắn bó với sơn mài cho đến tận bây giờ”, ông chia sẻ.

Đến với sơn mài, ông nhận thấy, người dân làm sơn mài chưa thành lập được tổ hợp sản xuất nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Ông bắt đầu lên Sài Gòn học hỏi mô hình này, rồi về địa phương tham gia thành lập Tổ hợp Sơn mài Đồng Tâm, vừa kiếm công ăn việc làm vừa hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ sản phẩm. Từ tổ hợp này, đến năm 1979, ông thành lập Tổ hợp tác Sơn mài Tân An. Đến năm 1982, Tổ hợp tác Sơn mài Tân An chuyển thành hợp tác xã sơn mài, quy tụ nhiều thầy, thợ có tiếng trong vùng. Trên cơ sở đó, ông tiếp tục thành lập Cơ sở Sơn mài Định Hòa và đây cũng chính là Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa hiện nay.

Từ những cơ sở này, ông đã tiếp cận với sơn mài, theo dõi, học hỏi thêm từ những nghệ nhân, người thợ đi trước, mày mò, sáng tạo thêm và ngày càng phát triển hơn với nghề. “45 năm qua, chú đã gặp, tiếp cận với hầu hết các nghệ nhân sơn mài của Bình Dương. Đó là cơ hội quý báu để chú tìm hiểu về những nghệ nhân cũng như trường phái sáng tác của họ. Mỗi dịp gặp các nghệ nhân, chú tìm hiểu, ghi chép, sưu tầm lại những hình ảnh, tác phẩm mà các nghệ nhân sáng tác. Đến bây giờ chú có thể khẳng định, chú là người giữ lại toàn bộ tư liệu của sơn mài Bình Dương từ năm 1940 đến nay”, ông Năm Tịnh chia sẻ.

Với những tư liệu sưu tầm và kiến thức mình học hỏi được, ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay, nghệ nhân Năm Tịnh được xem như là một “bảo tàng sống”. Chỉ cần nhìn vào tác phẩm và những nguyên liệu sử dụng là ông biết tác phẩm đó của tác giả nào. Không những vậy, những kiến thức về kỹ thuật, sử dụng loại sơn nào bắt đầu từ năm nào ông đều nắm rất rõ.

Không chỉ lưu giữ nguồn tư liệu quý về sơn mài, từ kiến thức mình học hỏi được, cộng với quá trình làm việc, ông còn sáng tạo ra nhiều điều đặc biệt giúp cho sơn mài ngày càng hoàn thiện hơn, từ cách pha chế sơn ta, mẫu mã mới, đến cách sử dụng nguyên vật liệu, phối màu… Học pha chế sơn từ những nghệ nhân đi trước, ông đã nghiên cứu được cách pha chế sơn quang đen, sơn phủ cánh gián phục vụ cho công đoạn sơn. Ông còn là người sáng tạo sử dụng sơn phủ dầu điều và sơn polycite của Nhật Bản có màu cánh gián đẹp và đưa vào sản phẩm sơn mài được khách hàng rất ưa chuộng.


Nghệ nhân Năm Tịnh đang chỉ thêm cho thợ vẽ để tác phẩm thêm phần hoàn thiện

Có thể nói, với ông, học hỏi và sáng tạo là 2 điều ông luôn thực hành thường xuyên trong quá trình làm nghề. Từ đó, ông đã tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo ra nhiều cái mới, áp dụng vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang nét riêng của mình. Dù mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm luôn có sự sáng tạo mới, nhưng ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn sản xuất, nguồn nguyên vật liệu. Vì vậy, những sản phẩm của sơn mài Định Hòa được xem là những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao của sơn mài Bình Dương.

Người “giữ lửa” làng nghề

Cùng với thời gian, kỹ thuật sơn mài truyền thống cũng mai một dần. Nghệ nhân Năm Tịnh, cho biết để làm nên một tác phẩm sơn mài truyền thống (sơn ta) có khoảng 30 nguyên liệu, mất nhiều thời gian làm nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, sơn mài đương đại sử dụng sơn công nghiệp (sơn Tây) nên thời gian sản xuất nhanh, giá thành sản phẩm vì thế cũng rẻ hơn rất nhiều so với sơn mài truyền thống.

Hiện nay, những nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề cao như nghệ nhân Năm Tịnh ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp rất ít, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Dù đã 73 tuổi và cơ ngơi về sơn mài ông tạo ra cũng không hề nhỏ, nhưng nghệ nhân Năm Tịnh vẫn không chịu nghỉ ngơi. Có lẽ cái máu nghề nghiệp đã thấm, ăn sâu vào trong con người ông. Ngày ngày, ông vẫn đến cơ sở sản xuất của gia đình mình để dõi theo, chỉ bảo thêm cho các con và hướng dẫn cho các thợ vẽ.

Ông cho biết, nghề sơn mài đã mang đến cho ông nhiều niềm vui và nhờ đó kinh tế gia đình cũng ngày càng tốt hơn. Vì thế, ông vẫn luôn hướng con mình đi theo nghề này. Hiện nay, trong 3 người con của ông, có đến 2 người theo nghề sơn mài. Trong 2 người con đó, người con trai đầu lại đam mê sơn mài truyền thống hơn, còn người con trai thứ lại đi theo hướng sản xuất sơn mài đương đại.

Để giữ gìn và phát triển nghề sơn mài cho các thế hệ sau, nghệ nhân Năm Tịnh đã dành không ít tâm huyết cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về sự hình thành, phát triển của nghề sơn mài Bình Dương. Thời gian qua, ông đã sưu tầm, lưu giữ rất nhiều hình ảnh, catalogue của hầu hết các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài cùng hàng trăm hiện vật sơn mài tiêu biểu, các sáng tác của các nghệ nhân, họa sĩ sơn mài đất Thủ từ trước năm 1975 đến nay.

Trong khuôn viên xưởng sản xuất sơn mài của gia đình trên đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, ông đã xây dựng một phòng trưng bày sản phẩm sơn mài Định Hòa và một phòng truyền thống lưu giữ, trưng bày những tư liệu, sản phẩm tiêu biểu của nghề sơn mài từ xưa đến nay. Đây cũng là nơi các nghệ nhân, thợ thủ công sơn mài thường tìm đến học hỏi, giao lưu, trao đổi về nghề. Nơi đây còn được nhiều đoàn du lịch trong và ngoài địa phương tìm đến khi có dịp đi tham quan, du lịch. Mỗi khi có khách đến tham quan, nghệ nhân Năm Tịnh đều cố gắng sắp xếp thời gian để tiếp đón khách được chu đáo. Đó cũng là những lúc tạo cho ông cái cảm giác thú vị vì được nói về nghề, về lịch sử của sơn mài truyền thống và truyền lửa đam mê cho những ai muốn tìm hiểu, đi theo con đường mà ông đã gắn bó.

Chia tay chúng tôi, ông không quên giới thiệu về những bản thảo viết về sơn mài Bình Dương từ xưa đến nay vẫn chưa hoàn thiện mà ông dành rất nhiều tâm huyết để tìm hiểu, ghi lại, chỉnh sửa trong nhiều năm qua. Ông nói: “Chú đang ấp ủ viết 3 cuốn tư liệu về nghề sơn mài Bình Dương từ xưa đến nay. Hàng ngày, chú đều dành một khoảng thời gian để ngồi ghi chép, hoàn chỉnh lại những tư liệu mà mình đã sưu tầm được. Công việc này được thực hiện từ nhiều năm qua và đang hoàn thiện với mong muốn giữ lại cho làng nghề, cho thế hệ sau những tư liệu quý về sơn mài”.

45 năm qua, nghệ nhân Trương Quan Tịnh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của sơn mài Bình Dương. Những đóng góp của ông được thể hiện trên nhiều phương diện, từ sáng tạo nghệ thuật, quảng bá phát huy thương hiệu, tâm huyết với việc giữ gìn, lưu truyền nghề sơn mài truyền thống cho các thế hệ sau. Ông đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2016.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1795
Quay lên trên