Người hát mãi điệu Xoan nơi đất tổ

Cập nhật: 18-04-2010 | 00:00:00

 

Lễ Giỗ tổ Vua Hùng năm nay có thêm một điểm nhấn: làn điệu hát Xoan đang được đề cử UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào biểu diễn chính thức trong Lễ khai mạc quốc giỗ.

 

Có một người phụ nữ 50 năm nay vẫn hát và gắn bó với làn điệu Xoan cổ nơi đất tổ Hùng Vương. Với bà hát Xoan là cái duyên, cái nợ, là máu thịt của chính mình. Nếu được lựa chọn một lần nữa bà vẫn chọn hát Xoan để yêu, để sống và gắn bó...

 

Báu vật sống của làng và câu chuyện tình đầy chất thơ

 

Nghệ nhân Nguyễn Như Lịch là một trong những "Trùm Xoan" còn sót lại của 4 phường Xoan cổ, thôn An Thái, xã Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ. Hiện nay bà đang mở nhiều lớp truyền dạy làn điệu Xoan cổ cho nhiều thế hệ, trong đó có cả những cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 60.

  

Nghệ nhân Nguyễn Như Lịch (giữa) đang truyền nghề cho các học sinh.

Một cụ ông cho biết: làng An Thái này là mảnh đất sản sinh ra làn điệu hát Xoan cổ và bà Nguyễn Như Lịch là di sản quý, là báu vật sống của đất Tổ này.

 

Bà Lịch say mê kể lại những gì còn lưu giữ được: dân ca Xoan là một loại hình nghệ thuật độc đáo ở vùng đất Tổ, nó gắn liền với lời truyền tụng từ xa xưa rằng: vợ Vua Hùng mang thai, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Một hầu gái tâu rằng: Nên đón nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay, về múa hát, có thể đỡ đau và sinh nở được.

 

Hoàng hậu nghe lời, cho mời Quế Hoa đến. Giọng hát trong veo như chim hót, suối ngân, tay múa chân đi dẻo như tơ, mềm như bún, khiến cho Hoàng hậu quên cả đau, sinh con dễ dàng. Vua Hùng mừng rỡ, hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các công chúa học lấy điệu múa và lời hát ấy.

 

Từ khi biết được điều đó, bà Lịch càng thêm nâng niu những giá trị lịch sử của một thời huy hoàng và trân trọng giá trị văn hóa của ông cha để lại. Rồi bà tươi cười kể và hát cho chúng tôi nghe câu chuyện tình, đầy chất thơ xen lẫn những làn điệu Xoan của bà.

 

"Đúm này ta dặn thì nghe

Đúm bay cho tới áo the đúm vào

Đúm vào người hỏi làm sao

Em là quả đúm, em vào kết duyên

 

Tam thanh một cảnh huê cau

Đôi ta thấp bé lấy nhau cũng vừa

Tam thanh một cảnh huê hò

Lòng anh muốn lấy trọ nhà họ xoan".

 

Đó là câu hát "Cài huê" đậm nét trữ tình nơi cửa đình An Thái, nó đã làm say mê biết bao chàng trai, cô gái hai bên bờ sông Lô. Mỗi khi có hội hè, đình đám thì con sông hùng vĩ và thơ mộng ấy lại là nhân vật chứng kiến những khúc hát giao duyên giữa trai  Đức Bác (Vĩnh Phúc) và gái Phượng Lâu (Việt Trì - Phú Thọ).

 

Các "chàng trai xoan" đứng dưới bóng cây mai nở trắng như chờ người yêu mà hát rằng: "Lẳng lơ đứng dưới cây mai - Bóng tối, tôi ngỡ bóng ai tôi nhầm". Khi người mình yêu và các bạn gái đến, chàng trai tươi rói nụ cười duyên trước những lời chân thật lễ phép của họ. "Bái ra ta xá bái ra - Đôi tay sửa mũ đồng ca đội đầu - Đôi anh lại đây cho em thết trầu". Sau khi các chàng trai nhận miếng trầu, đôi bên sôi nổi hát lên những điệu hát trong "14 quả cách" duyên dáng và tình tứ.

 

Những câu hát đó không chỉ là những lời mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Đó còn là chốn những cô đào vấn khăn, quần láng, những chàng kép khăn lợt, khăn xếp, áo the thâm bày tỏ nỗi niềm tình cảm, làm cho tình yêu đôi lứa thêm thắm đượm, nồng nàn.

 

Và đó cũng là sự mở đầu cho câu chuyện tình đầy thi vị và lãng mạn của cô đào hát Xoan Nguyễn Như Lịch ở làng An Thái - Việt Trì - Phú Thọ và chàng trai bộ đội cụ Hồ đóng quân ở nơi đất Tổ này.

 

Khi làm nhiệm vụ xa nhà anh bộ đội xứ Đoài đã xao xuyến bởi giọng hát mềm mại, ấm áp và điệu múa uyển chuyển, duyên dáng cô đào Như Lịch.

 

"Khúc môn đình" như hữu tình làm cho họ đến gần với nhau hơn. Trong một ngày hội giao lưu, họ đã gặp nhau, làn điệu dân ca trau chuốt, mượt mà của cô đào Như Lịch càng làm cho tình quân dân giữa họ trở nên bền chặt, gắn kết. Và cũng chính tiếng hát Xoan ấy đã xe duyên cho họ, dệt cho họ nên nghĩa vợ chồng.

 

Dù mệt mỏi là thế nhưng bà vẫn lấy làm vui vì bà biết chồng mình yêu mình cũng như yêu hát Xoan vậy. Âu cũng bởi: "Trăm năm gắn bó như niêm, Chữ tình tạc dạ, chữ duyên ghi lòng". Cho đến tận bây giờ khi ở cái tuổi ngoài lục tuần nhưng tình cảm của họ vẫn gắn kết như hát và múa trong làn điệu xoan vậy. Cả ba người con và hai đứa cháu nội đều theo nghiệp của bà Lịch.

 

50 năm vẫn hát "Khúc môn đình"

 

Bà Lịch sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát Xoan: cả ông nội và người cha làm trùm hát. Ông nội là Nguyễn Văn Trìu, trước đây là trùm hát Xoan nổi tiếng của Làng An Thái, khi ông qua đời thì trùm hát được truyền lại cho con trai (cha đẻ của Nghệ nhân Nguyễn Như Lịch). Cha của Nguyễn Như Lịch là Nguyễn Tất Thắng, cũng là một trùm hát Xoan có tiếng trong làng.

 

Khi chiến tranh xảy ra thì đi công tác, sau khi trở về thì ông triệu tập, sưu tầm toàn bộ những thứ liên quan đến hát xoan. Để duy trì đến ngày hôm nay thì phải nói công sức của ông là rất lớn: vì ông là người sưu tầm và ghi chép 14 quả cách cả chữ Hán và chữ Việt.

 

Nghệ nhân Nguyễn Như Lịch sinh năm 1950, ngay từ lúc đang còn là một cô bé, bà đã được bố mẹ chỉ bảo từng câu hát, điệu múa. Học thế chưa đủ nên bà đã học lỏm vào các tối mà người làng đến nhà nhờ người cha dạy bảo tập tành.

 

Lên 13 tuổi, bà đã biết hát, múa và có thể trình diễn ở đình làng. Hồi đó hát Xoan bằng tiếng Hán, rất khó thuộc và cũng rất khó hát. Với niềm đam mê cùng cái "gien" hát Xoan đã có sẵn trong người nên dù đang còn rất trẻ, nhưng giọng hát mềm mại và ấm áp của bà đã làm say đắm biết bao người hâm mộ bộ môn nghệ thuật giàu giá trị nhân văn và văn hóa này.

 

Năm tháng của tuổi thiếu nữ cứ qua đi êm đềm như những "Khúc môn đình" bên dòng sông Lô xanh màu ngọc bích cùng với câu chuyện tình lãng mạng, lí thú. Những câu hát của bà vẫn vang lên đều đặn vào những ngày tết, ngày hội giỗ tổ vua Hùng (mùng 10 tháng 3, âm lịch), hội làng (mùng 9 tháng 9). Và vào các ngày hội của làng khác trong và ngoài tỉnh.

 

Nỗi buồn chợt đến khi người cha biết được vận mình đã hết nên dặn dò con gái: "Bây giờ bố sắp chết rồi, bố truyền lại cho con và cả một tập hồ sơ cả tiếng Hán lẫn Tiếng Việt. Con cố gắng tập hát và lưu giữ những thứ đó, sau này có ai hỏi đến thì cứ nói lại như thế." Lúc đó bà Lịch cảm thấy lời nói của cha mình linh thiêng. Bà thấy thấm thía những gì người cha già căn dặn, cũng chính vì thế mà bà càng kiên quyết gìn giữ, trân trọng cho đến tận bây giờ.

 

Năm 2005, bà được Hội Văn nghệ dân gian tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gian. Trong số những nghệ nhân được công nhận thì bà là người trẻ nhất, điều đó cho thấy tài năng và sự cống hiến của bà là vô cùng lớn.

 

Có những lúc bà Lịch yêu hát hơn cả bản thân mình, phải đi diễn năm, bảy ngày xa nhà nhưng chồng bà không "ghen" mà càng thương yêu bà nhiều hơn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi bà Lịch đi xe máy xuống mua trang phục hát Xoan cho các cháu trong đội diễn tỉnh, đến tận tối mới về đến nhà thì thấy ông chồng ra ngõ ngóng trông. Vì ông lo lắng bà chưa xuống Hà Nội bao giờ vả lại đây cũng là chuyến đi xa nhất trong 60 năm cuộc đời. Bà nhìn thấy chồng con đứng chờ mà lòng se thắt lại, ứa nước mắt vừa thương chồng con, vừa thương mình.

 

Trải qua biết bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và đã có những khi một tuần ăn hạt mít, ăn cám ngô nấu cháo. Lúc đó cũng có nhiều chán nản nhưng không thể bỏ, không thể quên, vì những câu hát Xoan nó vẫn văng vẳng bên tai như ai oán bà bỏ rơi chúng. Bằng mọi khó khăn bà và gia đình vẫn lưu giữ những câu khúc môn đình vì với bà nó là cái duyên, là số phận, là máu thịt của mình rồi.

 

Truyền "khúc môn đình" cho thế hệ trẻ

 

Năm 2005, bà Nguyễn Như Lịch được nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian. Cũng từ đó bà thấy cần có trách nhiệm hơn nữa để đào tạo, truyền dạy cho các em thế hệ sau này. Vì bà sợ rằng nếu không sau này hát Xoan sẽ rơi vào quyên lãng.

 

Đến năm 2006, CLB hát xoan An Thái được công nhận là phường xoan cấp tỉnh, bà Lịch làm chủ nhiệm, với hơn 40 thành viên. Mỗi năm phường xoan An Thái thường đi biểu diễn hơn 20 buổi ở trong và ngoài tỉnh.

 

Năm 2007, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức liên hoan văn hoá, văn nghệ truyền thống các dân tộc, phường xoan An Thái đạt giải nhất. Cá nhân bà Lịch cũng được trao giải nhất.

 

Bà còn niềm nở nói rằng: "Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vì tôi là nghệ nhân dân gian nên tôi thấy tôi cần phải ra sức bảo vệ. Vả lại tôi đã lưu giữ được gần 50 năm rồi, mình cũng không sống được là bao cho nên cứ làm hết trách nhiệm và lời trăn trối của người cha quá cố của mình."

 

Trong thời gian qua bà Nguyễn Như Lịch đã đào tạo được rất nhiều lớp, số học sinh đã lên đến hàng trăm, với độ tuổi từ 10 cho đến 60. Tất cả đều miễn phí. Cứ ai thích học là bà đều dạy. Những em mà bà dạy trước đây đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, một số em được nhà văn hóa tỉnh về tuyển đi luôn. Đã có những em đi học ở trường văn hóa nghệ thuật ở tỉnh.

 

Hiện nay, bà dạy lớp 15 em lứa tuổi 10 đến 11 tuổi để các em phục vụ được lâu dài. Cách đây 4, 5 ngày bà dạy hát cho các bà cao tuổi tại xã Minh Phương. Lúc đầu thấy khó các bà có kêu, được vài ngày tôi thấy các bà phấn khởi mà lại ham hố học hát. Vì tôi bận dạy các cháu ở nhà nên các bà đành học lấy qua băng thâu giọng hát của tôi. Về múa thì dạy sau.

 

Cô cháu gái Nguyễn Thị Hồng Nhung 16 tuổi cũng tập hát từ năm 10 tuổi được người bà truyền dạy kinh nghiệm, đến bây giờ cũng là người hát chính trong phường hát.

 

Cuộc sống bộn bề những lo toan: cơm áo gạo tiền, chăm sóc chồng con, hoạt động phường hát, vậy mà bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác phụ nữ, công tác mặt trận, dân số kế hoách hóa gia đình. Về bên chính quyền bà còn là trưởng xóm (với 84 hộ gia đình trên 300 nhân khẩu).

 

Trở về khi trời đã xế chiều, đi trên con đê sông Lô mà gió lộng tựa hồ như "Khúc môn đình" mà bà Lịch hát cho chúng tôi nghe. Lời của bà vẫn vang vọng bên tai: "Hát Xoan là giá trị văn hóa, tinh thần đã được gây dựng và vun đắp từ rất nhiều thế kỷ của cha ông. Đó là báu vật đất Tổ thì con cháu vua Hùng  phải biết trân trọng nâng niu, gìn giữ."

 

Câu hát Xoan "Ví tiễn chân" nghe sao mà nức lòng:

 

"Anh về có chốn thở than

Em về ngồi tựa phòng loan một mình.

Anh về tựa bóng sao Mai

Em về em biết lấy ai bạn cùng".

 

Những làn điệu ấy, chất liệu ấy đến giờ vẫn còn làm giàu, làm đẹp mãi tâm hồn đằm thắm của dân tộc Việt Nam. Là sự thể hiện con người và thời đại có cội nguồn từ thời Vua Hùng, là khát vọng mong cho quốc thái, dân an. "Khúc môn đình" - hát Xoan  mãi mãi có vị trí xứng đáng trong nền dân ca dân tộc.

(THEO VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên