Người họa hình với cát

Cập nhật: 09-01-2010 | 00:00:00

Hai bàn tay lướt đều trên mặt cát, rồi chưa đầy 30 giây, trên tấm gương là những bức họa đồng quê nên thơ, những bức tranh thiếu nữ e ấp trong chiếc nón lá, một mái đình, làng biển, một chân dung trầm tư, một Hà Nội phố,... hiện lên đẹp mắt trên màn ảnh, qua kỹ thuật đèn chiếu, gây những xúc cảm mạnh cho người xem.

 

Trí Đức xuất hiện lần đầu trong một chương trình ca nhạc đậm màu sắc nghệ thuật (Duyên dáng VN lần thứ 21 vừa diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình - TPHCM) để lại ấn tượng lạ lẫm, thú vị và đầy thán phục ở khán giả.

 

Những bức họa ngẫu hứng

 

Có thể xem Trí Đức là một trong những nghệ sĩ trình diễn trong chương trình và những gì anh mang đến với công chúng là loại hình nghệ thuật trình diễn với cát. Mỗi đêm diễn anh lại bắt đầu từ đầu.

 

Trình diễn nghệ thuật này cũng như nghệ sĩ chơi nhạc jazz vậy. Tùy theo cảm hứng của người chơi lúc đó mà các tác phẩm được sáng tạo không lúc nào giống lúc nào.

Một bức họa bằng cát do Trí Đức tạo ra trong chương trình Duyên dáng VN 21.

 

Nghệ thuật trình diễn với cát trong một chương trình nghệ thuật, như Trí Đức đang làm, thường mang tính trang trí minh họa cho một nội dung biểu diễn nghệ thuật ca, múa... nào đó nên đòi hỏi người trình diễn phải có khả năng tốc họa. Khán giả cũng chỉ được chiêm ngưỡng thoáng qua bức họa mà thôi.

 

“Họ không kịp có thời gian để bắt lỗi bởi thường những bức tranh này chỉ mang tính tượng hình qua những nét chấm phá” - Trí Đức thổ lộ. Nhưng, chính vì vậy mà những bức tranh được tạo ra bởi sự ngẫu hứng của người chơi này đủ sức lưu dấu sâu đậm trong lòng người xem.

 

Nghệ thuật trình diễn với cát không xa lạ với thế giới nhưng ở VN, Trí Đức có lẽ là người tiên phong trong loại hình trình diễn khá độc đáo này. Anh kể: “Tôi yêu đất nước VN nên muốn vẽ tất cả những gì thuộc về VN. Khi đạo diễn đưa ra những yêu cầu phác họa về các chân dung và phong cảnh VN, tôi mừng lắm vì mọi người cần đúng sở trường và niềm đam mê của tôi”.

 

Cuộc chơi tình cờ

 

Thật ra, anh đến với nghệ thuật trình diễn với cát cũng thật tình cờ. Từ ý tưởng tìm người thể hiện phong cảnh miền quê để minh họa cho các tiết mục biểu diễn trong chương trình Duyên dáng VN 21 của đạo diễn, anh mạnh dạn đề xuất được thực hiện công việc này.

 

Ban đầu, đạo diễn Đinh Anh Dũng cũng tỏ vẻ e ngại. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi nghệ thuật trình diễn với cát chưa được biết đến nhiều và chưa được ứng dụng trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. và quan trọng hơn, chưa ai biết Trí Đức có thể trình diễn được nghệ thuật này.

 

Biết ý mọi người, anh xin mang kịch bản chương trình về nghiên cứu ý tưởng và tranh thủ luyện tập, cốt không để mọi người thất vọng. May mắn thay, phần trình diễn của anh luôn nhận được những tràng pháo tay từ phía khán giả.

 

Anh cho biết: “Sau đêm diễn, đạo diễn Đinh Anh Dũng vỗ vai tôi rồi tủm tỉm cười. Tôi biết, mọi người đã hài lòng”.

 

Sau những đêm diễn của chương trình Duyên dáng VN 21, có vài nhà kinh doanh tranh cát đặt lời đề nghị hợp tác với Trí Đức nhưng anh từ chối: “Điều mà tôi có thể làm là nghệ thuật trình diễn với cát chứ không phải vẽ tranh cát như trong suy nghĩ của họ”.

 

Chưa thể xem đây là thành công nhưng chính sự tình cờ này đã mở ra cho nghệ sĩ Trí Đức một cánh cửa mới: “Biết đâu, mai này, tôi lại được mời trình diễn thường xuyên”.

 

Xuất thân từ chiếc nôi nghệ thuật rối

 

Trí Đức, cái tên nghe còn xa lạ với công chúng.  Nhưng với người trong giới, anh là một nghệ sĩ khá nổi tiếng với biệt danh “Đức rối”.

 

Anh vốn xuất thân từ gia đình làm nghệ thuật múa rối. Từ nhỏ, anh đã theo cha (nghệ sĩ Đặng Lợi) tiếp cận với nghề múa rối và rồi rối đã trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống của anh.

 

Điều đáng tiếc là rối ở VN không giúp được người nghệ sĩ lo nổi gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền nên anh phải làm nhiều công việc khác nhau: từ tạo hình rối, viết kịch bản rối, làm con rối cung cấp cho các công ty tổ chức sự kiện, thiết kế phục trang, đạo cụ cho các chương trình biểu diễn và cả vẽ truyện tranh thiếu nhi, làm biên tập truyện tranh... 

 

Làm nhiều công việc đến mức, khi ai hỏi anh làm nghề gì, anh trả lời gọn lỏn: “Thợ đụng”. Tức là đụng đâu làm đấy, ai mướn gì cũng làm.  Không giàu có nhưng bù lại, sự sáng tạo của anh luôn có đất để sống.

 

Anh nói anh thích nhất là thiếu nhi. Bởi, người lớn luôn có những khuôn mẫu, nguyên tắc nên sự sáng tạo bao giờ cũng bị hạn chế ít nhiều. Còn thiếu nhi thì khác, đó là một thế giới luôn chấp nhận những cái mới mẻ, luôn bay bổng cùng thể nghiệm. Thế nên, “khi chọn thiếu nhi là đối tượng chính của mình (vẽ truyện tranh, viết kịch bản rối cho thiếu nhi,...), tôi được sống trong thế giới mà mình ao ước”.

 

Với niềm đam mê cháy bỏng nghệ thuật rối, anh vẫn ấp ủ ước mơ dựng một tiết mục múa rối lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích Hạc chiều. “Ngày ấy chắc cũng còn xa nhưng không phải mình mất hết hy vọng” - anh nói.

 

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên