Người họa sĩ thương binh làng gốm

Cập nhật: 19-07-2011 | 00:00:00

(BDO) Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã để lại niềm tự hào cùng những kỷ niệm đẹp trong lòng người dân đất Bình Dương. Riêng với anh họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Chuẩn, khu phố 1, phường Phú Lợi, TX.TDM, festival gốm sứ còn đem đến cho anh niềm kiêu hãnh với bạn bè khắp nơi trong cả nước cùng bạn bè quốc tế bởi bên cạnh hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm gốm sứ được trưng bày tại festival, có các sản phẩm độc đáo của làng gốm quê anh, được chính bàn tay còn lại sau cuộc chiến của anh góp phần làm nên.

Giật mình khi nhìn thấy bóng mình

Gửi lại chiến trường trên đất bạn Campuchia một cánh tay phải, trở về nhà với nhiều vết thương trên đầu, trên mặt, trên thân thể cùng đôi mắt giảm thị lực 6/10 và 8/10, để có thể tự nuôi sống bản thân mình và là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, anh thương binh 2/4 Nguyễn Ngọc Chuẩn, đã phải vượt qua biết bao khó khăn, mặc cảm để từ một người “tàn phế” anh vươn lên trở thành một người thợ gốm có tay nghề giỏi, tạo dựng cho tổ ấm của mình một ngôi nhà thật khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Mới đây, anh vừa đưa vào sử dụng dãy nhà trọ khoảng chục phòng, góp phần giải quyết nhu cầu ở trọ của người dân nhập cư đang tụ hội về miền đất năng động Bình Dương sinh sống làm việc và học tập.

>>> Xem Video Clip

 Anh Chuẩn đang trang trí một tác phẩm gốm sứ bằng cánh tay trái còn lại sau cuộc chiến

Sinh năm 1968 tại làng gốm đất Thủ, năm 18 tuổi, cùng nhiều thanh niên khác ở địa phương, Nguyễn Ngọc Chuẩn lên đường tham gia nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tại quân trường Phú Giáo, anh cùng quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Hơn 3 năm góp sức gìn giữ bình yên trên đất bạn, gần đến ngày xuất ngũ, không may trong một lần đi công tác, anh bị trúng mìn của tàn quân Pôn Pốt. Khi tỉnh lại, nhìn thấy mình trở nên tàn phế với một cánh tay phải giập nát, khuôn mặt và đầu bị nhiều vết thương, anh có ý định tự sát nhưng không thành. Lúc anh nằm viện điều trị các vết thương cũng là lúc ở quê nhà đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Đêm nằm nhớ nhà không ngủ được, anh thơ thẩn đi bộ dưới sân bệnh viện, bất chợt nhìn thấy bóng mình dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, anh rùng mình vì nghĩ đến tương lai, sự nghiệp của anh rồi đây cũng sẽ tối đen như chiếc bóng cụt tay kia…

Sau khi xuất ngủ năm 1989, với cánh tay trái còn lại, anh không biết mình phải bắt đầu cuộc sống như thế nào. Buồn quá, anh chỉ biết uống rượu cho qua ngày, một lần uống rượu say, anh loạng choạng đạp xe về nhà, trong một phút nông cạn, anh lao xe ra giữa đường tìm đến cái chết. Một tiếng rít xé tan màn đêm, chiếc xe tải kịp dừng lại ngay trước đầu anh, người tài xế bước xuống nhìn thấy anh say mèm nằm dài trên đường, ông ta quát: “Nếu muốn chết thì phải chọn cái chết cho đáng mặt đàn ông, đừng chết lãng nhách vì rượu còn thêm báo hại người khác”. 

Chết đâu phải là hết

Lời nói của người tài xế khiến anh thức tỉnh, cái chết vì rượu của anh quả thực không thể là dấu chấm hết cho cuộc đời của một người tàn phế. Đằng sau cái chết đó là nỗi đau của bậc sinh thành, là nỗi thất vọng của những người thân đã tin tưởng vào nghị lực và ý chí của anh. Ngày hôm sau, anh lên UBND xã trình bày nguyện vọng tìm việc làm. Ngay sau đó, anh được giới thiệu vào làm việc tại Ban Quản lý chợ Đình.

Tại đây, anh đã tìm thấy tình yêu của một cô gái bán đồ hàng bông dành cho anh thương binh hiền lành, ít nói, luôn không hoàn thành nhiệm vụ vì không nỡ xử phạt những cụ già bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Khi đứa con gái đầu lòng chào đời, cũng là lúc anh quyết định tìm một việc làm khác, có tay nghề ổn định để lo cho tương lai con mình mai này được đầy đủ hơn.

Nhờ người quen giới thiệu, anh xin vào làm thợ gốm tại Công ty gốm sứ Kim Long. Để không phụ lòng mọi người, anh luôn nhắc nhở mình phải cố gắng làm thật tốt những phần việc được giao. Thế nhưng mọi việc thật không đơn giản chút nào, anh như đứa trẻ nhỏ tập cầm cọ vẽ, bởi anh chưa quen dùng tay trái, rồi phải tập giữ yên những chiếc bình gốm bằng 2 đầu gối, do chưa quen nên các đồ dùng thay nhau rớt lên, rớt xuống, mọi thứ cứ rối tung cả lên,.. trong lúc tuyệt vọng nhất thì trong đầu anh lại vang lên lời cười cợt của một thằng bạn “tao mà cụt tay như mày thà tao chết còn sướng hơn”, rồi một giọng châm biếm khác của người hàng xóm khi anh hỏi anh ta mua chiếc tivi bao nhiêu tiền, anh ta hỏi lại anh có tiền mua hay không mà hỏi giá… Những lời nói cay nghiệt đó đã đánh thức lòng tự trọng trong anh, anh nhất định sẽ cho họ thấy anh sống ra sao và sẽ làm được những gì.

Vượt qua bao khó khăn thử thách, vượt qua những cử chỉ và thái độ xem thường của một vài đồng nghiệp, cuối cùng anh cũng đã trở thành một người thợ thạo việc không thua kém bất cứ một người thợ nào trong công ty. Việc gì mọi người làm được là anh làm được, anh không cho phép mình ỷ lại hoặc cho rằng mình là thương binh nên có quyền ưu tiên. Anh bảo anh không muốn nghe những ý kiến xầm xì đại loại như tại sao anh làm việc chỉ có một tay mà lại lãnh lương bằng người làm 2 tay.

Vì lo lắng cho anh, vợ anh cũng nghỉ bán hàng ở chợ theo anh làm thợ gốm. Mỗi ngày hai vợ chồng thức dậy từ 5 giờ sáng, lo cơm nước ăn sáng xong, anh chở vợ trên chiếc xe đạp cà tàng từ nhà đến chỗ làm khoảng 3-4km.

Suốt 8 năm ròng đi xe đạp, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền mua chiếc cup 50 đời 86. Chiếc xe ngày nay được nhiều người hỏi mua, vợ anh cũng muốn anh đổi xe mới cho tiện việc đi lại nhưng anh nhất định không bán để nhắc nhở một kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình.

Từ một người không biết gì về nghề gốm, 10 năm sau, anh mạnh dạn đứng ra hợp đồng nhận làm gia công khâu trang trí cho một số sản phẩm của công ty. Anh thu nhận hơn 20 lao động ở địa phương, với những người chưa biết việc, anh tận tình hướng dẫn họ kỹ thuật trang trí sản phẩm gốm sứ. Anh cho biết, để có một sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, riêng ở công đoạn trang trí, khó nhất là khâu pha màu. Nhiều người khen anh có tật có tài nhưng anh cho rằng anh có biệt tài pha màu chuẩn xác có thể là do luật bù trừ của tạo hóa…

Nghe anh nói thế, vợ anh xen vào: “Anh nói vậy chứ thật ra anh cố gắng dữ lắm, cứ sợ mình thua thiệt người ta, sợ chủ đuổi việc nên bằng mọi giá anh phải làm cho được hoặc hơn người khác anh mới chịu… Mười mấy năm đi làm, anh không dám nghỉ một ngày để đi chơi. Một lần trên Phòng Lao động- Thương binh và xã hội mời anh ra thủ đô Hà Nội tham quan và một lần khác mời anh đi du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Lạt nhưng cả 2 lần anh đều từ chối vì tiếc công tiếc việc. Để em cho anh xem mấy chiếc quần dài của anh đến giờ vẫn còn mới nguyên, chỉ có rách chỗ đầu gối, nơi anh giữ những chiếc bình gốm suốt những tháng ngày tập tểnh vào nghề”.

Tôi hỏi anh bên cạnh những ưu điểm, anh còn có khuyết điểm nào cần khắc phục không? Anh bảo là con người ai lại không có những khiếm khuyết. Cái này để vợ tôi trả lời chắc là chính xác hơn. Thế nhưng từ vợ anh cho đến người công nhân ở trọ và cả chị cán bộ làm công tác thương binh-xã hội ở địa phương, ai cũng cho rằng anh là người sống rất có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tới đâu, anh cũng được mọi người yêu thương, quý mến.

Tự hào là người thợ gốm đất Thủ

Anh kể cánh tay cụt ban đầu đem đến cho anh nhiều phiền toái vì những tự ti, mặc cảm không đáng có, mãi về sau này anh mới cảm nhận được niềm tự hào từ sự phấn đấu vươn lên của mình. Anh cho biết có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến tham quan hoặc đặt hàng với công ty đều quan tâm đến trường hợp khuyết tật của anh. Sau khi biết anh có quá trình là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia, trở thành thương binh và bây giờ là một người thợ gốm thuần thục dù thiếu mất một cánh tay, hầu hết mọi người đều bày tỏ tình cảm thán phục.

Một lần trên đường đi làm về gặp trời mưa, đường ngập nước khiến xe bị chết máy, biết anh là thương binh, một bạn trẻ cùng đồng hành trên đường đã tình nguyện giúp anh dắt xe đến tiệm sửa. Nhất là cánh phóng viên báo chí, mỗi khi đến công ty đều xin anh cho chụp hình, quay phim nêu gương người tốt. Những tình cảm nho nhỏ như vậy từ những người xung quanh ưu ái dành cho anh khiến anh ngày càng tự hào hơn về sự hy sinh của mình và niềm tự hào đó thực sự dâng trào khi anh được góp mặt cùng hàng ngàn nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước tại festival tôn vinh người thợ gốm sứ Việt Nam do tỉnh nhà Bình Dương đăng cai tổ chức trong năm 2010 vừa qua. Những ngày diễn ra festival là những ngày đẹp nhất của đời anh, bởi anh được đón nhận thật nhiều sự sẻ chia, cảm mến của biết bao người.

  Anh Chuẩn bên dãy phòng trọ của mình

Sau gần 20 năm vất vả mưu sinh, hiện tại do sức khỏe kém, anh thôi không làm thợ gốm nữa, gom góp số tiền dành dụm bấy lâu, vay thêm tiền tín dụng và mượn bạn bè một ít, anh xây dãy nhà trọ trên phần đất được ba mẹ vợ cho. Tuy mới đưa vào sử dụng được 2 tháng nhưng tất cả các phòng trọ của anh đều có khách đăng ký thuê ở trọ vì giá rẻ hơn nơi khác, tiền điện, nước cũng được anh tính với giá rất ưu đãi. Anh bảo, bản thân anh đi lên từ nghèo khó cũng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người tốt. Cho nên bây giờ cuộc sống ổn định, anh cũng muốn san sẻ cùng những người có hoàn cảnh khó khăn như mình trước kia.

Mặc dù cuộc sống gia đình đã tạm ổn định, cô con gái của anh vừa hoàn thành xong khóa học nghề uốn tóc và cũng đã có người bước tới dạm hỏi. Tuy nhiên, bản chất xông xáo của người lính không cho phép anh thụ động ngồi nhìn cuộc sống lặng lẽ trôi qua đời mình khi anh chỉ mới ngoài 40 tuổi. Anh cho biết suốt gần 20 năm bươn chải mưu sinh anh chỉ biết vui buồn cùng gốm. Bây giờ cuộc sống đã ổn định, anh sẽ tích cực tham gia công tác xã hội, trở lại chiến trường xưa thắp cho các đồng đội đã ngã xuống một nén nhang, chính sự hy sinh của họ đã cho anh và mọi người một cuộc sống bình yên hôm nay, tìm lại đồng đội xưa để giúp đỡ nhau làm kinh tế, tham gia công tác từ thiện, góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển đi lên.

Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, nhưng phẩm chất người lính không ngại khó, ngại khổ, không đầu hàng trước số phận, bằng ý chí, quyết tâm và sức lao động của mình, anh thương binh Nguyễn Ngọc Chuẩn đã vươn lên thành một lao động sản xuất giỏi, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen thương binh vượt khó của các ngành, đơn vị. Gia đình anh cũng được địa phương bình chọn là gia đình văn hóa nhiều năm liền.

 NGUYỄN CÔNG LUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=549
Quay lên trên