Bài 2: Niềm vui từ chính sách mới
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện, tỷ lệ người ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc chiếm trên 50% dân số. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự phải giải quyết, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) nói chung và người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) cấp xã nói riêng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm... Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, Trung ương và địa phương đã ban hành những quy định về cơ chế, chính sách mới tháo gỡ phần nào những bất cập đối với NHĐKCT, giúp họ giải tỏa nỗi niềm và có thêm động lực để tiếp tục cống hiến.
Những chính sách “mở”
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), phân quyền, phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước, ngày 10- 6-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về CBCC cấp xã và NHĐKCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-8-2023 với quan điểm đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quyết định số lượng, chế độ, chính sách đối với CBCC và NHĐKCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên cơ sở khung quy định của Chính phủ.
Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X đã ban hành Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND “Quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với NHĐKCT, người trực tiếp tham gia hoạt động; mức khoán kinh phí, hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp xã và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Trước đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 5-7-2023 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các chế độ, chính sách trong thời gian tới.
Đây được xem là những chính sách “mở”, bởi đồng thời với việc xác định số lượng CBCC các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn khác nhau, Nghị định 33 quy định số lượng CBCC ở các loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn không chỉ đóng khung cứng theo quy định chung mà có điểm mở cho những xã, phường, thị trấn có dân số và diện tích lớn hơn theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21-9-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Nghị định 33 quy định rõ quy mô dân số bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi và diện tích tự nhiên tính đến hết 31/12 hàng năm để xác định số lượng CBCC cấp xã.
Chị Trần Thị Phương Trâm, Thư ký Đảng ủy phường Dĩ An, TP.Dĩ An rất phấn khởi vì tới đây sẽ được cải thiện thu nhập cũng như giải tỏa áp lực công việc khi phường được tăng thêm biên chế
Tạo động lực cho NHĐKCT
Hiện nay, ngoài các chế độ chi hỗ trợ đối với NHĐKCT ở cấp xã theo quy định tại Nghị định số 33 của Chính phủ, các địa phương còn áp dụng chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 26- 7-2023 của HĐND tỉnh Bình Dương về quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với NHĐKCT, người trực tiếp tham gia hoạt động; mức khoán kinh phí, hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp xã và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo Nghị quyết 29/2023 của HĐND tỉnh Bình Dương ban hành ngày 26-7-2023, số lượng NHĐKCT cấp xã toàn tỉnh có tổng số 1.913 người; trong đó phân theo loại đơn vị hành chính là 1.242 người, tăng thêm theo diện tích tự nhiên là 66 người, tăng thêm theo quy mô dân số là 605 người. TP.Tân Uyên và TX.Bến Cát có số NHĐKCT tăng thêm theo diện tích tự nhiên nhiều nhất, lần lượt là 17 và 18 người. Trong khi đó, TP.Dĩ An và TP.Thuận An có số NHĐKCT tăng thêm theo quy mô dân số nhiều nhất lần lượt là 127 và 156 người… |
Cụ thể, NHĐKCT cấp xã được hưởng theo quy định Trung ương về phụ cấp chức danh là 1,5 nhân với mức lương cơ sở, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, phụ cấp công vụ 25%. Ngoài ra, theo Nghị quyết 16/2023/ NQ-HĐND ngày 26-7-2023 của HĐND tỉnh, thực hiện hỗ trợ hàng tháng theo trình độ chuyên môn (đại học: 0,84, cao đẳng: 0,60, trung cấp: 0,36, sơ cấp và chưa đào tạo: 0,21) nhân với mức lương cơ sở/người/tháng; đồng thời thực hiện nâng mức hỗ trợ theo niên hạn (cứ đủ 36 tháng đối với trình độ đại học, cao đẳng; đủ 24 tháng đối với trình độ trung cấp, sơ cấp và chưa qua đào tạo nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật, được xét nâng thêm một mức hỗ trợ theo niên hạn tương ứng với trình độ đào tạo); hỗ trợ khi thôi việc (cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng tổng phụ cấp và hỗ trợ tại thời điểm thôi việc); hỗ trợ nghỉ thai sản đối với nữ có thời gian làm việc đủ 1 năm trở lên, khi nghỉ thai sản thì được hưởng hỗ trợ là 6 tháng tổng phụ cấp và hỗ trợ tại thời điểm nghỉ thai sản...
Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quan trọng về số lượng CBCC và NHĐKCT cấp xã được tính theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên; sửa đổi nghị quyết của HĐND tỉnh theo hướng tăng thêm mức hỗ trợ, quy định việc nâng mức hỗ trợ thường xuyên, chế độ khi nghỉ việc, ốm đau, thai sản... đã giúp giải tỏa áp lực về biên chế cấp xã cũng như động viên, khuyến khích NHĐKCT tiếp tục gắn bó với công việc. Chị Nguyễn Thị Kim Như, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), cho biết dù mức tăng thêm không nhiều nhưng chị cảm thấy rất vui vì được các cấp quan tâm, chia sẻ. “Những quy định mới về chế độ, chính sách cho NHĐKCT khiến những NHĐKCT như tôi thực sự phấn khởi và là động lực để chúng tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, chị Như nói.
Không chỉ NHĐKCT mà chính quyền cơ sở cũng phấn khởi trước những quy định mới của Trung ương và của tỉnh. Ông Đoàn Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Thuận Giao (TP.Thuận An), cho biết Nghị định 33 (thay thế các Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP) là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục nâng cao, phát huy hơn vai trò của NHĐKCT ở xã, phường và khu phố, ấp. Trên cơ sở đó và sau khi có chủ trương của TP.Thuận An, Đảng ủy phường Thuận Giao tiếp tục tập trung, khẩn trương sắp xếp, tổ chức bộ máy CBCC và NHĐKCT bảo đảm khoa học, kịp thời, dân chủ và hiệu quả.
Trong khi đó, bà Lê Thị Mai Thi, Bí thư Đảng ủy phường Dĩ An (TP.Dĩ An), cho rằng tới đây khi được tăng biên chế CBCC, NHĐKCT theo quy định, đội ngũ CBCC, NHĐKCT của phường sẽ giảm áp lực công việc. Đồng thời, những chế độ, chính sách hỗ trợ với NHĐKCT được triển khai sẽ góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này, giúp họ phần nào yên tâm cùng tập thể CBCC của phường thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với việc Trung ương và tỉnh ban hành chế độ, chính sách mới trong thời gian gần đây đã khắc phục được tình trạng phân bổ biên chế “bình quân” theo phân loại đơn vị hành chính; khắc phục sự bất bình đẳng giữa những người làm cùng một vị trí công việc với nhau nhưng ở địa bàn có quy mô dân số khác nhau, khối lượng công việc giải quyết có sự chênh lệch lớn. Bên cạnh đó, với những chế độ, chính sách sát hợp đã giúp NHĐKCT cấp xã, khu phố, ấp cải thiện thu nhập, giải tỏa phần nào nỗi niềm, tâm tư đã kéo dài hàng chục năm nay. Điều này đã tạo phấn khởi, tiếp thêm động lực để họ yên tâm, cống hiến khả năng chuyên môn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
TRÍ DŨNG