Châu Trâm Anh, tác giả những bức phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, Di tích lịch sử Chiến khu Đ… được coi là nhà điêu khắc, nhà giáo, nhà kinh doanh trẻ. Anh còn là đại diện cho lớp nghệ sĩ năng động của vùng đất Bình Dương.

Châu Trâm Anh luôn tìm tòi, sáng tác về đất và người Bình Dương như một niềm say mê kể chuyện quê hương mình bằng nghệ thuật điêu khắc.
Anh cho biết từ nhỏ đã mê vẽ tranh, nặn tượng, dù anh sinh ra trong một gia đình thuần nông. Hình ảnh lũy tre làng, cánh đồng lúa, con đường làng, cánh diều bay trong gió, những con vật gần gũi với nông dân từ trâu, bò, ngựa, chó… cứ hiện diện trong các bức vẽ, hình nặn từ đất sét của anh.
Lớn lên, các tác phẩm dần dần được anh thể hiện là những người dân quê mộc mạc, câu chuyện về làng nghề, câu chuyện lịch sử một vùng đất anh hùng.
Sự rèn luyện không biết mệt mỏi cộng với năng khiếu, đã giúp anh tốt nghiệp thủ khoa của Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh khóa 2005- 2010. Hiện anh đang công tác tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương, nhưng vẫn dành thời gian cho đam mê sáng tác. Nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu, sáng tác và liên tục đoạt nhiều giải thưởng giá trị, Châu Trâm Anh được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương năm 2011; là hội viên chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên liên kết của Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2012.
Có một mảng sáng tác anh chuyên tâm thực hiện với cả lòng trân trọng, biết ơn vùng đất và người Bình Dương, về sự hy sinh của người đi trước, đó là đề tài lịch sử dân tộc, chân dung anh hùng cách mạng. Lịch sử, với những oai hùng nhưng cũng rất nên thơ, bản thân đề tài đã là những tác phẩm nghệ thuật. Với quan niệm này, Châu Trâm Anh thổi hồn vào tư liệu lịch sử mà anh đọc được, thế là thành những tác phẩm có giá trị mỹ thuật. Những người lính hy sinh cho Tổ quốc, mẹ Việt Nam anh hùng hay cả từng giai đoạn của lịch sử dân tộc đều là nguồn cảm hứng để anh sáng tác.
Ghi nhận đóng góp của Châu Trâm Anh cho tỉnh nhà, năm 2020, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã xuất bản tập sách ART Châu Trâm Anh ghi lại các tác phẩm trong quá trình sáng tác của anh. Với tài năng và tâm huyết của một nghệ sĩ, chắc chắn Châu Trâm Anh còn đóng góp nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật thật ấn tượng. |
Riêng mảng phù điêu, Châu Trâm Anh tâm đắc với 5 bức phù điêu đất nung - Chiến khu Đ, Bình Dương (thiết kế và thi công năm 2020). Các bức phù điêu ghi lại câu chuyện lịch sử oai hùng của người dân nơi này. Đó là Làng chiến đấu 5 xã (Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Long, Lạc An); Trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên; Trận đánh Phước Thành (ngày 17 và 18-9- 1961); Trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ (ngày 24-12-1966); Trận lụt lịch sử năm Nhâm Thìn (1952). Những bức phù điêu tái hiện sinh động con người và cảnh vật Chiến khu Đ một thời gian lao mà anh dũng. Có tự hào về lịch sử, về truyền thống anh hùng của người dân quê mình mới gửi gắm cái hồn và tình cảm vào tác phẩm như thế.
Trong khi đó, với bức phù điêu tại Bảo tàng tỉnh (thi công năm 2022), là cả một hình ảnh thu nhỏ của Bình Dương từ cảnh vật, làng nghề, con người Bình Dương qua các thời kỳ được thể hiện sinh động trong tác phẩm của một nhà điêu khắc luôn tận tâm với công việc. Nói về mảng sáng tác phù điêu, Châu Trâm Anh cho biết anh “rất tự hào và vinh dự khi được lãnh đạo tỉnh tin tưởng và giao cho anh việc phác thảo, thi công”. Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn, khắc ghi những chiến công và cả sự hy sinh của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến để giành tự do cho dân tộc. “Đây là một quần thể phù điêu tái hiện chiến công, chiến tranh cách mạng của quân và dân Bình Dương - Sông Bé. Đây cũng là công trình sử dụng nguyên liệu là đất nung lớn nhất cả nước, đến thời điểm hiện tại, về đề tài chiến tranh cách mạng thời hiện đại. Giá trị nghệ thuật là sử dụng thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, cách điệu, phóng đại để làm nổi bật trọng tâm nội dung diễn đạt phù điêu”, Châu Trâm Anh chia sẻ.
Ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết Châu Trâm Anh là một trong những hội viên luôn tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tác phẩm giàu tính ứng dụng cũng như đậm nét nghệ thuật. Với công việc dạy học, Châu Trâm Anh luôn tận tình hướng dẫn cho học trò của mình, nhưng anh cũng nghiêm khắc để “rèn nghề” cho đàn em. Anh cũng hướng niềm đam mê sáng tác về đề tài lịch sử cho thế hệ trẻ và luôn khuyến khích, động viên những em có năng khiếu, chịu học hỏi để tiến bộ trong thế giới mỹ thuật đầy thú vị này.
Thành tích những năm gần đây của Châu Trâm Anh: - Năm 2021: Tượng đài Vĩnh Long - Địa linh nhân kiệt, được chọn thi công. - Năm 2022: Tác phẩm Chân dung cụ Nguyễn Sinh Sắc (chất liệu đồng) - Giải nhì, cuộc thi Mô hình thiết bị đào tạo 3 năm tổ chức 1 lần của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và giải nhì của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tác phẩm tượng đài Đội quân tóc dài - giải nhì, tượng đài Má Kế - giải nhì cuộc thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức. - Năm 2023: Tác phẩm Tình ca phương Nam (chất liệu đá trắng) - giải nhì, Cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc tại Hà Nội. Tác phẩm Thành phố mới Bình Dương hội tụ phát triển (tổng hợp) - giải nhì Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Bình Dương. |
QUỲNH NHƯ