Ngày 4-3-2011 đã đánh dấu một ngày buồn của công ty sản xuất máy bay danh tiếng bậc nhất nước Nga Sukhoi. Mikhail Simonov, một trong những cái tên vĩ đại nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng là người khai sinh những chiếc máy bay chiến đấu lừng danh Sukhoi đã qua đời tại thủ đô Mátxcơva ở tuổi 82.
Sinh ngày 19-10-1929 tại vùng đất nằm giữa biển Đen và biển Caspi, Simonov tốt nghiệp Học viện Hàng không Kazan năm 1954 và ngay sau đó trở thành kỹ sư hàng không và tham gia thiết kế những "con chim sắt" của Nga. Chuyển đến Sukhoi làm việc năm 1970 với vai trò Phó nhóm thiết kế, trong suốt 9 năm sau đó, Simonov đã phát triển máy bay ném bom Su-24, máy bay tiêm kích mặt đất Su-25. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất mà kỹ sư danh tiếng này dám đương đầu là nhận thiết kế Su-27, chiến đấu cơ ném bom được kỳ vọng sẽ là câu trả lời của quân đội Nga cho những máy bay phản lực chiến đấu F-14, F-15, F-16 và F/A-18 đang nổi như cồn của Mỹ.
May bay chiến đấu Su-27.
Niềm say mê và quyết tâm của ông đã được đền đáp. Chiến đấu cơ hai động cơ Su-27 đã vào biên chế của lực lượng không quân Liên bang Xô Viết vào đầu những năm 1980 và giành được sự ngưỡng mộ của phương Tây với tầm hoạt động trên 3.200km, tính năng cực kỳ cơ động cùng vận tốc gấp 2,35 lần tốc độ âm thanh. Su-27 lập tức trở thành ngôi sao trong các cuộc triển lãm hàng không quốc tế với những màn nhào lộn gây kinh ngạc trên không trung mà hiếm chiếc máy bay nào có thể theo kịp. Lực ép lên cánh tương đối thấp và hệ thống điều khiển cực kỳ tinh vi cho phép chiếc máy bay được xem là di sản lớn nhất của công trình sư tài năng Simonov có khả năng hoạt động ở tốc độ cực kỳ thấp. Động tác nổi tiếng nhất mà Su-27 thực hiện được gọi là Cobra (rắn hổ mang), theo đó phi công có thể nâng mũi máy bay dần dần theo chiều thẳng đứng đến lúc nó gần như đứng bằng đuôi trong vòng vài giây. Năm 1983, ông giữ vị trí trưởng văn phòng thiết kế và cùng các đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu để xây dựng một gia đình máy bay chiến đấu đa chức năng với sự có mặt của Su-30 và Su-34.
Khi các hợp đồng quốc phòng bị ngừng trệ sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ năm 1991, nhà thiết kế tâm huyết Simonov đã không chịu để dự án sản xuất chiếc máy bay mà NATO mệnh danh là Flanker (kẻ tấn công sườn) cùng một số mẫu chiến đấu cơ khác bị co hẹp. Ông đã đóng vai trò chủ chốt trong việc giành chiến thắng các hợp đồng xuất khẩu máy bay ra nước ngoài để mang lại những khoản tài chính quan trọng và cần thiết cho nước Nga. Khoảng gần 2.000 phi cơ chiến đấu của Nga đã được bán cho Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều khách hàng khác trong những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.
Không dừng lại ở đây, ông Simonov vẫn tiếp tục nâng cấp thiết kế nguyên bản của Su-27, chiếc máy bay tiêm kích hiện vẫn đang là trụ cột của Không quân Nga để cho ra đời thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm, Sukhoi T-50 nhằm đáp lại thiết kế F-22 Raptor của Không lực Mỹ. Kế hoạch này vốn đã bị triển khai chậm do sự suy giảm của ngành công nghiệp vũ khí Nga thời hậu Xô viết. Sukhoi T-50 đã có chuyến bay đầu tiên trên bầu trời vào năm ngoái, muộn hơn gần 20 năm sau màn ra mắt ấn tượng của F-22 Raptor.
Vì những đóng góp không ngơi nghỉ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nhà thiết kế Simonov đã được Chính phủ Liên Xô cũ và Nga trao tặng Giải thưởng Lênin, Anh hùng Liên bang Nga và Huân chương Cờ đỏ cao quý.
Theo Hà Nội Mới