Người khát, lúa khô

Cập nhật: 09-04-2010 | 00:00:00

 Khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm. Trong lúc các ngành chức năng đang nỗ lực ứng phó thì thiệt hại đã xảy ra ở nhiều nơi. Đáng lo ngại là hàng chục ngàn hộ dân ven biển đang thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng.

 

Mỏi mòn chờ... nước ngọt

 

Chiều 8-4, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bến Tre, khô hạn và xâm mặn đang vào giai đoạn cao điểm. Hiện toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn bao vây. Khảo sát mới nhất cho thấy nước mặn theo sông Hàm Luông xâm nhập vào đất liền khoảng 70 km đến địa phận huyện Chợ Lách.

 

Niềm vui tắm đồng của trẻ em Châu Đốc, An Giang mùa khô hạn.

Trên sông Cổ Chiên và Cửa Đại, nước mặn cũng xâm nhập vào đất liền từ 50- 60 km. Do ảnh hưởng khô hạn và xâm mặn đã khiến hàng chục ngàn hộ dân thuộc các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

 

Ông Nguyễn Văn Ngang (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) cho biết: “Nhiều ngày qua, nắng trút như lửa, toàn bộ vùng này đều bị nhiễm mặn nên tìm đỏ mắt không ra một giọt nước ngọt. Cứ 2 ngày là cả nhà phải thay nhau đi đổi nước với giá cao kỷ lục từ 80.000 - 90.000 đồng/khối”. Đáng lo ngại là giá nước ngọt cứ tăng vùn vụt khiến nhiều hộ không có điều kiện lo nước sinh hoạt đủ dùng trong nhiều tháng.

 

Tại Tiền Giang, tình hình hạn mặn cũng đang diễn ra căng thẳng. Ông Phạm Văn Kiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, cho biết, đến nay toàn bộ hệ thống kênh mương ở 11 ấp trong xã đã cạn kiệt hoàn toàn, gần 15.000 dân đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Trong khi đó, trạm cấp nước ngọt của xã cũng bị nhiễm mặn nên việc tìm nguồn nước sinh hoạt hết sức khó khăn. Không chỉ ở Tân Thành mà các xã khác như Tân Điền, Bình Nghị, Bình Ân… thuộc huyện Gò Công Đông và hàng chục ngàn dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông cũng bị thiếu nước nghiêm trọng do mặn bao vây.

 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng lắp đặt 41 điểm cấp nước công cộng ở 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông phục vụ miễn phí cho dân. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới lắp đặt được 25 điểm và những điểm còn lại sẽ tiếp tục lắp đặt trong vài ngày tới. Dù vậy, nhiều nhà máy nước tại đây đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng, đồng thời chỉ có khả năng duy trì khoảng 2 tuần nữa cũng sẽ hết nước.

 

Đối phó với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã bố trí kinh phí hơn 2 tỷ đồng chuẩn bị phương án dùng sà lan chở nước ngọt từ TP Mỹ Tho xuống cù lao Tân Phú Đông cung ứng cho dân khi tình huống cấp bách.

 

Thiệt hại ngày càng tăng

 

Thống kê mới nhất vào chiều 8-4, ở địa bàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã có trên 500 ha lúa đông - xuân chết trắng do nhiễm mặn. 400 ha khác ở xã Tân Thành bị giảm năng suất từ 30%-70%. Ngoài ra, hàng ngàn hécta lúa ở huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, thị xã Gò Công cũng bị ảnh hưởng do nước mặn.

 

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Tiền Giang, nước mặn đang xâm nhập trên diện rộng buộc phải đóng tất cả hệ thống cống ở ven các cửa sông, trong khi mực nước nội đồng và kênh mương xuống rất thấp. Hiện ở vùng Dự án ngọt hóa Gò Công, còn hơn 4.500 ha lúa đông - xuân đang chín. Chủ trương của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh tiến độ thu hoạch nhằm giảm thiệt hại. Đối với 25.320ha lúa đã thu hoạch xong thì đang phơi đất và vì không có nước nên phải chờ mưa xuống mới có thể gieo sạ.

 

Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích tôm từ 1 - 2 tháng tuổi ở Bến Tre đã chết. Nặng nhất là ở Bạc Liêu đã có khoảng 7.000 ha tôm sú thuộc các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân… bị thiệt hại. Lo ngại nhất hiện nay là người dân ở các huyện Phước Long, Giá Rai… vừa đắp hơn 30 con đập ngăn mặn nhằm bảo vệ hàng chục ngàn hécta lúa, khiến các vùng tôm bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu cho biết: “Trước nguy cơ tôm chết lan rộng, chúng tôi đã thông báo cho người nuôi lùi lại thời gian xuống giống bởi thời tiết lúc này đang bất lợi”.

 

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết hàng ngàn hécta tôm đầu vụ cũng bị chết la liệt, ngành nông nghiệp yêu cầu người dân cẩn trọng thả nuôi giãn ra theo đúng lịch vụ, đừng vì giá tôm cao mà xuống giống đại trà dẫn đến thiệt hại lớn.

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=345
Quay lên trên