Kỳ 1: Giấc mơ Chol chnam thmay!
Là dân tộc thiểu số có nền văn hóa độc đáo, đa dạng từ lâu người Khmer được biết đến nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ. Tuy vậy, trong hành trình di cư hàng trăm năm trước, có một bộ phận người Khmer đã tìm đến, định canh định cư ở vùng đất mới linh thiêng bên dòng sông Bé hiền hòa, thơ mộng thuộc vùng Đông Nam bộ. Sau những thăng trầm đổi thay của lịch sử, đất sông Bé và người Khmer đã hòa làm một. Tìm về với đồng bào dân tộc Khmer tại xã An Bình, Phú Giáo ngày này, tác giả thấy choáng ngợp bởi sự phát triển, đổi thay ở nơi đây, bất chợt lại thấy chạnh buồn khi biết rằng nền văn hóa của người Khmer Tamun đang dần bị mai một...
Những chiếc Đồng La của ông Kim là nhạc cụ cuối cùng của người Khmer Tamun trên đất Phú Giáo
An Bình, Phú Giáo là một trong những địa bàn xa trung tâm Bình Dương với nhiều dân tộc sinh sống; trong 3.644 hộ dân có đến hơn 204 hộ là người dân tộc thiểu số. Số liệu cho thấy người Khmer Tamun chiếm gần 200 hộ, họ sống đan xen với người Kinh và số ít người Hoa, Thái, Stiêng, Sán Dìu... Ông Ngưu Bư kể lại rằng: “Ngày đó, người Khmer sống ở đây đông lắm, người Kinh chỉ có mấy hộ thôi. Bây giờ người Kinh đông hơn rồi...”.
Tôi là người Khmer Tamun...
Gặp bất cứ người Khmer nào ở Phú Giáo, họ cũng khẳng định điều này như thể muốn “định danh thương hiệu” của dân tộc mình. Chẳng mấy ai hiểu được Khmer Tamun là gì nếu không bỏ công tìm hiểu gốc tích người Khmer Tamun “chính hiệu” tại ấp Nước Vàng, xã An Bình. Người Khmer được chia làm hai nhánh: Khmer Crôm (dưới) và Khmer Lơ (trên). Khmer Crôm nổi tiếng ở khu vực Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau... và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà người Khmer vẫn quen gọi người Namdang; Khmer Lơ tập trung ở một số tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương... với tên gọi “đặc thù” là người Tamun. Nhiều lý thuyết được đưa ra nhằm giải thích cho quá trình di cư của người Khmer từ vùng đất Campuchia huyền bí, hiểm trở ngày nào. Con cái người Khmer sinh ra sẽ mang họ cha. Tại Phú Giáo, người Khmer sẽ mang họ Ngưu, Kim, Trị, Sơn, Lâm... Do đặc điểm vùng miền nên có một vài đổi thay nho nhỏ. Tuy vậy, người Khmer ở đâu cũng sử dụng chữ Mon - Khmer để viết và nói. Ai đã từng đến và sống tại các phum, sóc Khmer cỡ 365 ngày sẽ không thể nào quên được lễ hội Chol chnam thmay (chào năm mới) tưng bừng và Ok om bok (cúng trăng) rộn ràng... Tết Chol chnam thmay được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm mang ý nghĩa chào đón năm mới tốt lành như Tết Nguyên đán của người Kinh. Ba ngày tết, các gia đình “lũ lượt” kéo nhau đi chúc tết hàng xóm. Họ tập trung về một hộ nào đó để ăn mừng năm mới theo kiểu xoay vòng. Họ uống rượu, ăn mắm bò hóc, cơm lam và múa điệu Rơmvong trong tiếng Đồng La (chiêng) nhịp nhàng, mê đắm. Ngày tết, trẻ em Khmer cũng khát khao được xúng xính trong những bộ trang phục mới như bất cứ đứa trẻ nào trên thế giới. Chúng đi theo cha mẹ đến chúc tết các gia đình hàng xóm để nhận những phong bao lì xì đỏ ối.
Bằng sự cố gắng của mình, cuộc sống người Khmer Tamun đã có sự đổi thayĐám cưới người Khmer Tamun có khi kéo dài đến 3 ngày với nào là tục bắt rể, cột chỉ... Nếu trong phum, sóc có một cặp uyên ương kết hôn, những gia đình khác sẽ mang trâu, bò, heo hoặc tiền đến chúc mừng. Cô dâu, chú rể sẽ giữ chặt một thanh kiếm trên bàn để đón khách đến chúc phúc. Khách mời, mỗi người cột một sợi chỉ đỏ vào tay đôi uyên ương với lời chúc tình yêu của “tân lang tân nương” sẽ bền chặt. “Cứ thế cô dâu, chú rể phải ngồi cầm kiếm cho tới khi nào hết khách mới thôi. Cặp vợ chồng nào được cột nhiều chỉ thì sự hãnh diện của gia đình càng lớn”, ông Kim Văn Phước cho biết.
Nếu trong sóc có người chết, hàng xóm sẽ mang gia súc, gia cầm hoặc bầu bí, rau củ đến giúp gia đình người quá cố tổ chức đám tang. Không giống người Kinh, đồng bào Khmer Tamun “dồn” tất cả các ngày giỗ của ông bà, tổ tiên trong năm vào chung ngày Tết Sendolta (ngày tổ tiên hay lễ xá tội vong nhân). Ngày Sendolta được người Khmer Tamun tổ chức “hoành tráng” không thua gì Tết Chol chnam thmay hay Tết Nguyên đán của người Kinh với bánh chưng, bánh tét kéo dài 3 ngày 3 đêm. Đối với người Khmer ở Phú Giáo, Sendolta được xem là ngày lễ “đáng nhớ” nhất trong năm.
“Con muốn biết chữ Mon - Khmer”
Đồng bào Khmer theo 3 hệ tôn giáo chính: Tín ngưỡng dân gian, Balamon và Phật giáo tiểu thừa. Người Khmer Tamun theo đạo Phật vì vậy hoạt động văn hóa, tâm linh đều gắn với chùa chiền. Theo tục, người Khmer khi chết xác sẽ được hỏa táng và gửi cốt ở chùa. Tuy vậy, chạy khắp Phú Giáo kiếm mỏi mắt cũng không ra một ngôi chùa Khmer nào. Không có chùa để đi lễ, mỗi năm người Khmer “khăn gói” đón xe lên Chơn Thành, Lộc Ninh (Bình Phước) để đi chùa. Tuy nhiên, số người này chủ yếu là bộ phận lớn tuổi khát khao muốn duy trì nền văn hóa Khmer. Thực tế, phần lớn người Khmer Tamun ở Phú Giáo nay đã “Kinh hóa”, một số phong tục tập quán đã được giản lược hóa và có chiều hướng “nhạt nhòa” trong ký ức của những người Khmer trẻ tuổi. Bản thân những em nhỏ Khmer bây giờ không biết lễ hội Ok om bok của dân tộc mình rộn ràng đến thế nào. Cô bé Ngưu Thị Thu Thủy bẽn lẽn lắc đầu khi được hỏi về những ngày hội của dân tộc. Thế hệ thứ hai, thứ ba của gần 200 hộ dân Khmer Tamun bây giờ quá lắm cũng chỉ biết nói tiếng Khmer chứ không tài nào viết được chữ Mon - Khmer. Ước vọng có một ngôi chùa để đến vui chơi, sinh hoạt trong những ngày hội, có một ngôi trường dạy chữ Khmer là khát khao lớn nhất của thế hệ Khmer Tamun “lão làng”. Kim Thị Ngọc Thu, cô sinh viên người Khmer Tamun vừa tốt nghiệp trường cao đẳng mẫu giáo chia sẻ: “Con không viết được chữ Khmer vì không có ai dạy. Nếu có trường nào dạy con sẽ đi học để dạy lại cho người Khmer trong xóm mình. Từ trước đến nay, con chưa được đi chùa Khmer lần nào...”.
Đi dọc tuyến đường ĐT741, đoạn đi qua ấp Nước Vàng thấy những ngôi nhà khang trang của người Khmer, chúng tôi không khỏi vui mừng vì cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Giáo đang có bước đổi thay rõ rệt. Tuy nhiên, nghe câu nói ngây thơ của các em lòng lại chạnh buồn. Không có chùa, không có trường dạy chữ viết Khmer, phong tục tập quán bị lãng quên... và văn hóa người Khmer Tamun đang dần bị mai một. Rời ấp Nước Vàng, chúng tôi trở về trong nỗi băn khoăn: “Vài chục năm nữa xuống ấp Nước Vàng có ai kể lại cho chúng tôi nghe chuyện người Khmer Tamun không nhỉ?”. (còn tiếp)
TÂM TRANG