Người làm báo và những kỷ niệm khó quên trong tâm dịch

Cập nhật: 19-06-2022 | 15:35:25

(BDO) Là những người làm báo, trong những năm tháng đi tác nghiệp chắc hẳn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Song, có lẽ suốt cuộc đời làm nghề của mình, những người làm báo sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày phải sống và hoạt động trong tâm dịch bệnh Covid -19.

Phóng viên Báo Bình Dương tác nghiệp tại khu vực phong tỏa tạm thời do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một năm 2021

Là người Bình Dương, sẽ không ai quên được những tháng ngày kinh hoàng ấy. Đó là khoảng thời gian từ giữa năm 2021 trở đi, khi dịch bệnh Covid -19 bắt đầu xâm nhập và lây lan một cách khủng khiếp trên địa bàn tỉnh. Người ta nghe khu phố này, khu phố nọ, cơ quan kia... bị phong tỏa; những ngày sau đó thì huyện nọ, huyện kia rồi cả tỉnh bị giãn cách...

Ai cũng hồi hộp, lo âu, hạn chế tiếp xúc với người lạ và cả với người... thân quen. Suốt ngày mọi người chỉ có thể ở trong nhà và cập nhật thông tin trên mạng. Riêng nhà báo là một trong những đối tượng thuộc lực lượng tuyến đầu nên được ưu tiên đi tác nghiệp, nhưng phải có giấy xác nhận của đơn vị, cơ quan chủ quản.

Phóng viên Minh Duy và Công Khanh, Báo Bình Dương mặc đồ bảo hộ trước khi tác nghiệp trong khu cách ly y tế 

Ý thức việc tuyên truyền trong tâm dịch là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm của người làm báo, bởi số người mắc Covid-19 lúc ấy ngày càng nhiều. Song hầu hết các nhà báo vẫn vượt qua mọi lo lắng, sợ hãi, thường xuyên ra, vào tâm dịch, nỗ lực bằng nhiều cách để có được những sản phẩm báo chí thời sự, chân thực và sống động nhất gửi về cơ quan để chuyển tải cho độc giả...

Lúc ấy, các phóng viên đều làm việc online với cơ quan. Mỗi lần đi tác nghiệp ở các điểm nóng dịch bệnh tại các địa phương, phóng viên phải có giấy test Covid âm tính trong vòng 3 ngày, phải đi qua rất nhiều điểm chốt chặn, phải liên tục khử khuẩn, giữ khoảng cách với người cung cấp thông tin hoặc người muốn phỏng vấn, đối tượng muốn chụp ảnh... Nói chung, rất vất vả nhưng vì để bảo vệ cho mình và người khác thì ai cũng phải nghiêm túc chấp hành. Khi xong việc trở về gia đình, phóng viên cũng phải sát khuẩn toàn thân, vệ sinh kỹ càng mới vào nhà, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với người thân. Đặc biệt, có những phóng viên phải cách ly luôn với gia đình trong thời điểm tâm dịch để bảo đảm an toàn cho người thân...

Từ các bài tuyên truyền, phản ánh của báo chí, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh (Ảnh: Bình Dương thực hiện hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh về quê an toàn, miễn phí để phòng, tránh dịch bệnh năm 2021)

Có lẽ không nhà báo nào không trải qua những đêm ngủ chập chờn, chưa khi nào trọn giấc do tiếng còi xe cứu thương văng vẳng; hình ảnh các y, bác sĩ, nhân viên y tế, thanh niên tình nguyện... bịt khẩu trang, mặc đồ bảo hộ kín mít toàn thân, mồ hôi ướt đẫm cả người… tất bật đi lại trong các bệnh viện, các cơ sở cách ly để điều trị hoặc chăm sóc cho những bệnh nhân Covid. Hay hình ảnh những chuyến xe chở cùng lúc nhiều chiếc quan tài đưa người chết đến các lò hỏa thiêu. Đâu đó là tiếng khóc nức nở của những người cha, người mẹ mất con, vợ mất chồng, chồng lìa xa vợ, những em bé bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ... Rồi những con đường phóng viên đi qua dù ban ngày vẫn vắng lặng đến rợn người... 

Nhà báo Đỗ Trọng, phóng viên Phòng Nội chính - Bạn đọc, Báo Bình Dương chia sẻ, “tôi rất tự hào khi được cơ quan giao trọng trách là một trong những người tuyên truyền về tình hình và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Với trọng trách được giao, bản thân tôi luôn cố gắng hết sức hết trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao chuyển tải một cách chân thực nhất những gì mình đã chứng kiến đến bạn đọc, để mọi người biết là tuyến đầu chống dịch đã phải vất vả hy sinh quá nhiều, để mọi người thấy được những đau thương, mất mát, đáng sợ của Covid-19… Qua đó, để mỗi người đều có ý thức hơn trong việc chung tay phòng chống dịch bệnh…”.

Nhà báo Minh Duy, phóng viên phòng Kinh tế- Xã hội, Báo Bình Dương, một trong những người phụ trách việc tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Bình Dương từ lúc dịch mới bùng phát. Anh cho biết, “nhiệm vụ tác nghiệp trong vùng dịch thực sự là nhiệm vụ chiến đấu của người cầm bút. Qua cuộc chiến chống dịch đã cho tôi thấy sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội của các phóng viên, nhà báo. Tác nghiệp trong vùng dịch, phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao nên bản thân mình phải luôn chủ động làm tốt công tác bảo hộ, tuân thủ nghiêm quy định 5K để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và đồng nghiệp...”.

Và mặc dù luôn trang bị khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn... cẩn thận, vẫn có nhiều phóng viên trong tỉnh và phóng viên thường trú đã nhiễm Covid, nhưng may mắn là tất cả đều vượt qua, bình an trong mùa dịch. Nhà báo Đình Trọng, phóng viên thường trú Báo Lao động, một trong những cây viết luôn xông xáo, không ngại nguy hiểm đến những địa phương đang là tâm dịch của Bình Dương để đưa tin, bài, hình ảnh về diễn biến của dịch bệnh cũng như công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân Covid- 19, chia sẻ: “Là phóng viên thường trú, chúng tôi luôn cố gắng truyền tải thông tin và hình ảnh chân thực nhất của Bình Dương trong dịch bệnh. Qua đó, đồng hành và chia sẽ những khó khăn cùng tỉnh Bình Dương trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh…”. 

Trong dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ lại những ký ức đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng đáng tự hào vì những nỗ lực vượt bậc để chung tay, đóng góp cùng Bình Dương vượt qua cơn đại dịch. Nghề báo vốn là nghề của xông pha, dấn thân với biết bao hiểm nguy, vất vả, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, chưa bao giờ công việc của những người đưa tin trở nên “nóng bỏng” đến thế. Dù biết nguy hiểm, nhưng đó là sứ mệnh của người làm báo, là niềm tự hào của các chiến sĩ cầm bút xông pha nơi tuyến đầu chống dịch...

Bình Minh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=931
Quay lên trên