Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã trả lương cơ bản cho người lao động (NLĐ) cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết tiếp tục tăng lương sau ngày 1-7 để hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn trong bối cảnh vật giá leo thang. Bên cạnh đó, tiền phụ cấp cũng được tính tăng thêm để chăm lo tốt hơn cho NLĐ.
Vui khi được thông báo tăng lương
Nghị định số 38/2022/NĐ- CP về tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ có hiệu lực từ ngày 1-7. Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Theo đó, Bình Dương thuộc vùng I, nên mức lương tối thiểu tháng sẽ tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), cho biết qua rà soát mức lương cơ bản của công nhân lao động tại Bình Dương, rất nhiều DN trên địa bàn đã trả lương cơ bản cho NLĐ cao hơn quy định lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, phía DN cho biết sẽ tiếp tục tăng lương cho công nhân sau ngày 1-7, để hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn trong thời buổi vật giá leo thang. Việc làm trên là rất tốt, vừa giúp NLĐ ổn định cuộc sống vừa giữ chân được NLĐ tiếp tục gắn bó với công việc dài lâu.
NLĐ đang chờ DN tăng lương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống
Điển hình như tại Công ty Gỗ Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên), mức lương cơ bản hàng tháng của NLĐ là hơn 4,9 triệu đồng/người, cộng thêm phụ cấp khoảng 300.000 đồng/ tháng thì tương ứng mức lương cơ bản tháng là 5,3 triệu đồng/ người. Tuy nhiên, phía DN này vừa thông báo đến công nhân sẽ tiếp tục tăng lương kể từ ngày 1-7. Anh Hà Văn Lâm, công nhân làm việc trên 5 năm tại công ty chia sẻ: “Chúng tôi vừa được cán bộ công đoàn thông báo sẽ tăng lương từ ngày 1-7 theo Nghị định số 38. Theo Nghị định, NLĐ sẽ được tăng thêm 260.000 đồng/tháng, nhưng phía công ty cho biết sẽ tăng thêm tròn số là 300.000 đồng/tháng. Thu nhập bình quân từ lương, cộng phụ cấp và tăng ca, mỗi tháng bình quân chúng em nhận không dưới 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vật giá leo thang mỗi ngày như hiện nay khiến đời sống công nhân lao động rơi vào khó khăn chung. Vì thế, mỗi tháng được tăng thêm 300.000đồng/người/ tháng là động lực để mình tiếp tục gắn bó với công việc”.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An), ngay từ ngày 1-1-2022, mức lương cơ bản tháng của công nhân đã được công ty điều chỉnh và tăng trên 5 triệu đồng/người /tháng trước khi Chính phủ công bố thời điểm tăng lương tối thiểu vùng. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ: “Sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, nhìn thấy giá cả các loại tăng cao từng ngày, đời sống NLĐ gặp khó khăn nên công đoàn đã đề xuất tăng lương cơ bản cho NLĐ khoảng 8% từ ngày 1-1- 2022 và được lãnh đạo công ty chấp thuận. Tới ngày 1-1-2023, công ty sẽ tiếp tục tăng lương cơ bản cho NLĐ thêm 8-10%. Ngoài các chế độ chăm lo đời sống NLĐ, công ty chúng tôi luôn chủ động tăng lương cho NLĐ trước quy định”.
Cán bộ công đoàn chủ động đề xuất với DN
Nói về việc tăng lương tối thiểu vùng theo đúng quy định, bảo đảm quyền lời của NLĐ, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Gỗ Tân Nhật chia sẻ, nhìn chung hầu hết DN tại Bình Dương đều trả lương cơ bản tháng cao hơn quy định lương tối thiểu vùng, nhưng không vì thế mà DN không tính đến chuyện tăng lương cho công nhân từ ngày 1-7. Hiện nay, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, nếu DN không tăng lương, NLĐ sẽ gặp khó khăn. Trong vấn đề này, vai trò của cán bộ công đoàn rất quan trọng. Cán bộ công đoàn phải chủ động tư vấn, đề xuất với DN, đòi hỏi quyền lợi cho NLĐ.
Còn theo ông Huỳnh Văn Chữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì và Khoáng sản số 1 (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An), cho rằng đứng ở góc độ NLĐ, đã 2 năm qua họ không được tăng lương tối thiểu vùng, nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong năm 2021 nhiều tháng liền phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Cái khó của DN là ở tầm vĩ mô, còn cái khó của NLĐ là cấp bách, thiết yếu, cần phải xem xét ngay. “Năm 2021, dù công ty của tôi cũng gặp khó nhưng đã tăng lương cho công nhân khoảng 5%, tương ứng 200.000 đồng/người/tháng. Mỗi lao động bình quân đạt thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng. Tôi thấy Chính phủ quyết định tăng lương 6% từ ngày 1-7 là hợp lý”, ông Chữ nói.
Ông Phạm Văn Tuyên cho biết thêm, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, Sở LĐ-TB&XH vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng gửi đến người sử dụng lao động trên địa bàn theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai mức lương tối thiểu theo quy định. Trường hợp thang lương, bảng lương của DN không còn phù hợp với quy định của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với nghị định trên.
“DN cần tổ chức rà soát các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi thường bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người sử dụng lao động phải báo cáo bằng văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH sau ngày 1-7”, ông Tuyên nói.
QUANG TÁM