Người lao động rời khu vực nhà nước: Tác động và giải pháp ổn định thị trường việc làm
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Thực hiện chủ trương cải cách hành chính toàn diện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, cụ thể hóa chính sách tinh giản biên chế trong giai đoạn 2024–2026. Theo kế hoạch, khoảng hàng trăm ngàn công chức, viên chức sẽ rời khỏi khu vực nhà nước, đánh dấu một bước đi quyết liệt trong nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính công tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời góp phần cơ cấu lại thị trường lao động theo hướng năng động, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích dài hạn, việc một lượng lớn lao động rời khỏi khu vực công trong thời gian ngắn cũng đặt ra hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Từ góc độ cung lao động, thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể số người tham gia tìm kiếm việc làm, phần lớn là người có chuyên môn về hành chính, tài chính công, văn thư – nhóm ngành vốn không còn được ưa chuộng trong mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại. Đặc biệt, phần đông lực lượng này ở độ tuổi trên 35, khiến khả năng cạnh tranh về sức trẻ, công nghệ, ngoại ngữ và khả năng thích ứng bị hạn chế.
Ở chiều ngược lại, về phía cầu lao động, khu vực tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – đang có nhu cầu tuyển dụng cao, song lại đặt ra những tiêu chí khắt khe hơn về kỹ năng, tư duy linh hoạt, khả năng làm việc trong môi trường số hóa. Không ít doanh nghiệp vẫn ngần ngại tuyển dụng lao động từ khu vực công vì khác biệt văn hóa làm việc, tâm lý an toàn, ít đổi mới. Tình trạng “lệch pha” giữa kỳ vọng của người lao động và yêu cầu của thị trường khiến quá trình tái hòa nhập diễn ra chậm và thiếu hiệu quả, kéo theo nguy cơ thất nghiệp kéo dài, đặc biệt ở nhóm lao động trung niên.
.jpg)
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong số lao động bị tinh giản, nhóm 35–50 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là nhóm vừa chưa đủ điều kiện nghỉ hưu sớm, vừa gặp trở ngại lớn khi chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, nhóm trên 50 tuổi chủ yếu lựa chọn nghỉ hưu sớm hoặc làm các công việc bán thời gian như giảng dạy, tư vấn. Nhóm dưới 35 tuổi, tuy có khả năng thích ứng cao hơn, vẫn cần được tái đào tạo để phù hợp với các yêu cầu hiện đại của khu vực tư.
Trước thực trạng này, các giải pháp đồng bộ cả ngắn hạn và dài hạn đã được các cơ quan chức năng và địa phương khẩn trương triển khai. Về ngắn hạn, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đóng vai trò then chốt. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đã tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, cả trực tiếp và trực tuyến, kết nối nhanh giữa doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trung tâm cũng ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ thông qua các nền tảng như website, Zalo OA, Facebook, email và đặc biệt là ứng dụng “Việc làm phía Nam”. Đây là nền tảng kết nối việc làm quy mô lớn, liên kết hơn 30 tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau, hỗ trợ hiệu quả cho nhóm lao động rời khu vực công tìm kiếm cơ hội phù hợp, không bị giới hạn bởi địa lý.
Song song đó, các chính sách trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tài chính ngắn hạn, miễn giảm học phí đào tạo nghề và cho vay vốn ưu đãi cũng được triển khai rộng rãi. Đây là các biện pháp “đệm” cần thiết để người lao động có điều kiện ổn định cuộc sống, tham gia tái đào tạo và chuẩn bị kỹ càng trước khi quay lại thị trường lao động.
Về dài hạn, định hướng chiến lược là nâng cao năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động thông qua đào tạo lại kỹ năng số, tư duy công nghệ, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, lao động bị tinh giản hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhân lực quý nếu được đào tạo đúng hướng để tham gia vào các lĩnh vực mới như phân tích dữ liệu, thương mại điện tử, quản trị hệ thống thông tin…
Ngoài ra, cần khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn chi phối từ Nhà nước xây dựng chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với người lao động rời khu vực công, nhất là ở các vị trí cần kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị tài chính công… Đồng thời, hỗ trợ khởi nghiệp cũng là một hướng đi tiềm năng cho nhóm lao động trẻ.
Việc thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho nhóm đối tượng này, tổ chức cố vấn khởi nghiệp, đơn giản hóa thủ tục pháp lý sẽ mở ra những cơ hội phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh cá nhân, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có hệ sinh thái doanh nghiệp năng động như Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh.
.jpg)
Vai trò của Nhà nước trong quá trình điều tiết và định hướng lại thị trường lao động là yếu tố then chốt. Bên cạnh các chính sách trực tiếp, cần xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên biệt dành cho người rời khu vực công, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng nghề để thiết kế chương trình đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, truyền thông cũng cần vào cuộc để thay đổi định kiến xã hội và doanh nghiệp về năng lực của lao động từ khu vực nhà nước. |
Việc hàng trăm ngàn người lao động rời khu vực nhà nước không chỉ là biểu hiện của một chính sách cải cách mà còn là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ. Thách thức là có thật, đặc biệt là áp lực thất nghiệp, chênh lệch cung – cầu và khoảng trống kỹ năng. Tuy nhiên, nếu được định hướng, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nguồn nhân lực theo hướng chất lượng, linh hoạt và thích ứng với chuyển động kinh tế mới.
Trong tiến trình đó, vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm – đặc biệt như Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn, vừa là cầu nối, vừa là điểm tựa giúp người lao động vững vàng bước sang một chặng đường mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tường Vy - T.Thái