Là địa phương phát triển công nghiệp, Bình Dương có số lượng đông đảo lao động là người ngoại tỉnh nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng người lao động tiếp cận và mua được nhà ở giá thấp hiện nay vẫn còn thấp do “vướng” nhiều thủ tục.
Nhà ở xã hội là nhu cầu thiết thực của nhiều người lao động có thu nhập thấp. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một được xây dựng khang trang, sạch đẹp Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Anh Nguyễn N. là công nhân làm việc tại TX.Tân Uyên cho biết may mắn lắm anh mới mua được căn nhà giá thấp tại chung cư B. ở TP.Thủ Dầu Một. Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” lâu nay của vợ chồng anh đã thành hiện thực. Mặc dù gian nan trong khâu chứng minh thủ tục mới mua được nhà nhưng xem ra anh vẫn còn may mắn so với nhiều người.
Anh cho hay, trước đó anh đã tìm hiểu kỹ thông tin về nhà ở giá thấp và các thủ tục cần thực hiện. Ngày chủ đầu tư chào bán, anh hăng hái đến đăng ký và nhận thấy nhu cầu mua nhà ở giá thấp là quá lớn, trong khi đó số lượng nhà chưa nhiều nên một số “cò” lợi dụng tình hình đưa ra lời hứa kiếm nhà cho khách để nhận tiền chênh lệch. Một số người có tài chính lớn sẵn sàng mua luôn vài căn với mục đích đầu tư và cho thuê lại. Bên cạnh đó, giá nhà đất hiện nay được rao bán hàng tỷ đồng trở lên, điều này khiến cho những người lao động có thu nhập thấp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như không đủ năng lực tài chính để mua.
Anh N. chia sẻ thêm, để mua được nhà, trước tiên phải chứng minh không có nhà tại địa phương hoặc nơi tạm trú. Tiếp theo là chứng minh bản thân đang làm việc tại công ty và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, lương được chuyển khoản để ngân hàng xem xét có đủ mức chi trả khi cho vay. “Nói thì đơn giản nhưng khi nhờ cán bộ địa phương xác nhận không có nhà thì cũng khá khó khăn. Họ bảo rằng không có nhà ở khu phố, phường này nhưng nhà ở nơi khác thì họ đâu có biết, lỡ xác nhận rồi sau này bị quy trách nhiệm thì mệt”, anh N. nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP, nhận xét hiện nay việc xây dựng nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội cho người lao động trên địa bàn tỉnh là điều rất cần thiết. Bà từng chứng kiến nhiều công nhân phải ở ghép để tiết kiệm chi phí trong những phòng trọ chật hẹp nên càng mong muốn người lao động có được căn nhà tuy nhỏ nhưng thực sự là nhà của họ. Nhưng theo bà Chi, xem ra điều này cũng rất khó. Khi chủ đầu tư rao bán, nhiều người có sẵn tiền họ mua ngay và sau đó cho thuê lại hoặc bán lại giá cao nên cơ hội cho người thu nhập thấp lại bị thu hẹp.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết theo Nghị định 100/2015/ NĐ-CP thì vấn đề vướng ở đây là người có hộ khẩu mới mua được nhà và vấn đề ngược lại là có nhà mới vào hộ khẩu. Từ đây nảy sinh vấn đề, một người làm việc tại Bình Dương và muốn mua nhà nhưng hộ khẩu ở địa phương khác thì phải về địa phương xác nhận là không có nhà. Điều này khiến việc đi lại mất nhiều thời gian và ảnh hưởng công việc của người mua nhà. Ông Đạt nhấn mạnh: “Cần nghiên cứu kỹ điều kiện, quy định để giảm áp lực về thủ tục và tạo điều kiện tốt để người thu nhập thấp có nhà ở nhằm tránh tình trạng trục lợi chính sách, phân bổ nhà ở xã hội không đúng đối tượng”.
QUỲNH ANH