Người lính đặc công huyền thoại

Cập nhật: 17-03-2018 | 14:59:47

Xuất thân trong một gia đình nông dân áo vải nhưng Đại tá Trần Công An (Hai Cà) - người con vùng đất Thạnh Hội, TX.Tân Uyên đã làm nên một huyền thoại. Chính cách đánh của ông cùng tổ du kích trong trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên đêm 18 rạng sáng 19-3-1948 đã được đúc kết thành kinh nghiệm về lối đánh đặc công cho cả nước. Và sau này, ngày 19-3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công - binh chủng gắn với 16 chữ vàng: “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí sáng tạo, Đánh hiểm thắng lớn”.

Chúng tôi trở lại Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), vùng đất ngàn năm lênh đênh giữa dòng sông Đồng Nai trong một chiều tháng 3 nắng gắt. Khác hẳn với những hoạt động nhộn nhịp của công ty, xí nghiệp của một TX.Tân Uyên đang trên đường phát triển mạnh về công nghiệp, Cù lao Rùa đón chúng tôi bằng một màu xanh mướt của những đồng lúa đang trĩu hạt, những ruộng hành và bát ngát bạc hà… Những người dân ở đây nói rằng, dù Bình Dương có phát triển theo hướng nào đi chăng nữa thì Cù lao Rùa Thạnh Hội vẫn sẽ giữ nét riêng vốn có của vùng đất này.

Ông Trần Văn Kỉa, con trai thứ 3 của ông Hai Cà rất tự hào về ba mình cũng như truyền thống của gia đình  

Hôm nay, người dân Cù lao Rùa không chỉ tự hào là vùng đất có lịch sử từ 3.000 - 3.500 năm trước với nhiều công cụ bằng đá, đồ trang sức, đồ gốm... Hơn 200 năm trước, Trịnh Hoài Đức đã xếp Cù lao Rùa vào một trong ba mươi danh thắng đẹp nhất miền Nam. Người dân nơi đây còn rất tự hào bởi đã quê hương này đã sản sinh ra người con - Đại tá Trần Công An, một người nông dân áo vải đã khai sinh ra lối đánh đặc công. “Từ đất cồn Rùa địa linh nhân kiệt/ Tay không trói giặc, trọn đời theo Đảng vì dân/ Tiêu diệt tua bằng thang tre lựu đạn/ Mở đầu cách đánh đặc công bằng FT, Peta/ Tinh nhuệ, bí mật, bất ngờ, chắc thắng/ Chiến công nối tiếp chiến công/ Đời riêng gắn với việc công/ Cầu Bà Kiên, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình/ Rạng danh người anh hùng chân đất…”. Đây chính là những dòng chữ được khắc trên tấm bia trước phần mộ của đại tá Trần Công An (tên thật là Trần Văn Kìa, hay còn gọi Hai Cà) ở xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Tên tuổi của ông gắn với trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên đêm 18 rạng sáng 19-3-1948. Theo đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 429, ông Hai Cà là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công. Vì vậy hiện nay, hình ảnh của ông được đặt ở vị trí trang trọng nhất ở Phòng truyền thống Lữ đoàn Đặc công 429 tại huyện Phú Giáo. Và phần mộ của ông hôm nay nằm trang trọng trước UBND xã Thạnh Hội. Hàng ngày, Đoàn Thanh niên xã đảm nhiệm việc quét dọn, hương khói để khu mộ luôn ấm cúng, sạch sẽ.

Về thăm lại ngôi nhà thờ tổ được ông xây dựng năm 1979, người con trai thứ 3 của ông là Trần Văn Kỉa cho biết, ngôi nhà này được xây dựng năm 1979, cách ngôi nhà cũ của ba ông không xa lắm. Ngôi nhà cũ trước đây đã bị chính tay ba ông đốt khi thoát ly theo cách mạng. Nói về ông Hai Cà, về vùng đất Thạnh Hội, ông Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, người con của vùng đất Thạnh Hội cho biết, ông rất tự hào khi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thạnh Hội. Vì vậy, sau ngày về hưu, ông quyết định về đây xây dựng “Ngũ vị văn nhân sông Đồng Nai” và là địa chỉ đọc sách báo tại Cù lao Rùa. Theo ông, nếu đại tá Trần Công An là một người đặc biệt thì gia đình đại tá càng đặc biệt hơn. Cả vợ chồng, con cái đến cháu chắt đều trong ngành quân đội, cống hiến hết mình cho đất nước. Và đại tá là một trong số rất ít người miền Nam có đến 8 lần được gặp Bác Hồ cả ở Hà Nội, đến chiến khu Việt Bắc. Và đại tá cũng là một trong những người mà được nhiều người yêu mến, từ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến những người dân bình thường.

Quay trở lại tìm hiểu cuộc đời của ông Hai Cà, tức đại tá Trần Công An, ông Mai Sông Bé bảo, ông may mắn được gặp ông Hai Cà rất nhiều lần trong những năm tháng ông còn sống trong căn nhà nhỏ ở TP.Biên Hòa do tỉnh Đồng Nai xây tặng. Lần đầu gặp, ông Bé rất ngạc nhiên bởi dáng người cao to, khác hẳn suy nghĩ về một người lính đặc công phải nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Qua những lần trò chuyện, ông biết ông Hai Cà vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo như bao gia đình khác ở Cù lao Rùa. Không chỉ khổ cực vì cuộc sống thiếu thốn, ông Hai Cà đã chứng kiến bao cảnh địch đàn áp nhân dân. Vì vậy, từ nhỏ, ông Hai Cà đã căm thù giặc sục sôi. Cuối năm 1946, có một tên lính Pháp một mình đi từ phía đồn Tân Ba xuống Thạnh Hội, ông lò dò theo sau lưng. Đi được một đoạn, tới chỗ vắng vẻ, ông Hai Cà chợt nảy sinh ý tưởng cướp súng của địch. Thế là từ phía sau bất thình lình, ông lao đến gạt phắt chân khiến cho tên lính Pháp ngã vật, rồi dùng dây cột bò mang theo trói tên Pháp, tước súng trường với 200 viên đạn mang giao cho bộ đội Tân Uyên. Sau đó, ông thoát ly theo cách mạng và luôn nung nấu ý chí giải phóng quê hương.

Đầu năm 1948, quân Pháp triển khai chiến thuật De Latour, xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh để đàn áp phong trào cách mạng. Là phương tiện bố phòng nên quân Pháp cho xây dựng các tháp canh kiên cố. Hệ thống tháp canh của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ đã gây cho lực lượng kháng chiến của ta rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên và tiếp tế lương thực, vũ khí... Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá hệ thống tháp canh của giặc Pháp, đánh bại chiến thuật De Latour là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung và Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc này, vũ khí, trang bị của ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh, nên nhiệm vụ phá tháp canh tưởng chừng như không thể.

Được Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao nhiệm vụ phá tháp canh, phụ trách Đội du kích Tân Uyên, ông Hai Cà biết đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Trở về hậu cứ, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách đánh. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 16 nối liền Biên Hòa với Chiến khu Đ. Ông Hai Cà xác định, muốn đánh tháp canh phải giữ bí mật bằng cách bò qua hàng rào kẽm gai, trèo lên tường tháp rồi dùng lựu đạn ném vào bên trong… Nói thì dễ, làm thì khó vô cùng. Với quyết tâm phải đánh thắng trận đầu, mở đường cho phong trào diệt tháp canh của địch về sau, ông Hai Cà cho toàn đội du kích của mình khổ luyện, đặc biệt là những người sẽ trực tiếp tham gia trận đánh. Ông đưa tổ “đặc nhiệm” chuẩn bị trận đánh vào sâu trong rừng, dựng một tháp canh giả bằng kích thước của tháp canh thật rồi tổ chức thực tập trận đánh. Một du kích giả làm lính Pháp trèo lên ngọn “tháp canh” cầm đèn pin rọi xung quanh để canh gác tháp. Các du kích còn lại cởi trần, dùng bùn non bôi khắp người hóa trang rồi bí mật bò vào chân tháp dùng thang tre dựng cặp tường tháp để leo lên ném lựu đạn vào bên trong tháp. Tập đến khi người ngồi trên “tháp canh” rọi đèn không phát hiện được người bên dưới mới thôi. Để cho trận đánh chắc thắng, ông Hai Cà còn nhiều lần đi điều nghiên hệ thống bố phòng ở tháp canh cầu Bà Kiên để chỉnh sửa phương án tác chiến và cho đội du kích thực tập cách đánh đến khi thật nhuần nhuyễn. Khi thấy không còn sai sót gì, ông báo cáo cấp trên xin lệnh đánh tháp canh cầu Bà Kiên.

Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường.

Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Sau này, ngày 19-3 được chọn là ngày truyền thống Bộ đội Đặc công.

Ngày 23-8-1996, Đại tá Trần Công An được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1991, tỉnh Đồng Nai đã xây tặng ông một ngôi nhà ngay sát Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa. Ông qua đời năm 2008. Hiện nay, ở tỉnh Đồng Nai có một con đường mang tên Trần Công An…

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=767
Quay lên trên