Người lính già kể chuyện gặp Bác

Cập nhật: 30-11-2009 | 00:00:00

Cụ Lê Hoàng Kế (giữa) đang kể lại những kỷ niệm lần gặp Bác Hồ

Tại buổi tuyên dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Phú Giáo tổ chức, tấm gương điển hình để lại nhiều ấn tượng nhất cho chúng tôi là cụ Lê Hoàng Kế, ngụ ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa; nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Giáo. Ấn tượng không chỉ vì cụ Kế là tấm gương điển hình tiêu biểu lớn tuổi nhất (76 tuổi) trong số 43 cá nhân, mà ấn tượng bởi câu chuyện cụ kể trong buổi giao lưu tại buổi tuyên dương hôm đó...

Kể chuyện gặp Bác

Người dẫn chương trình dứt lời giới thiệu, hội trường buổi tuyên dương hôm đó với cả trăm người dự khán bỗng yên lặng như tờ. Mọi người yên lặng là để nghe cụ Kế kể về kỷ niệm lần gặp Bác Hồ. Đó là kỷ niệm mà cụ nói rằng sẽ theo cụ suốt cuộc đời, vừa là vinh dự, là niềm tự hào, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm lớn lao của chính bản thân cụ với vinh dự ấy...

Năm 1957, Trung sĩ Lê Hoàng Kế nhận nhiệm vụ của tổ chức tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ. Chức vụ mới tại miền Bắc của cụ Kế khi ấy là Đội phó Nông trường Thanh Hà. Tình cờ vào một ngày cuối năm 1957, Bác Hồ đến thăm Nông trường Thanh Hà. Cụ bồi hồi nhớ lại: “Trước khi Bác đến chúng tôi không hề hay biết về việc này. Khi chúng tôi đang làm việc thì thấy một chiếc xe hơi đỗ ngay trước cổng nông trường và thật ngạc nhiên người đầu tiên bước xuống xe chính là Bác Hồ với bộ áo nâu giản dị, đôi dép cao su. Tôi vui mừng kêu to:

- Các đồng chí ơi, Bác Hồ đến thăm chúng ta.

Khi tôi vừa dứt lời thì Bác nói ngay:

- Bác đến thăm nông trường chúng ta chỉ trong thời gian đúng 30 phút và Bác cũng không muốn các cô, các chú phải tổ chức đón Bác rình rang làm gì. Các cô, các chú cứ làm việc đi.

Không như những gì tôi hình dung, đầu tiên Bác đi thăm nhà vệ sinh của nông trường, tiếp đến bác vào thăm nhà ăn, nơi nghỉ ngơi của công nhân nông trường, cuối cùng Bác mới lên nhà khách. Thăm xong một lượt, trước khi ra về Bác nói với chúng tôi:

- Tư tưởng các chú tốt nhưng các chú ráng rèn luyện, phấn đấu học tập thêm để có kiến thức xây dựng quê hương đất nước.

Đúng như Bác nói, Bác chỉ thăm nông trường đúng 30 phút là tạm biệt chúng tôi. Mặc dù tất cả anh em trong nông trường chúng tôi đều muốn mời Bác ở lại dùng cơm với chúng tôi, nhưng Bác từ chối. Bác hẹn chúng tôi có dịp sẽ đến ăn cơm, bởi Bác còn rất nhiều việc phải làm.

Những bài học làm người từ Bác

Cụ Kế cho biết dù chỉ một lần duy nhất được gặp Bác trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng ở Bác toát lên đức tính của một nhân cách lớn, một tâm hồn vĩ đại. Người rất tôn trọng ý kiến của người khác, khi đóng góp ý kiến với chúng tôi Bác dùng từ: “Các chú, các cô thấy có nên như thế này, như thế kia được không?”. Bác không bao giờ nói: “Các chú, các cô phải làm như thế này hay như thế kia mới đúng”.

Cụ Kế tiếp: “Với bản thân tôi ngoài rất nhiều bài học quý học được từ Bác, thì có 3 điều quý giá tôi đã học được từ Bác và nó đã ăn sâu vào suy nghĩ, hành động của tôi suốt 52 năm kể từ ngày đó đến nay là: Thứ nhất là tính kế hoạch của Bác. Một vị lãnh tụ bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn có thời gian để đến thăm mọi người, nhất là các chiến sĩ và nông dân. Thứ hai là tác phong sâu sát. Bác là người rất sâu sát với quần chúng nhân dân, đi đến đâu Bác cũng vào thăm nhà vệ sinh, bếp ăn, rồi cuối cùng mới đến nhà khách. Thậm chí Bác còn cùng tham gia lao động với mọi người để tìm hiểu những vất vả và giá trị của lao động. Thứ ba là Bác luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quân đội và nhân dân. 3 điều tâm đắc đó đã trở thành 3 bài học lớn xuyên suốt tư tưởng của tôi và đã giúp tôi hoàn thành mọi công việc ở mọi vị trí. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ cương vị nào, dù là một chiến sĩ hay một người chỉ huy, tôi luôn nhớ và áp dụng các bài học của Bác...

Đối với tôi, Bác là người rất vĩ đại, chúng ta không thể học hết được tất cả những đức tính cao cả của Bác, mà mỗi người trong chúng ta cần chọn cho mình một trong nhiều đức tính vĩ đại ấy của Bác để tự hoàn thiện mình. Học tập ở Bác là chúng ta học các kỹ năng để hoàn thiện chính bản thân mình. Mỗi một suy nghĩ và hành động của Bác là một bài học lớn để tất cả mọi người chúng ta học tập và làm theo”.

HOÀI PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=470
Quay lên trên