Với quan niệm không để thanh niên xa quê (TNXQ) không có việc làm, anh Phạm Tiến Thanh, Bí thư Chi đoàn TNXQ Đại Gia Đình ở khu nhà trọ 8/44 khu phố 8, Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ, TP.TDM luôn tích cực tìm việc cho đoàn viên mới đến Bình Dương lập nghiệp.
Căn nhà trọ nhỏ trên đường Huỳnh Văn Lũy là nơi tạm trú của anh Phạm Tiến Thanh. Bước vào phòng trọ, nhìn ảnh chụp cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012-2017 đủ để hiểu anh Thanh là một điển hình trong phong trào hoạt động Đoàn. Đúng vậy! Anh chính là người duy nhất đại diện thanh niên công nhân đi dự đại hội lần đó.
Trò chuyện với chúng tôi, anh nói: “Quê tôi ở Thái Bình, năm 2007 xa gia đình vào đây lập nghiệp. Biết xin việc làm là rất khó, tôi cứ mãi đi tìm và sau đó may mắn tôi làm việc tại một công ty Hàn Quốc. Sau một tháng được tập thể công nhân tín nhiệm, tôi làm tổ trưởng tổ sản xuất và kiểm tra bán thành phẩm. Đến năm 2009, tôi tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi đoàn TNXQ Đại Gia đình. Vừa công việc, vừa phụ trách hoạt động Đoàn, tôi luôn tự nhủ làm sao giúp đoàn viên có cuộc sống và sinh hoạt thật tốt”.
Nghĩ là làm, anh Thanh đã giúp đỡ các bạn TNXQ mới vào Bình Dương lập nghiệp bằng mọi hình thức từ nhà ở trọ, đến lấy thông tin tuyển dụng từ các công ty, thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, trên báo, mạng… nhằm tìm cho TNXQ có một công việc ổn định. Với vị trí quản lý của mình, việc quan hệ tìm kiếm việc làm cũng không mấy khó khăn. Tìm được việc nào thông qua thông tin tuyển dụng, anh đều thông báo cho các bạn trong chi đoàn ngay. Năm 2013, anh đã giới thiệu 10 bạn thanh niên có việc làm. Trường hợp bạn Vũ Ngọc Hợp, quê ở Thái Bình đã được anh giới thiệu vào làm tại Công ty gia công răng Thời đại kỹ thuật số (Khu công nghiệp VSIP2, TP mới Bình Dương). Hiện nay, thu nhập mỗi tháng của Hợp là 7 triệu đồng.
Bên cạnh giới thiệu việc làm cho thanh niên, anh Thanh còn vận động đoàn viên thực hiện tốt 2 mô hình heo đất tình thương và đặt thùng rác tái chế tại khu nhà trọ. Với mô hình heo đất tình thương, anh đặt 2 con heo đất trước 2 tiệm tạp hóa gần dãy nhà trọ, vận động nhân dân đến mua hàng ủng hộ bằng cách bỏ tiền lẻ mà chủ tạp hóa đã thối lại vào heo đất. Với mô hình đặt thùng rác tái chế tại nhà trọ, anh vận động anh chị em trong nhà trọ gom rác có thể tái chế như vỏ chai, thùng giấy bỏ vào thùng rác tái chế để cuối tháng mang bán. Tất cả số tiền thu được từ 2 mô hình này, anh để chi đoàn dùng làm phí thăm hỏi đoàn viên khi ốm đau hoặc tổ chức các sân chơi vào dịp cuối tuần. Từ đó, anh chị em trong nhà trọ đoàn kết, gắn bó, gần gũi nhau hơn.
Nhiệt tình với công tác Đoàn, chăm lo hết mình cho đoàn viên thanh niên, nhưng anh Thanh cũng không mong ước gì cho riêng mình mà chỉ mong các bạn TNXQ vào Bình Dương lập nghiệp ai ai cũng có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống.
NGỌC NHƯ