Người mẹ của trẻ khiếm thị

Cập nhật: 18-11-2010 | 00:00:00

Chỉ mấy cô trò trong căn phòng nhỏ. Cô say sưa hỏi, trò say sưa trả lời. Tất cả các em đều chăm chú, tập trung thính giác cao độ và miết những ngón tay nhẫn nại trên giấy, dò đọc từng chữ nổi Braille. Như bao lớp học khác, lớp học của cô giáo Đặng Thị Thu Phương tại Hội Người mù tỉnh chỉ khác chăng là các học trò đều bị khiếm thị. Đã hơn 20 năm qua, những hình ảnh ấy cứ đều đặn và lặng lẽ diễn ra ở  lớp học này.

Sáng nay, cô giáo Phương vẫn tiếp tục công việc ấy. Lớp học, tính luôn cả cô là năm người. Ngoài cô giáo nhỏ bé với đôi mắt sáng dịu hiền thì tất cả các em học trò của cô đều bị mù hoặc bẩm sinh hoặc do bệnh tật từ nhỏ.

 

Cô Thu Phương quên đi bản thân để hết lòng với những học trò không may mắn

Cô Đặng Thị Thu Phương là cô giáo đầu tiên và duy nhất dạy học cho các em bị khiếm thị tại đây. Cô Phương SN 1964 tại An Thạnh, Thuận An. Lúc đầu cô cũng chỉ là một cán bộ công chức của huyện, rồi một lần tình cờ cô chứng kiến cảnh một người mù dạy đàn, dạy hát cho các em khiếm thị, trong lòng cô dấy lên một nỗi xúc động và day dứt mãi về những người khuyết tật mà cô đã gặp. Không thể chần chứ, lần lữa nữa, cô Phương quyết định tìm đến với Hội người mù của tỉnh để xin vào làm giáo viên dạy chữ cho các em khiếm thị tại đây dù cô chưa hề kinh qua một khóa sư phạm nào. Năm đó là năm 1990. 

Bằng nỗ lực không mệt mỏi, cô giáo Phương vừa làm, vừa học thêm để mong có thêm nhiều kiến thức truyền đạt lại cho các em. Lúc nào cô cũng nghĩ: “Các em chỉ bị mù mắt chứ không thể mù kiến thức. Nếu có kiến thức các em sẽ tìm ra ánh sáng cho cuộc đời mình”. Thế là, cô ngày đêm đi đến từng gia đình có trẻ bị khiếm thị để vận động các em đi học. Chỉ nghe phong phanh ở gia đình nào đó có trẻ bị mù thì dù có xa mấy cô cũng đến tận nơi để động viên, khuyến khích các em tới lớp.

Lớp học của cô Phương dạy văn hóa cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Những đứa trẻ khiếm thị khi được tiếp nhận sẽ bắt đầu vào học lớp 1. Sau mỗi năm học, các em cũng được tổ chức thi cử, kiểm tra. Em nào đủ điều kiện thì được lên lớp. Em nào không đạt phải tiếp tục học thêm. Khi đã học xong lớp 5, các em sẽ được gửi ra ngoài để học ở các trường phổ thông với những học sinh bình thường. Em Hà Thị Phương Trinh, một học sinh của cô Phương đã ra ngoài học hòa nhập tại trường THCS Phú Hoà. Nhiều năm liền Trinh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, em cho biết: “Cô Phương như người mẹ thứ hai của em vậy. Ngoài việc giáo dục trí thức cho chúng em, cô còn dạy cả cho chúng em về đạo đức và về lối sống. Có những thứ em chưa hiểu, chưa biết là phải chờ cho bằng được cô lên để hỏi. Nhờ có cô, những người khiếm thị như em đã hiểu biết được rất nhiều điều. Cô luôn là tấm gương sáng cho chúng em học tập và noi theo”.

Cô Phương tâm sự: “Làm một người thầy tốt với các em học sinh bình thường đã khó, làm một người thầy đã tốt lại có tâm đối với các em học sinh khuyết tật lại càng khó hơn bội phần. Nhưng không vì vậy mà tôi nản chí. Hơn 20 năm làm giáo viên dạy cho các trẻ em khiếm thị nhưng những việc tôi làm cho các em vẫn chỉ như muối bỏ bể. Càng ngày tôi càng thấy yêu thương và gắn bó với các em nhiều hơn. Tôi chỉ mong muốn mình được cống hiến nhiều hơn nữa phần sức trẻ của mình để bù đắp phần nào cho các em”.

Đã hơn 20 năm trôi qua, quên đi bản thân và hết lòng với những học trò không may mắn, cần mẫn như con ong hút mật cho đời, cô Phương vẫn miệt mài với sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình. Hàng trăm học trò khiếm thị của cô, bé nhất là 8 tuổi, lớn nhất là 60 tuổi đã có được ánh sáng tri thức đầu tiên từ lớp học của cô. Những học trò ngày ấy giờ đây đều đã trưởng thành. Không ít người học cao, hiểu rộng, biết nhiều hơn cô. Nhiều người cũng đã có cuộc sống của  riêng mình. Nhưng tất cả họ đều không thể nào quên lớp học đầu tiên ấy, quên cô giáo của mình, một người đã hy sinh nhiều thứ để ở lại làm người chèo đò đưa các em qua sông để đến với bến bờ tri thức, hòa nhập xã hội.

Mỗi tấm lòng của một giáo viên khuyết tật là một câu chuyện dài. Tấm lòng của cô Phương cũng là một câu chuyện cổ tích trong muôn vàn câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Giờ đây, vượt ra ngoài những ước mơ cao cả khác, cô giáo của những học trò khiếm thị Đăng Thị Thu Phương chỉ có một ước nguyện chung là: “sẽ có thêm thật nhiều kiến thức để được tiếp tục con đường mà mình đã đi, đó là mang hết tất cả những kiến thức mà mình có được để truyền đạt lại cho các em. Mình muốn chia sẻ thật nhiều những mất mát, thiệt thòi mà các em đang phải chịu đựng”. 

N.THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X