Lớn lên ở vùng nông thôn ấp 3, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, từ nhỏ anh Nguyễn Phú Dự đã quen với công việc thức đêm đi cạo mủ cao su, sáng về nấu cám nuôi heo. Sau đó, Dự cùng gia đình mở trang trại nuôi heo, nuôi gà dưới tán rừng cao su, kết quả ban đầu cho thu nhập khá. Được vài năm, việc chăn nuôi của gia đình anh rơi vào khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, gia đình phải “đóng cửa” trang trại. Vốn đam mê nghề chăn nuôi, lại có sẵn cơ ngơi chăn nuôi trước đó, sau chuyến tham quan một số mô hình chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc, anh đã đưa giống gà Đông Tảo (tỉnh Hưng Yên) về nuôi thử, nhưng không ngờ “trúng” lớn.
Trở lại chuyện cái trứng với con gà
Từ kinh nghiệm nuôi heo, gà trang trại hơn 10 năm, anh Nguyễn Phú Dự rất khó quên nghề này dù tình hình giá cả thị trường, dịch bệnh đã nhiều lần khiến kinh tế gia đình anh lao đao. 10 năm trước, anh tạm “đóng cửa” chuồng trại rộng đến 800m2 để tập trung vào khai thác vườn cây cao su 2 ha, vì thời điểm đó giá mủ cao su khá tốt. Dù đóng cửa trại nhưng anh vẫn luôn nhớ nghề chăn nuôi đã theo đuổi từ tấm bé.
Mùa hè năm 2012, người em rể có dịp về quê ở ngoài Bắc thăm gia đình và mời vợ chồng anh cùng đi. Cũng rất tình cờ, trong chuyến đi đó anh đã phát hiện ở tỉnh Hưng Yên có làng Khoái Châu có loại gà nổi tiếng được dân làng thả nuôi rất hiệu quả. Qua tìm hiểu, anh đã bàn bạc với vợ có thể đưa giống gà này về phát triển ở quê nhà Phú Giáo như một vật nuôi mới lạ vì điều kiện thả nuôi các loại gà tương đối giống nhau. Sau khi có sự đồng thuận của vợ, gom góp vốn liếng khoảng 100 triệu đồng anh quyết định mua 200 con giống với giá 400.000 đồng/con đưa vào Phú Giáo để nuôi. Tuy nhiên, khi đưa vào nuôi, số gà giống hao hụt quá nửa vì chênh lệch nhiệt độ giữa hai miền nên bị chết dần.
Mỗi năm, mô hình nuôi gà Đông Tảo mang về cho anh Nguyễn Phú Dự thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong ảnh: Anh Dự đang thực hiện đợt ấp trứng mới chuẩn bị đưa ra thị trường trong thời gian tới. Ảnh: DUY CHÍ
Nhìn gà giống chết không phải do bệnh tật, anh tự trách bản thân mình vì chủ quan thiếu tính toán, nhưng qua đó cũng thôi thúc anh gây dựng giống gà mới này tại địa phương. Rồi anh tiếp tục gom góp tiền dành dụm trở lại Hưng Yên lần thứ hai để mua trứng gà giống thay vì mua con giống như trước đây, với lý do: Con giống di chuyển xa dễ bị sốc nhiệt do thay đổi thời tiết, nhưng trứng nở ra con tại chỗ sẽ dễ thích nghi hơn. Quả đúng như tính toán của anh, 200 trứng gà “lộn” được anh đưa từ Khoái Châu về xã Tân Long, huyện Phú Giáo đạt tỷ lệ nở trên 90%. Điều đáng mừng là con giống phát triển bình thường như các loại gà giống khác mà trước đây gia đình anh đã từng nuôi.
Gà con giống sống và phát triển bình thường là thành công bước đầu của mô hình nuôi gà Đông Tảo thả vườn của anh Dự.
Bội thu từ giống mới
“So với mô hình trang trại nuôi gà công nghiệp, nuôi gà Đông Tảo dưới vườn cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gà Đông Tảo là đặc sản bán chạy tại các nhà hàng. Quy trình chăn nuôi cũng không khó, không gây ô nhiễm môi trường như nuôi gà công nghiệp nên có thể khuyến khích nông dân có điều kiện đất đai, vườn cây rộng nên kết hợp nuôi thả vườn, dưới tán cây rất hiệu quả. Để tránh bị động do “được mùa mất giá”, bà con cần chủ động nắm bắt thị trường, đầu ra như hộ anh Nguyễn Phú Dự nhằm bảo đảm phát triển kinh tế gia đình bền vững”. (Ông Nguyễn Hoàng Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long, huyện Phú Giáo) |
Sau 8 tháng nuôi gà Đông Tảo, gà trống của anh đạt trọng lượng trung bình trên 3kg/con, gà mái cũng trên 2kg/con; giá bán trên thị trường thời điểm đó từ 450.000 - 500.000 đồng/ kg, cao điểm mùa tết lên đến 1 triệu đồng/kg nhưng anh vẫn không đủ nguồn hàng cung cấp. Năm đầu đưa giống gà mới về nuôi trên nền chuồng cũ với khoảng 100 con gà thương phẩm, gia đình anh đã thu về gần nửa tỷ đồng.
Anh Dự tâm tình, anh quyết định chuyển đổi sang nuôi gà Đông Tảo là vì có lòng tin và kinh nghiệm với nghề chăn nuôi, kế đến là đánh giá được nhu cầu thị trường. Trước khi chọn mua con giống gà Đông Tảo về nuôi, anh đã thấy nhiều khách hàng từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh gửi đơn hàng ra ngoài Bắc và chịu hoàn toàn chi phí, phí tổn trong quá trình vận chuyển. Tiếp xúc với chủ các trang trại đang nuôi gà Đông Tảo ở Hưng Yên, người ta cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin, đầu mối thị trường với gợi ý: “Trong đó cung cấp được thì sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, công vận chuyển, tỷ lệ hao hụt”. Điều thuận lợi cho anh là khi nuôi gà Đông Tảo, anh chỉ cần gọi điện thoại cho đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, khách hàng sẽ đến xem trại nuôi, đặt cọc, đến tết họ bắt hết số lượng gà trong chuồng và trả tiền một lần vì gà anh nuôi vừa đẹp mã, giá rất cạnh tranh.
“Có nhiều chú gà trống có dáng độc, lạ người ta tách ra làm quà biếu, chiêu đãi tiệc tất niên với giá bán từ 7 - 10 triệu đồng/con, cá biệt có con lên đến vài chục triệu đồng. Tôi không bán gà trực tiếp vì không có thời gian. Tôi cũng không kê giá vì mình là nông dân, không làm thương mại, nhưng khi nuôi phải nắm bắt nhu cầu thị trường để không bị động theo kiểu được mùa mất giá”, anh Dự nói.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi
Anh Dự chia sẻ, nuôi gà công nghiệp vừa mất nhiều thời gian vừa gây ô nhiễm môi trường, trong khi nuôi gà Đông Tảo anh chỉ cần 3 tiếng đồng hồ vào buổi sáng, trưa, chiều để thu dọn chuồng trại, cho gà ăn, uống nước. Gà Đông Tảo ăn rất khỏe, phát triển cũng rất nhanh, chế độ ăn cũng bình thường, chủ yếu là rau với cám, bắp. Tuy vậy, điều mà người chăn nuôi loại gà này cần biết đó là giống cây, con gì tốt, chất lượng cao đều có tỷ lệ sống kém so với các loại cây, con cùng loại. Do thân xác to nặng, tỷ lệ thịt cao, chân to quá khổ nên gà mái Đông Tảo ấp trứng khá khó khăn; nếu để gà ấp tự nhiên thì ổ trứng hầu như hư hết vì bể, thối hoặc đã nở ra con gà mẹ cũng đạp chết. Gà trống cũng vậy, với đôi chân không lồ nên rất vụng về so với gà nòi, gà ta, vì vậy tỷ lệ trống mái phải giảm xuống 1 trống 3 mái mới bảo đảm.. .
Bên cạnh đó, quá trình nuôi gà Đông Đảo tránh thay đổi thức ăn đột ngột, vì như vậy khiến gà bị sốc. Gà con thường bị bệnh hô hấp như các giống gà khác nên người nuôi cần giữ ấm, tránh gió lùa vào đàn gà. Đối với chuồng trại phải thông thoáng, tránh ẩm ướt rất dễ sinh bệnh. Nếu được chủng ngừa đầy đủ thì nuôi gà Đông Tảo cũng dễ như nuôi gà ta thả vườn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều và ít bị “dội chợ”.
Theo anh Dự, gà Đông Tảo nuôi đạt chuẩn phải có thời gian gấp đôi gà ta, tức phải từ 8 - 10 tháng thịt mới ngon, chắc. Gà trống được ưa chuộng do màu sắc đẹp, đôi chân ấn tượng thường được dùng lám quà biếu, đãi tiệc..; có nhiều con gà trống phát triển tốt, chân to được chọn làm kiểng giá rất cao. Dân nuôi gà kiểng thường phân loại chân gà theo hai dạng, chân vẩy rồng, vẩy cá chân da sùi (cùi); loại chân vẩy rồng được ưa chuộng vì vẩy xếp hàng rất đẹp. Nếu các bạn trẻ ở nông thôn yêu thích chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chăn nuôi, ấp trứng và giới thiệu đầu mối tiêu thụ. Hiện thương lái đến tận trang trại của anh thu mua gà thịt giá thấp nhất cũng 200.000 đồng/ kg, cao gấp 3 lần nuôi gà thả vườn, nhưng vẫn bảo đảm môi trường.
“Bản thân đam mê chăn nuôi từ nhỏ, lại sống ở nông thôn, qua quá trình chăn nuôi gà Đông Tảo tôi rút ra bài học: Càng yêu chăn nuôi càng phải am hiểu nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, nếu chỉ biết chăn nuôi mà không nắm bắt được nhu cầu thị trường thì trước sau gì người chăn nuôi cũng gặp khó khăn vì bị động đầu ra, giá cả không ổn định. Để nuôi gà Đông Tảo thành công, tôi luôn tự tìm hiểu có giống gà gì mới lạ, khác thường để cung cấp cho thị trường. Hiện tôi đã tìm được giống gà khổng lồ nhập từ Malaysia, để khi thị trường gà Đông Tảo tôi đang nuôi sắp bão hòa, mình có sản phẩm mới nối tiếp”.
(Anh Nguyễn Phú Dự)
DUY CHÍ