Gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Phương, tổ 7, ấp 2, xã Lạc An (Tân Uyên) say mê tìm kiếm những chiếc chén cổ, sưu tầm những vật nông nghiệp xưa... Nhờ vậy, bây giờ ông đang sở hữu bộ sưu tập với hàng trăm món vật dụng nông nghiệp cổ, những tư trang trong 2 cuộc kháng chiến.
Ông Phương bên những vật dụng nông nghiệp xưa sưu tập được
Theo chân anh Cửu, phụ trách văn hóa - thông tin xã Lạc An, chúng tôi đến nhà ông Phương, người nông dân mê sưu tầm đồ cổ. Ấn tượng đầu tiên đó là những chiếc cối đá, cày, lưỡi hái, bó lúa khô... được treo trước hiên nhà. Vừa sắp xếp lại những đồ vật cổ, ông Phương kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đưa ông đến với thú chơi đồ cổ - thú chơi đã khiến ông say mê cho đến tận bây giờ. Sinh ra và lớn lên tại Cù lao Thạnh Hội, năm 1989 ông theo gia đình về Lạc An mưu sinh. Hàng ngày gắn bó với đồng ruộng, vật dụng sản xuất nông nghiệp, những thứ tưởng chừng như đơn giản, bỏ đi lại đâm ra gắn bó với ông. Năm 2005 cuộc sống gia đình đã ổn định, song những ngày làm nương rẫy đã in sâu trong tâm trí, bởi vậy ông quyết định sưu tầm những đồ vật đã gắn bó với nhà nông, nuôi sống gia đình, bản thân ông.
Những ngày rảnh, ông lân la các vựa ve chai hỏi mua lại những đồ dùng nông nghiệp mà họ mua được. Khi thì chiếc bát, lúc là cục đá mài, hôm thì cái liềm, ngày lại bộ cày... Cứ thế mà bộ sưu tập của ông ngày một nhiều thêm, ông được mọi người gần xa biết đến với cái tên Phương đồ cổ. Ông tâm sự: “Lúc đầu, nhiều người bảo tôi gàn dở, thậm chí vợ con tôi cũng chả mấy vui. Nhưng khi hiểu được niềm đam mê của tôi, bà lại ủng hộ nhiệt tình”.
Theo tính toán của ông Phương, hiện trong nhà ông đang có hàng trăm cổ vật với nhiều chủng loại: nồi, niêu, bát đĩa, ấm, chén, bình vôi, cuốc, thuổng, mũ cối, bàn mài... Khắp nhà đều thấy cổ vật, ông treo trên tường, cất trong bao, treo ngoài cửa, lâu lâu ngắm chúng ông cảm thấy tự hào như thể đang lưu giữ hồn cốt của thời xưa. Ước mơ của ông hiện nay là xây dựng một bảo tàng vật dụng nông nghiệp cổ nho nhỏ tại nhà để những người quan tâm cùng chiêm ngưỡng; giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về quá trình sản xuất nông nghiệp ngày trước khi đến tham quan nhà.
TỐ TÂM