Kỳ 1: Người Nùng yêu Bình Dương
Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần lên Cao Bằng; Then - làn điệu dân ca làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai, cô gái; phong tục cưới hỏi, trang phục truyền thống, phương cách mưu sinh… làm nên bản sắc riêng của người Nùng. Những cái hay, cái đẹp đó được người Nùng đưa vào Bình Dương trên con đường di cư lập nghiệp.
Nhờ cây cao su mà nhiều gia đình người Nùng có cuộc sống khá giả Ảnh: Đ.TUÂN
“Đất lành chim đậu”
Để tìm hiểu rõ hơn về người Nùng đang sinh sống tại Bình Dương, chúng tôi tìm gặp những “nhân chứng sống” đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới. Tại Phú Giáo, nơi “an cư lạc nghiệp” của nhiều người Nùng, nhất là xã An Linh, Tân Hiệp, chúng tôi được nghe họ kể lại quá trình di cư của mình. Ông Lý Viết Thiên (An Linh), người Nùng đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Bình Dương tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt. Giọng nói còn lơ lớ, chỉ tay về phía vườn cao su đang được thu hoạch, ông Thiên cười nói: “Ở Cao Bằng lúc đó còn khó khăn lắm, năm 1989, tôi tìm đến Sài Gòn kiếm sống. Sau nhiều năm làm đủ nghề nhưng không thoát khỏi cảnh nghèo, do ở đó đất chật mà người thì rất đông. Được mọi người chỉ dẫn, tôi quyết định đến vùng đất chưa ai đến để làm lại từ đầu. Mường tượng mảnh đất Bình Dương mầu mỡ nhưng còn hoang sơ, tôi bắt xe khách xuống Phú Giáo, đi bộ vào tận khu An Linh, nơi còn nhiều đất để “cắm dùi” lập nghiệp.
Bình Dương hiện có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc Nùng, với gần 1.000 nhân khẩu. Đó là những người Nùng từ Cao Bằng di cư đến đây đã hơn 25 năm. Lúc đầu chỉ có 2 - 3 gia đình đến làm nhà ở. Thấy cuộc sống dễ chịu, thuận tiện làm ăn sinh sống, họ về rủ thêm người làng, người thân cùng “di dân” đến vùng đất mới. Bỏ lại sau những vất vả, thiếu thốn của những ngày mới lập nghiệp, người Nùng tại Bình Dương hiện đã có cuộc sống ấm no, sung túc.
Nối bước chân ông, ông Phàn Văn Sang, Hà Văn Thàn, Vy Văn Thảy… cũng tìm đến an cư nơi vùng đất này. Quay sang nhìn ông Thiên với ánh mắt trìu mến như một lời cảm ơn người bạn đã “vẽ” cho ông con đường đi đúng, ông Vy Văn Thảy (Tân Hiệp), nói: “Những ngày đầu khi chuyển về vùng đất này, khó khăn chồng chất, mình và mọi người cùng chặt cây rừng, đắp đất làm căn nhà chung để ở. Ban ngày, việc ai người đó làm, ai có sức thì khai hoang nhiều đất. Tối đến, bên bếp lửa, chúng tôi ngồi bên nhau, ăn uống, kể chuyện làm ăn. Sống với anh em xa nhà, được tâm sự, yêu thương nhau, ai cũng như được “tắm lá thuốc” để có sức khỏe tiếp tục khai hoang, trồng trọt”.
Vẽ lại “bức tranh” quá khứ của những ngày đầu lập nghiệp. Ngày đó, sắn không có ăn, cỏ vẫn còn xanh lắm, họ rủ nhau đào củ mài để ăn. Có cái ăn dự trữ, họ lấy giống ngô, cây mì do UBND huyện cho mang về trồng. Không chấp nhận cuộc sống vất vả, vượt lên mọi khó khăn, với đôi bàn tay và đức tính chăm chỉ, siêng năng của người Nùng, từng ngày một, tằn tiện, chắt chiu, họ đã tạo dựng cơ nghiệp. Sau những vụ sắn, họ vun vén thành khu trồng thêm rau màu, lúa. Trên con đường nhỏ, người Nùng nối đuôi nhau cõng, chở những bao sắn, lúa lên huyện đổi lấy mắm muối. Cuộc sống vất vả nhưng họ rất đoàn kết với nhau. Ai đến trước giúp những người đến sau cân thóc, củ mì. Chỉ vài năm, những hộ còn “lạ cái lạ nước” đã tự đứng vững.
Cuộc sống tương đối ổn định, nhiều gia đình đưa vợ con vào để cùng làm, cũng như vơi đi nỗi nhớ. Từ đó, ngôi nhà chung được tách ra thành 5 - 7 hộ gia đình. Cứ thế, số lượng hộ tăng dần, tăng dần lên đến hơn 100 hộ. Nhớ lại một thời cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm kinh tế, ông Thiên, nói: “Mặc dù tách ra, ai ở nhà nấy nhưng vài ngày chúng tôi lại quay quần bên nhau. Ai có gì ngon đều mang đến để anh em, bạn bè, con cháu cùng ăn. Ở Cao Bằng, chúng tôi sống nhiều nơi, nhưng về với Bình Dương, mọi người coi nhau như anh em một nhà”.
Gia đình bà Hoàng Thị Kính trao đổi với phóng viên về những ngày đầu đến Bình Dương Ảnh: Đ.TUÂN
Người Nùng khoác “áo mới”
Sau những ngày vất vả mưu sinh, những căn nhà tranh vách đất đã được thay mới bằng nhà kiên cố, khang trang. Đưa mắt nhìn ngôi nhà khang trang của người Nùng, chúng tôi hình dung ra cuộc sống của những hộ gia đình người Nùng giờ đã có của ăn của để, phương tiện đi lại và đầy đủ tiện nghi. Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương từ cây con giống, đường sá đến mạng lưới điện quốc gia, cuộc sống người Nùng đã “thay da đổi thịt”. Có điện, người dân mua nhiều vật dụng có giá trị, các con được tới trường, tới lớp đủ đầy. Kể cho chúng tôi nghe trong niềm tự hào, ông Hà Văn Thàn, khoe: “Không bù cho trước đây, đường sá đi lại khó khăn lắm, chúng tôi muốn ra huyện phải đi cả buổi, leo qua những đoạn đường lầy lội, dắt xe qua những con dốc heo hút. Muốn có tí ánh sáng chỉ có dùng bằng bình ắc quy nên không ai nghĩ đến việc xem ti vi, hay mua đồ dùng bằng điện. Ra huyện thấy người ta mở ti vi, chúng tôi chỉ đứng nhìn tí rồi đi, chứ lấy điện đâu mà mơ đến cái màn hình nhấp nháy đó. Giờ đây, đường được làm rộng, thoáng, chúng tôi muốn đi ra huyện, tỉnh loáng một tí là tới nơi. Nhà nhà có tiền, có điện nên nhiều người mua được máy móc hiện đại lắm. Có máy hát, được xem ti vi, chúng tôi biết được cuộc sống xung quanh còn nhiều điều hay, mình nên học hỏi để làm kinh tế, dạy con nên người”.
Chia tay với nhóm bạn thân Thiên, Thàn lâu lâu gặp nhau nhâm nhi chén trà, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Kính (Tân Hiệp). Ngôi nhà bà nằm trong “xóm nhà giàu”, theo cách gọi của người dân nơi đây. Xóm nhà giàu chủ yếu là người Nùng. Họ làm ăn kinh tế khá giả nên ai cũng có nhà cao, xe đẹp. “Nhà mình ở tận Cao Bằng, vùng đất xa xôi hẻo lánh. Nghe anh chị em đi trước chỉ dẫn, đến Bình Dương sống tốt, thế là kéo nhau đi lập nghiệp. Đây cũng là quê hương thứ hai của gia đình. Vất vả qua rồi, bây giờ chỉ lo cho các cháu học hành thôi. Con cháu mình đứa nào cũng học cao, đứa làm trong UBND xã, đứa đi làm công ty”.
Câu chuyện “nhà mình xưa” ấy tưởng như mới hôm qua, nhưng đã ngấm ngót 25 năm. Suốt một thời gian dài, những người Nùng nơi đây bền bỉ, tảo tần cùng với sự mải miết, vật lộn lo toan cho cuộc sống ngày nay đã “đơm hoa kết trái”. Bí thư Đảng ủy xã An Linh Nguyễn Văn Thành, vui vẻ khoe với chúng tôi: Xã An Linh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đông nhất là Tày, Nùng. Ngày trước, họ chủ yếu làm nông nghiệp dựa vào thời tiết. Mùa mưa làm, nắng nghỉ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân huyện hướng dẫn chuyển đổi cây trồng sang trồng cây điều. Giá điều ổn định, năng suất cao, người Nùng đã trồng theo và có cuộc sống khá sung túc. Điều mất giá, họ chuyển sang trồng cao su. Với thu nhập ổn định từ “vàng trắng”, số hộ đói không còn, hộ nghèo đếm chưa đầy trên đầu ngón tay.
Đến với những xã có người Nùng sinh sống, chúng tôi cảm nhận một “làn gió” mát thổi vào từng hộ dân, từng người dân. Họ vui sống trong sự đoàn kết, thân thương, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn, để ổn định cuộc sống. Từ đó thể hiện chính sách đúng đắn của tỉnh trong việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện để người dân tộc phát triển cả về kinh tế, văn hóa. Họ đã góp phần cùng người dân Bình Dương xây dựng quê hương thêm giàu mạnh.
Kỳ 2: Những gia đình người Nùng hiếu học
ĐỖ TUÂN