Người phát ngôn “3 không”!

Cập nhật: 24-06-2010 | 00:00:00

Mặc dù Sở Thông tin và Truyền thông đã có thông báo bằng văn bản đến các cơ quan báo về danh sách, số điện thoại, người phát ngôn (NPN) của một số cơ quan ban ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều cơ quan, việc phát ngôn với báo chí chưa thực sự được thực hiện nghiêm túc. NPN còn né tránh.

Không nghe

  Báo Bình Dương đến với các chiến sĩ biên phòng Đồn 797, Bình Phước – Để có thông tin kịp thời, người phát ngôn cần thực hiện đúng quy định phát ngôn với báo chí.Trong nhiều trường hợp hay vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, phóng viên thường gọi điện thoại đến cơ quan có trách nhiệm để xác minh thông tin. Thế nhưng, ở những thời điểm gần 11 giờ trưa, hoặc khoảng 16 giờ, điện thoại bàn ở văn phòng cơ quan đó đã không có người nghe máy. Hơn nữa, vào đầu giờ làm việc 7 giờ 30 và 13 giờ 30 cũng ít cơ quan có người nghe điện thoại. Họa chăng, có người nhấc mấy nhưng câu trả lời là: “Xếp chưa tới”. Đó là câu chuyện gọi điện thoại bàn. Còn chuyện gọi vào điện thoại di động của “xếp” thì còn nhiều chuyện đáng bàn hơn nữa. Có lần chúng tôi gọi vào số máy của một giám đốc sở vào lúc 13 giờ 25 phút để hẹn gặp vào đầu giờ làm việc. Sau câu chào xã giao của chúng tôi, vị giám đốc nói ngay: “Anh có biết bây giờ đang là giờ nghỉ trưa hay không?”. Nói xong vị giám đốc tắt máy ngay. Chúng tôi phỏng đoán: Thứ nhất là vị giám đốc này nghỉ trưa ngay tại cơ quan nên đến giờ đó, ngủ vẫn chưa dậy. Thứ hai là nhà của vị giám đốc này ở gần cơ quan, thời gian đi từ nhà đến cơ quan chắc chỉ mất khoảng vài phút là cùng!

Việc NPN, thủ trưởng cơ quan hay văn phòng cơ quan không nghe điện thoại ngoài giờ, nghĩ cho cùng cũng chỉ là chuyện bình thường. Nhiều lần chúng tôi gặp thủ trưởng cơ quan, nhưng khi nghe điện thoại mà nghe chúng tôi nói ở báo này, báo khác hay để hỏi vấn đề gì đó, cũng bị cúp máy, hoặc gọi lại không nghe. Chúng tôi cũng chẳng “muối mặt” để mà gọi lần thứ hai. Tệ hơn nữa, sau nhiều lần hẹn gặp, đăng ký giờ làm việc, vài ngày sau chúng tôi mới gặp được NPN của một cơ quan trong tỉnh. Tuy nhiên, lúc gặp rồi NPN, phát một câu tuột hứng: “Tôi không nghe cấp dưới báo cáo vụ này, nhà báo biết hay thế thì cung cấp cho chúng tôi đi”.

Không biết và không thấy

Ở nhiều cơ quan, mỗi khi xảy ra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của ngành mình, hay là một vụ việc tiêu cực của cơ quan mình bị phát hiện thì lúc đó NPN lập tức né trách. Câu trả lời thường gặp nhất là: Không biết. NPN không biết vụ việc, hay vấn đề xảy ra được giải thích với rất nhiều lý do: Mới đi học về nên không biết; mới nhận nhiệm vụ này nên không biết; công việc này là của bộ phận khác nên không biết... Có lần một phóng viên đã nổi nóng và nói thẳng: Nếu không biết thì làm NPN để làm gì?

Trường hợp NPN không thấy, hoặc chưa thấy báo cáo bằng văn bản hay chưa thấy cấp dưới báo cáo cũng thường gặp vì một lẽ. NPN không nắm được vấn đề, hay những gì đang diễn ra ở ngay tại cơ quan mình nên phụ thuộc vào sự báo cáo của cấp dưới. Hơn nữa, để né tránh vấn đề, hay năng lực và kinh nghiệm trả lời báo chí của NPN còn yếu kém nên đa số chọn câu trả lời: “Không nghe, không biết, không thấy” cho nhanh gọn, khỏi bị báo chí bắt lỗi.

Thiết nghĩ, ở nhiều địa phương hàng quý, 6 tháng và một năm thường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với báo chí, nghe phóng viên nói để đóng góp, xây dựng một cách chân thành và cởi mở. Ở nước ngoài, khi mỗi vụ việc xảy ra ví dụ như vụ sập nhà ở Dĩ An hay vụ cháy chết 7 người ở Thuận An, cơ quan có trách nhiệm thường cử ra một người để phát ngôn chính thức, thống nhất thông tin, để thông tin không bị sai lệch. Thông tin ở mỗi địa phương càng xuất hiện nhiều trên báo chí thì tính công khai, minh bạch càng cao. Nhìn người mà ngẫm tới mình, thật buồn lắm thay!

TÂM THƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên