Trong những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chủ trương hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai những dự án như làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ vốn cho đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ nước sạch sinh hoạt... đã giúp ĐBDTTS vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua các phong trào phát triển kinh tế gia đình đã xuất hiện tấm gương điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Mẹ con chị Hưng hạnh phúc trong căn nhà mớiChúng tôi đến thăm căn nhà của gia đình chị Nông Thị Hưng (dân tộc Tày) nằm sâu trong con đường đất đỏ thuộc ấp Lò Gạch, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng. Mặc dù chúng tôi đến nhà chị từ rất sớm, nhưng người con gái út của chị Hưng cho hay mẹ đã đi làm từ lâu. Trong câu chuyện với chúng tôi, em Hương - con gái út chị Hưng, kể: “Mẹ em lúc trước khỏe mạnh lắm, nhưng rồi trên má phải của mẹ không hiểu sao bị nổi hạch và phải xuống bệnh viện mổ, từ đó cơ thể mẹ ốm dần và sức khỏe cũng giảm sút. Thêm vào đó, căn bệnh đau bao tử cứ dai dẳng khiến mỗi lần đau là mẹ chẳng ăn uống được nhiều...”. Trong căn nhà nhỏ của ba chị em Hương dường như rất lâu rồi thiếu vắng bàn tay chăm sóc và che chở của người cha. Đôi vai nhỏ bé, đau yếu của chị Hưng vừa gánh cả vai trò làm cha lẫn mẹ, tảo tần nuôi các con ăn học. Tình thương đối với con cái của chị quá lớn đã hóa thành sức mạnh giúp chị vượt qua tất cả những vất vả trong cuộc mưu sinh, để rồi hun đúc ý chí quyết tâm thoát nghèo.
Chúng tôi nhớ có lần đã được nghe câu chuyện về sự vươn lên của người phụ nữ gầy yếu nuôi 3 đứa con tại hội nghị tuyên dương điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi ĐBDTTS tỉnh Bình Dương lần thứ X-2010 vừa qua, nhưng vẫn chưa thể hình dung được bằng cách nào người phụ nữ ấy vượt qua được những khó khăn chồng chất. Nhưng qua câu chuyện với chị Hưng, chúng tôi thật sự xúc động về ý chí vươn lên của chị để có thành quả như ngày hôm nay.
Chị kể, ngày trước hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn lắm, lại thêm phải một thân một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ trong khi không có vốn liếng, ít đất canh tác lại không có kinh nghiệm trong làm ăn nên hoàn cảnh gia đình càng trở nên khó khăn và bế tắc. Nguồn thu nhập ít ỏi từ việc đi làm thuê, làm mướn không đủ nuôi 3 đứa con nhỏ. Gia đình chị Hưng vì thế thuộc diện hộ nghèo từ năm 2003-2005. Năm 2006, với ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, chị Hưng học hỏi kinh nghiệm, cách làm ăn từ bà con lối xóm. Tìm tòi trên sách và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, cùng với sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, chị Hưng đã mua một con bò và vay ưu đãi thêm 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng cao su trên mảnh đất 0,5 ha của mình, cộng với xen canh các loại cây ngắn ngày khác. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị Hưng vừa canh tác vừa đi làm thuê để cải thiện kinh tế gia đình. Niềm vui nối tiếp niềm vui, vườn cao su của chị Hưng đã cho thu hoạch, bình quân mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn. Chị Hưng, nói: “Chăm lo cho ba đứa con ăn học trong hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi phải cố gắng nhiều hơn so với người khác thì mới mong thoát nghèo. Có được thành quả như ngày hôm nay tôi phải cám ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi”.
Thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi con ăn học thành người là mơ ước của tất cả mọi người. Mơ ước ấy có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự cố gắng của bản thân mỗi gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của các cấp chính quyền và cả cộng đồng. Tấm gương vượt khó của chị Nông Thị Hưng ở huyện Dầu Tiếng là một minh chứng.
TR.DŨNG - N.GIANG