Người phụ nữ lo chuyện bao đồng

Cập nhật: 28-09-2021 | 08:38:15

Bản thân là một người mẹ, thấu hiểu được những vất vả của những phụ nữ mang thai, mẹ bỉm sữa có con nhỏ, đặc biệt trong mùa dịch bệnh hiện nay nhiều sản phụ, mẹ bỉm sữa là công nhân lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế vì thế chị Lê Phương Nga, quản lý Công ty X-Dreams Media (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), quản trị viên Hội Mẹ và bé Bình Dương đã khởi xướng chương trình “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng” để giúp đỡ những sản phụ sắp đến ngày sinh nở.


Chị Lê Phương Nga

Cùng kết nối và sẻ chia

“Alo chị ơi! Em ở phường X., vợ chồng em cũng mất việc nhiều tháng nay, mà cuối tháng này con em chào đời rồi, em chưa chuẩn bị được gì cho con hết, chị có thể giúp em được không ạ?”, “Chị Nga ơi! hiện nay vợ chồng em không còn tiền để chuẩn bị đồ đi sinh bé, em lại ở vùng “khóa chặt, đông cứng” không thể ra ngoài được ạ, chị có cách nào giúp em không?”. Vừa trả lời hết cuộc điện thoại này lại qua cuộc gọi khác, chốc chốc lại phải trả lời nhiều tin nhắn qua mạng xã hội Facebook, cứ như thế gần một tháng nay, hàng ngày chị Phương Nga nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn “cầu cứu”, nhờ hỗ trợ từ “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng”.

Chị Nga bộc bạch: “Thật sự nhiều lúc mệt lắm khi công việc cứ chồng chất như núi vậy đó, nhưng lại thương lắm, không bỏ được. Thật ra mỗi ngày tôi nhận rất nhiều cuộc điện của các mẹ bầu mong nhận được sự giúp đỡ, thế nhưng với sức lực và nguồn lực có hạn nên mình phải đắn đo, chọn lọc rất kỹ lưỡng từng trường hợp để trao cho người thực sự cần thiết. Chính vì thế mình ưu tiên số 1 cho trường hợp đặc biệt khó khăn như mẹ bầu đơn thân, mẹ bầu xa quê ở trọ, mẹ bầu có hoàn cảnh khó khăn gần tới ngày sinh. Những trường hợp khác như ngày sinh còn xa thì mình xếp sau hoặc những trường hợp có thể xoay xở trang trải được nhưng vì ở vùng “khóa chặt, đông cứng” không thể ra ngoài được mình sẽ giới thiêu cách khác, như tìm cửa hàng gần đó có thể giao hàng hay tìm được người giao hàng giúp”.


Những phần quà sơ sinh đã được trao tận tay các mẹ bầu trước ngày sinh nở

Trong buổi chiều mưa lất phất, sau khi nhận được túi quà sơ sinh từ chương trình, chị Lê Thị Phiên, ngụ khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, vui mừng khôn xiết. Chị xúc động nói: “Vài hôm nữa là tới ngày sinh rồi mà thật tình vợ chồng em đã cạn kiệt tiền, chồng em làm thợ hồ đã mất việc 3 tháng nay, em buôn bán tự do nay cũng không buôn bán được gì. Trong suốt quá trình mang thai hầu như em chỉ đi khám thai được 4 lần vì cũng không có tiền. Gần tới ngày sinh em thực sự rất lo lắng, không ngủ được vì chưa chuẩn bị được gì cho con cả, rất may em được biết đến chương trình “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng” chứ không em cũng không biết phải làm thế nào”.

“Khách hàng” của “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng” là những sản phụ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, mà mỗi người là một câu chuyện buồn, như trường trường hợp của chị Nguyễn Thị Cẩm Yến, công nhân vệ sinh đường phố. Chị là mẹ đơn thân của 2 đứa trẻ song sinh vừa mới chào đời đầu tháng 9 tại khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận được tin báo của người quen về trường hợp này, chị Nga tức tốc mang túi hỗ trợ gửi đến bệnh viện để giúp đỡ chị Yến tạm thời vượt qua khó khăn…”.

“Người lo chuyện bao đồng”

Chị Nga tâm sự với chúng tôi: “Đợt dịch bệnh này mình thấy có nhiều mẹ bầu đi sinh không kịp mua đồ sơ sinh, đồ dùng cần thiết khi đi sinh vì nằm trong vùng phong tỏa, cách ly. Một số mẹ bầu thất nghiệp, chồng cũng thất nghiệp nên hoàn cảnh hết sức khó khăn, chính vì thế mình muốn xây dựng “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng”. Chương trình không có quỹ, chỉ hỗ trợ quần áo đi sinh, đồ dùng đã dùng rồi của các mẹ đóng góp; sữa, tã do nhà hảo tâm tài trợ. Tủ đồ hoạt động bằng hình thức kết nối những tấm lòng của nhà hảo tâm, những mẹ bỉm sữa muốn san sẻ, giúp đỡ cho các sản phụ có hoàn cảnh khó khăn”.

Nhiều người cũng khuyên tôi bỏ cuộc đi vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhà lại có 3 con nhỏ với biết bao nhiêu việc không tên nhưng nghĩ đến những mẹ bầu có hoàn cảnh khó khăn, có thai đến 8 tháng vẫn chưa có điều kiện đi khám thai lần nào; những mẹ bầu ăn uống không đủ chất nên gầy nhom; những mẹ bầu ngày đêm lo lắng vì chưa có đồ đi sinh; rồi tôi lại nghĩ đến 2 vợ chồng chị bạn thức mấy đêm soạn đồ, giặt, phơi, ủi, xịt nước hoa, xếp ngay ngắn rồi gửi tận nhà cho mình; rồi nhiều bà mẹ khác gửi tặng rất nhiều đồ mới, còn nguyên tem nhãn mới cứng; rồi các chị em Hội LHPN sẵn sàng đội mưa, đội nắng xin nhiều giấy tờ để qua các chốt để trao túi đồ cho các mẹ bầu kịp đi sinh… Đó là những tấm lòng rất đáng trân quý dành cho các mẹ bầu, bé sơ sinh. Dù chưa biết mặt, biết tên nhưng họ sẵn sàng trao đi niềm tin, tình cảm thương yêu như đối với người thân ruột thịt. Đó cũng là động lực giúp mình không được nản, không được bỏ cuộc, không được để suy nghĩ tiêu cực lấn chiếm”.

(Chị Lê Phương Nga)

Sở dĩ nhiều người nói chị Nga làm việc bao đồng bởi để xây dựng tủ đồ sơ sinh này là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh khi nhiều nơi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hay “khóa chặt, đông cứng” tại các “vùng đỏ”. Công việc không tên thì rất nhiều, ngày đêm không hết việc, có thể kể đến vài việc hàng ngày của chị Nga, như: Tiếp nhận tiền mặt, quần áo sơ sinh, sữa, tã của nhà hảo tâm gửi tặng… Nhiều trường hợp không thể gửi đến nhà được thế là chị Nga phải lên đường tới tận nhà để nhận đồ về. Sau đó chị dùng tiền mặt mua những vật dụng cần thiết chuẩn bị cho túi đi sinh của sản phụ. Chị Nga cho biết một phần quà của “Tủ đồ sơ sinh 0 đồng” gồm có 1 túi quần áo, mũ tất, tấm lót, tã, sữa, bình sữa, sữa tắm, tăm bông, gạc rơ lưỡi cho bé… Với tổng trị giá khoảng 1 triệu đồng. Tất cả những món đồ được tính toán đủ dùng trong khoảng 2 tuần đầu sau sinh.

Để minh bạch, rõ ràng trong việc thiện nguyện, mỗi ngày chị Nga đều cập nhật danh sách chi tiết rõ ràng thông tin, địa chỉ, số điện thoại, số quà, tiền của người cho và thông tin chi tiết của người nhận rồi đăng lên Facebook để mọi người cùng theo dõi. Nhưng khó khăn nhất còn chưa kể đến đó là việc trao những phần quà này đến tay người nhận, bởi chỉ là cá nhân đứng ra làm việc thiện nên chị Nga cũng gặp phải không ít khó khăn đó là không có nhân lực, không có giấy tờ thông hành. Vì thế, chị đã phải chạy khắp nơi để làm thủ tục thông chốt, xin giấy thông hành, 3 ngày xét nghiệm Covid-19 một lần, tìm đến nơi ở để trao quà tận tay cho các chị em.

“May mắn là “công việc bao đồng” của mình hiện nay luôn có gia đình ủng hộ, có 5 chị em bạn bè giúp đỡ. Bên cạnh mình còn được sự trợ giúp của Hội LHPN TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Đồng thời Tổng đài 1022 của UBND tỉnh cũng đã giúp đỡ đối với những trường hợp ở “vùng đỏ đậm”, vùng “đông cứng, khóa chặt” mẹ bầu có thể liên hệ với Tổng đài 1022. Sau khi xác minh với phường thì tổng đài sẽ gửi tin nhắn để các mẹ có giấy thông hành đến chốt liên huyện nhận đồ”, chị Nga nói.

Hy vọng với tấm lòng nhân hậu của chị Nga cùng những nhà hảo tâm sẽ mang đến thật nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc cho những mẹ bầu, giúp họ vơi bớt gánh nặng, những lo âu trong mùa dịch bệnh, sẵn sàng chào đón những thiên thần bé nhỏ.

 NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1396
Quay lên trên