Sau một thời gian thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế gia đình như nuôi heo, ếch, lươn, trồng nấm... anh Hồ Tấn Phước ở ấp Bình Thuận 2, Thuận Giao, Thuận An quyết định đầu tư vốn vào mô hình trồng hoa phong lan. Từ mô hình này, anh Phước đã mày mò sáng tạo ra ống lọc nước điều chỉnh độ pH phù hợp với cây lan hứa hẹn mang lại hiệu quả cao...
Cuối năm 2009, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Thuận Giao, anh Phước hoàn thành khóa đào tạo “Kỹ thuật trồng, chăm sóc sinh vật cảnh”. Với vốn kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, anh Phước quyết định dốc hết tài sản của mình đầu tư trồng 2 ngàn chậu hoa lan giống Denrô. Một năm sau, số tiền 30 triệu đồng mà anh đã đầu tư không thể thu hồi vốn, kế hoạch làm ăn bị thua lỗ. Không nản lòng, anh mày mò tìm nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết khắc phục. Sở dĩ cây lan phát triển không như ý là do nguồn nước tưới có độ pH thấp, để tăng độ pH trong nước là bài toán khó. Với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy từ số tiền cắt bông lan bán hàng ngày, anh Phước đầu tư thêm vài ngàn chậu lan khác, nâng tổng số lan hiện tại lên 5 ngàn chậu với số vốn đầu tư cả trước sau khoảng 50 triệu đồng.
Để khắc phục nhược điểm của nguồn nước tại địa phương có độ pH quá thấp so với yêu cầu chuẩn cho sự sinh trưởng, phát triển của hoa lan, anh Phước đã bỏ công sức đi tìm các nhà khoa học và tìm tòi qua tài liệu. Sau khi được hướng dẫn, hiểu được phải làm cách nào để nâng độ pH cho nguồn nước tưới, bằng một số vật dụng đơn giản như ống dẫn nước bằng nhựa, đá, cát, than gáo dừa... anh Phước đã sáng tạo ra bình lọc nước điều chỉnh độ pH phù hợp có công suất khoảng 3.000 - 4.000 m3/ngày. Nhờ có hệ thống này mà cây lan trong vườn nhà anh Phước phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho một mùa hoa bội thu.
Từ mô hình của anh Phước, hiện tại một số bà con nông dân của xã đã áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng cho mô hình trồng hoa lan. Anh Phước cũng đang dự tính sẽ nghiên cứu, chế tạo ra bồn lọc nước có công suất lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp.
KIM HÀ