Người “say” nghề chạm đồng truyền thống

Cập nhật: 19-02-2013 | 00:00:00

Từ tìm nghề…

Mới đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy nhịp búa và tiếng mũi đục chạm vào miếng đồng thô lúc khoan, lúc nhặt. Ngôi nhà anh đang ở cũng chính là Cơ sở chạm trổ tranh đồng Minh Nhàn, còn anh thì đang trong tư thế của một người thợ đang miệt mài chạm tranh. Gọi là cơ sở nhưng chỉ có một mình anh vừa là thợ, vừa là nghệ nhân và vừa là chủ cở sở. Căn nhà khang trang được bài trí khá nhiều những bức tranh bằng đồng sống động. Đây là những sản phẩm do chính bàn tay khéo léo của anh tạo ra.

“Tại Festival Gốm sứ Bình Dương 2010, Cơ sở chạm trổ tranh đồng Minh Nhàn được UBND tỉnh trao bằng khen là cơ sở xuất sắc đã đóng góp vào sự thành công chung của Festival Gốm sứ Bình Dương 2010. Trong đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012, bộ tranh đồng “Long - Lân - Quy - Phụng” của Cơ sở chạm trổ tranh đồng Minh Nhàn không chỉ được bình chọn là 12 tác phẩm tiêu biểu của tỉnh, mà còn lọt vào top 6 tác phẩm tiêu biểu của khu vực phía Nam.”

Nói về cơ duyên đến với nghề, anh Nhàn chia sẻ: “Năm 1989, tôi theo học nghề chạm bạc tại nhà một người thầy ở xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM). Lớp học ngày đó của tôi có 8 người theo học. Sau khi học xong, tôi về TP.HCM “đầu quân” cho một công ty vàng bạc có tiếng, nhưng công việc chạm bạc không giữ được chân tôi lâu. Cũng trong thời gian này tôi có dịp tìm hiểu về thị trường tranh đồng. Sau nhiều lần vào ra các tiệm trưng bày tranh đồng, tôi nhận thấy hầu hết các bức tranh đều chạm theo họa tiết của tranh Đồng Xâm. Tôi chợt nghĩ tại sao không chạm tranh đồng theo ý tưởng của riêng mình? Vốn có sẵn nghề chạm bạc, năm 2004 tôi quay về Bình Dương và mày mò thực hiện tranh đồng. Vì không có khiếu vẽ tranh nên tôi phải thuê mướn thợ vẽ tạo ra những mẫu tranh theo ý tưởng của mình, sau đó chạm thủ công bằng tay mà không qua khuôn dập. Sản phẩm đầu tay của tôi ngày đó là bộ tranh đồng “Mai - Lan - Cúc - Trúc”, được một tiệm tranh đồng ở TP.HCM mua ngay với giá rất cao”.

Nhìn những bức tranh tinh tế do anh làm ra, chúng tôi như thấy được cả những tâm huyết và sự đam mê với công việc của anh Nhàn. Chính niềm đam mê này đã giúp anh có thể vượt qua khó khăn, kiên nhẫn tạo ra những họa tiết tỉ mỉ, mang đến cái hồn cho sản phẩm. Đối với tranh đồng, để có một kiệt tác từ một miếng đồng thô, nghệ nhân phải chế tác qua nhiều công đoạn với sự kiên trì và đầy sáng tạo. Trước tiên, phải cắt tấm đồng theo kích thước bức tranh, kế đến là cố định tấm đồng bằng xi nhờ sức nóng của đèn khò, rồi tạo hình bức tranh ở cả hai mặt phải và trái của bức tranh sao cho hình ảnh bức tranh nổi lên, rõ nét. Đây là công đoạn khó nhất và đòi hỏi sự sáng tạo rất cao. Còn để làm tranh giả cổ, nghệ nhân phải xăm nền và dùng đèn khò để xử lý nhiệt hay đánh bóng nhằm tạo sự tối, sáng cho bức tranh. Sau khi bức tranh hoàn chỉnh mới được cho vào khung gỗ...

Đến giữ nghề…

Tìm được nghề đã khó, để giữ nghề còn khó hơn! Tranh đồng do anh Nhàn làm ra có lúc bán được, nhưng cũng có lúc ế ẩm, khiến anh muốn bỏ nghề! Và, cứ mỗi lần như thế anh lại đấu tranh, trăn trở. “Cuộc sống khó khăn, để có thể mưu sinh tôi từng bỏ nghề chạm đồng để đi làm công việc khác. Nhưng hễ nghe tiếng gõ của búa, tiếng leng keng của đồng là tôi lại thấy nhớ nghề, thấy luyến tiếc những ngày tháng được sống hết mình với cái nghề mà mình yêu thích. Những lần như thế tôi lại nghĩ mình đã tìm được nghề yêu thích thì sao lại bỏ? Nếu ai cũng bỏ nghề chỉ vì để kiếm sống như mình thì nghề chạm đồng truyền thống sẽ về đâu? Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định quay lại với nghề chạm đồng truyền thống này”, anh Nhàn cho biết.  

 Bộ tranh đồng “Long - Lân - Quy - Phụng” của nghệ nhân Nguyễn Minh Nhàn không chỉ được bình chọn là 12 tác phẩm tiêu biểu của tỉnh, mà còn lọt vào top 6 tác phẩm tiêu biểu của khu vực phía Nam năm 2012 

Theo anh Nhàn thì để có thể làm ra một bộ tranh đồng, như: Long - Lân - Quy - Phụng; Mã đáo thành công… bình quân người thợ phải mất gần nửa tháng mới thực hiện xong. Còn đối với những bộ sản phẩm có nhiều họa tiết tỉ mỉ, người thợ chạm tranh đồng phải mất gần 2 tháng. Do vậy, một người thợ chạm tranh đồng mỗi năm chỉ cho ra thị trường từ 7 - 10 bộ sản phẩm. Tùy bộ tranh nhỏ hay lớn, ít hay nhiều họa tiết mà có giá từ 7 - 30 triệu đồng/bộ. Do giá cả cao như vậy nên tranh đồng rất khó tiêu thụ. “Khách mua tranh đồng đều là những người có điều kiện kinh tế khá giả và am hiểu về tranh. Do vậy mà sản phẩm làm xong phải mang tận TP.HCM để chào hàng, còn tại Bình Dương thì rất ít người mua”, anh Nhàn cho biết.

Chính vì những khó khăn nói trên mà số thợ gắn bó với nghề chạm tranh đồng rất ít. Đối với người mới vào nghề, để có thể học được nghề này phải mất rất nhiều thời gian, đó là chưa kể phải có số vốn ban đầu để mua sắm dụng cụ, nên khó thu hút được người theo nghề. Tuy vậy, để giữ nghề chạm đồng truyền thống và tiến tới phát triển nghề này, năm 2010 anh Nhàn đã đăng ký thành lập cơ sở chạm đồng và tham gia vào Hiệp hội làng nghề. Chia sẻ thêm về những dự tính trong tương lai, anh Nhàn cho biết: “Đây là một nghề cần sự tỉ mỉ nên dự tính của tôi là sẽ liên hệ với các trung tâm, cơ sở nuôi dạy người khuyết tật để dạy nghề cho những người có khả năng theo nghề này. Có như vậy thì mới có thể truyền nghề và có thêm những người kế tục nghề chạm tranh đồng truyền thống”.

Nhờ “say” nghề chạm tranh đồng mà nghệ nhân Nguyễn Minh Nhàn đã tạo ra những tác phẩm “để đời” và đem về nhiều giải thưởng cho cơ sở chạm đồng do chính anh làm chủ. Tuy nhiên, nếu để anh Nhàn một mình “tự bơi” thì chẳng chóng thì chày nghề chạm đồng truyền thống có nguy cơ mai một. Do vậy, rất mong các ngành chức năng sớm có những giải pháp hỗ trợ để nghề chạm tranh đồng truyền thống không bị thất truyền.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=393
Quay lên trên