Tại không gian đờn ca tài tử (ĐCTT) của TP.Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Festival ĐCTT Quốc gia lần II diễn ra tại Bình Dương, chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên với một người đàn ông có dáng vẻ nhân hậu, gương mặt hiền từ, ngồi ca “ngọt lịm” điệu Nam xuân do chính anh soạn lời. Màn biểu diễn ấn tượng của anh đã dẫn chúng tôi vào thế giới của ĐCTT. Người đàn ông đó chính là NNƯT Lê Hoàng Tấn, Chủ nhiệm CLB ĐCTT của Trung tâm Văn hóa TP.HCM, một nghệ nhân có mấy chục năm gắn bó với nhạc tài tử Nam bộ.
NNƯT Lê Hoàng Tấn (thứ 2, phải sang) đang truyền dạy nhạc tài tử
Khi còn trẻ, NNƯT Lê Hoàng Tấn thường xuyên theo các bạn đồng trang lứa đi dự những buổi dạy ca tài tử của thầy Út Trong, nghe riết rồi đâm ra “ghiền”. Kể từ đó, anh quyết định gắn bó với nghệ thuật ca cầm, dù gia đình anh không ai theo nghiệp đờn ca. Được “trời phú” cho giọng hát có nét “hao hao” giống NSƯT Thanh Sang (rất mùi mẫn, sâu lắng) và tính ham học hỏi, anh nhanh chóng bắt kịp với những làn điệu của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Năm tháng trôi qua, anh dần khẳng định tài năng bằng nhiều giải thưởng quan trọng trong một số cuộc thi liên quan đến nhạc cổ truyền Nam bộ.
NNƯT Lê Hoàng Tấn là người có nhiều năng khiếu về cổ nhạc. Bởi từ ca cho đến đờn và thậm chí cả việc viết lời mới cho các điệu nhạc tài tử, anh đều thành công. Gần 40 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, dù vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, nhưng anh không bao giờ “tự mãn”, mà luôn có trách nhiệm và hết lòng với nghệ thuật dân tộc. Anh tâm sự: “ĐCTT là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và cả nhân loại. Vì vậy, tôi muốn đóng góp một phần công sức của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di sản ĐCTT. Tôi xem đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của một nghệ nhân yêu âm nhạc truyền thống của vùng đất phương Nam”.
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của NNƯT Lê Hoàng Tấn (ở Bình Chánh- TP.Hồ Chí Minh) trở thành điểm sinh hoạt, giao lưu ĐCTT được đông đảo giới nghệ nhân, những người yêu thích cổ nhạc Nam bộ từ khắp mọi nơi tìm đến. Đến đây, họ không chỉ được
đắm chìm trong lời ca, tiếng nhạc, mà còn có cơ hội giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về mặt chuyên môn và đặc biệt hơn là được học đờn, học ca miễn phí. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB ĐCTT của Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, NNƯT Lê Hoàng Tấn cùng một số nghệ nhân khác như: NSƯT Ba Tu, NSƯT Văn Môn, NNƯT Thanh Tuyết (TP.HCM); NNƯT Kim Thanh (Long An); NNƯT Cao Thị Thắng và NNƯT Thu Hồng (Bình Dương) đi truyền dạy nhạc tài tử nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đã nhiệt tình chỉ dẫn, dìu dắt lớp đàn em những kinh nghiệm quý báu mà bản thân anh tích lũy được trong quá trình làm nghề. Tính đến nay, NNƯT Lê Hoàng Tấn đã tổ chức truyền dạy cho mấy ngàn học viên, chủ biên và phát hành hơn 1.000 bộ giáo trình, kèm theo là bộ đĩa DVD hướng dẫn nhạc tài tử, giúp học viên có điều kiện học hỏi một cách căn cơ, bài bản những bản đờn, điệu ca của di sản “đặc thù” quê hương Nam bộ. Với những cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT, Lê Hoàng Tấn không chỉ là nghệ nhân của TP.Hồ Chí Minh mà anh được xem là nghệ nhân của vùng đất phương Nam.
Hiện nay, dù bận nhiều công việc nhưng NNƯT Lê Hoàng Tấn vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công tác đào tạo thế hệ trẻ, nhằm bổ sung lực lượng kế thừa cho nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Trong số mấy ngàn học trò do anh đào tạo, có rất nhiều người đã được đứng vào lớp nghệ nhân, tài tử đờn ca kế cận, được người ái mộ biết đến và đồng thời, làm “hạt nhân nòng cốt” cho phong trào ĐCTT ở địa phương. Hơn 40 năm đam mê và gắn bó với loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam cũng là ngần ấy thời gian, NNƯT Lê Hoàng Tấn “thắp lửa” để phong trào ĐCTT luôn âm ỉ cháy và truyền hơi ấm lòng đam mê cho thế hệ trẻ hôm nay.
PHẠM THÁI BÌNH