Hơn 70 tuổi đời, lưng đã còm, tóc đã bạc nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết Mai ở phường Phú Mỹ (TP.TDM) vẫn rất tích cực với phong trào đoàn thể ở địa phương. Hầu như bà không bỏ sót cuộc họp của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh của phường. Bà chia sẻ: Thời chiến tranh vẫy vùng khắp nơi, giờ già tích cực tham gia công tác địa phương để làm gương cho con cháu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai Chúng tôi đến thăm bà vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2013). Căn nhà nhỏ của bà vốn đã sạch sẽ nay càng được chăm chút hơn. Tiếp chúng tôi bà rất phấn khởi, bà kể từ chuyện ngày xưa tham gia kháng chiến, rồi đến chuyện thời bình.
Lớn lên ở cái nôi cách mạng-xã Vĩnh Tân (Tân Uyên) nên bà tham gia phong trào ở địa phương từ rất sớm. Thời đó bà làm nhiệm vụ liên lạc, đưa giấy tờ từ địa phương, căn cứ ở Chiến khu Đ về Sài Gòn và ngược lại. Năm 1960 bà bị địch phát hiện nhưng chúng không bắt được bà vì không có chứng cứ (tờ giấy - chứng cứ duy nhất khi ấy bà đã nhai nuốt không để chúng phát hiện). Đến năm 1962, bà chính thức thoát ly. Dù rất gan dạ, biết nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc nhưng nghe 2 tiếng “thoát ly” có lúc bà đã rơi nước mắt, vì bà còn 2 đứa con nhỏ, ba của 2 cháu đã đi kháng chiến, đang rất cần bàn tay người mẹ chăm sóc. Đành nuốt nước mắt vào lòng, bà gửi 2 đứa con thơ dại cho bà nội nuôi dưỡng.
Chiến trường ác liệt, bà cũng tham gia nhiều trận đánh vào sinh ra tử nhưng may mắn thoát chết. Những vết thương còn sót lại hằn sâu trên cơ thể đau nhức mỗi khi trái gió trở trời là minh chứng cho thời kỳ ác liệt đó. “Tôi được phân công nhiều nhiệm vụ, khi thì ra tiền phương sống chết với giặc, lúc lui về hậu cứ huấn luyện tân binh. Việc nhiều là thế, nhưng nhiệm vụ nào tôi cũng làm tốt, hoàn thành tốt”, bà Mai tự hào cho biết.
Giờ đây tuy tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Nhận xét về bà, các cán bộ đoàn thể địa phương đều nói: Nếu cuộc họp của đoàn thể mà vắng bà thì không khí kém vui. Bà bảo: “Tôi giờ không lo đói, chỉ có nỗi lo bệnh tật. Mỗi tháng lãnh đủ thứ tiền, nào là tiền vợ liệt sĩ, tiền thương binh, bệnh binh… Tôi tích cực tham gia công tác địa phương bởi ở nhà cũng buồn, hơn nữa mình cũng phải làm gương để con cháu noi theo”.
Tuy tỏ ra lạc quan nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn ẩn chứa sâu thẳm bên trong tâm trí của bà. Bởi tuổi xế chiều cuộc sống của bà khá buồn tẻ. Chồng hy sinh năm 1973 trong trận chiến ác liệt ở đường 9 - Nam Lào, 1 người con trai chết vì bệnh tật, người con còn lại đã ở riêng. Hiện bà sống với người cháu gọi bằng cô để lúc “tắt đèn” thì có người biết.
Chúng tôi ra về, tiếng cười, tiếng nói tan dần, chỉ còn lại bà với những kỷ niệm, hồi ức về một thời đã qua.
TIỂU LIÊN