Người thương binh vượt khó vươn lên

Thứ ba, ngày 27/04/2021

(BDO) Đứng lên bằng đôi chân không lành lặn

Người dân trong vùng vẫn quen gọi ông Dương Minh Trí với cái tên thân thuộc ông “Tám Trí”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 300m² rộng rãi, khang trang được vợ chồng ông tích cóp tu sửa nhiều năm nay, ông kể: Năm 1975, ông nhập ngũ tham gia huấn luyện 6 tháng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hết thời gian huấn luyện, ông về công tác tại đơn vị C1-D1-E4-F5, Đồn Biên phòng 27, Sa Mát, tỉnh Tây Ninh. Năm 1977, ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Trong lúc tham gia một trận đánh, ông bị thương ở chân và tay trái. Cũng trong năm đó, ông được xuất ngũ về lại quê hương, với tỷ lệ thương tật 41%. Năm 1980, ông lập gia đình và bắt đầu tìm hướng làm kinh tế gia đình, vượt khó vươn lên.

Dù đã 63 tuổi nhưng thương binh Dương Minh Trí vẫn hăng say lao động

Những năm đầu về quê, cuộc sống vất vả vì gia đình đông anh em, con nhỏ nhưng bằng quyết tâm của người lính được trui rèn trên chiến trường, ông đã vượt qua tất cả khó khăn của cuộc sống mưu sinh. Ông Trí chia sẻ: “Trong cuộc sống hay công việc, tôi luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy là phải biết cần kiệm. Cần kiệm để tích lũy, để có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình một cách căn cơ, bài bản”. Kể về những vất vả, khổ cực của những năm 80 - 90 về trước, ông Dương Minh Trí lại bồi hồi: “Hồi đó làm lụng khổ cực lắm nhưng lúc nào cũng không đủ ăn. Quanh năm trồng 3 vụ lúa, rồi có những ngày đi xới đất thuê cho người ta mà nghèo vẫn hoàn nghèo…”.

Bao nhiêu năm nay, người dân trong và ngoài tỉnh đã biết đến cù lao Bạch Đằng như một thiên đường của cây bưởi. Vùng đất được bồi đắp nhờ phù sa màu mỡ từ sông Đồng Nai, lại được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu thích hợp trồng các loại cây ăn trái có múi, trong đó cây bưởi đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Quả bưởi chín không chỉ mọng nước mà vị ngọt thanh, tạo được ấn tượng cho bất kỳ ai thưởng thức bưởi Bạch Đằng. Vì lẽ đó, từ mảnh vườn 6.500m² hoang hóa, ông Trí bắt tay vào cải tạo đất. Với suy nghĩ cần thay đổi cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thoát nghèo nên ông chọn trồng bưởi trên khu vườn của mình. “Độ 10 năm nay, gia đình tôi với bà con trong vùng mở rộng diện tích canh tác cho cây bưởi, kinh tế cũng khá lên từ đó. Những năm qua, để nâng cao chất lượng vườn bưởi truyền thống, gia đình tôi với người dân trồng bưởi trong xã được hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật... nên nhiều diện tích trồng bưởi phát triển tốt, năng suất cao nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng”, ông Trí nói. Không chỉ có bưởi, gia đình ông Trí còn trồng thêm cả cây tràm và nha đam để tăng thêm thu nhập.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vườn bưởi, ông Trí điểm lại những công việc mà ông vẫn làm hàng ngày. Một ngày của người thương binh Tám Trí bắt đầu từ 4 giờ sáng khi mặt trời chưa ló dạng. Ông khởi động ngày mới bằng ly cà phê đen đá ở một tiệm cà phê gần nhà. 6 giờ sáng ông có mặt ở vườn để làm những công việc hàng ngày như nhổ cỏ, tưới cây, bón phân… Cả ngày lăn lộn ngoài vườn từ sáng sớm đến chiều tối, ông Trí không rời cái cuốc, cái liềm, quần áo luôn lấm lem bùn đất. “Cũng có lúc tôi mệt rã người, đuối lắm, nhưng không thể ỷ lại con cái. Mình có làm thì mới làm gương cho tụi nó được. Còn sức khỏe là tôi còn làm”, ông Trí nói.

Còn sức khỏe là còn lao động

Bằng sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, từ hai bàn tay trắng, ông Dương Minh Trí hiện nay đã có cuộc sống đủ đầy. Có lẽ điều đáng quý ở ông Trí dù là thương binh, nhưng ông không trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước mà từng bước tự thân vươn lên phát triển kinh tế gia đình ngày một khá lên. Trên mảnh vườn xanh mướt một màu xanh của cây bưởi, tràm, nha đam, người thương binh Dương Minh Trí cùng vợ cần mẫn nhặt từng cọng cỏ, bón phân cho từng gốc bưởi. “Lao động chính trong gia đình là tôi và vợ. Chúng tôi không thuê nhân công vì muốn tiết kiệm chi phí, kiếm thêm đồng lãi. Nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, chúng lại có công việc, gia đình riêng. Cứ thế, 2 vợ chồng túc tắc làm đến lúc nào không còn sức nữa thì tính. Còn sức khỏe, chúng tôi còn lao động...”, ông Trí chia sẻ.

Kể về cơ duyên mang cây nha đam về vườn, ông Trí cho biết cách đây 5 năm, trong một lần xuống Tân Triều (Đồng Nai) mua máy móc làm vườn, ông được người ta cho 3 cây nha đam về trồng thử. Từ 3 cây nha đam đó, vợ chồng ông đã nhân giống lên đến hàng ngàn cây. Hàng ngày, tiểu thương ở chợ và khách vãng lai trong vùng thường xuyên ghé nhà mua nha đam về nấu nước để uống và bán. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng lợi nhuận từ việc trồng và bán nha đam cũng đủ “tiền chợ” cho gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Khép lại buổi tham quan vườn bưởi của gia đình ông Tám Trí, cũng là lúc đồng hồ điểm 12 giờ. Rời nhà ông Trí, chúng tôi đi về trên con đường nhỏ xinh, uốn lượn của làng quê Bạch Đằng. Hương bưởi 2 bên con đường thơm nhẹ, êm ái, vấn vương như muốn níu chân người đến. Hít thở bầu không khí thoảng nhẹ hương bưởi, chúng tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực vươn lên của người thương binh đam mê lao động Tám Trí đã góp phần làm cho hương bưởi Bạch Đằng vươn xa.

 TRONG CUỘC SỐNG HAY CÔNG VIỆC, TÔI LUÔN TÂM NIỆM VÀ LÀM THEO LỜI BÁC DẠY LÀ PHẢI BIẾT CẦN KIỆM. CẦN KIỆM ĐỂ TÍCH LŨY, ĐỂ CÓ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ VÀO SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH MỘT CÁCH CĂN CƠ, BÀI BẢN...”.
(THƯƠNG BINH DƯƠNG MINH TRÍ)

HUỲNH THỦY

Từ khóa: