(BDO) Nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Y tế cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát dữ dội, Bình Dương trở thành tâm dịch các tỉnh miền Đông Nam bộ, với trọng trách là người đứng đầu ngành y tế tỉnh nhà, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương luôn có mặt ở những điểm nóng, nguy hiểm nhất để theo sát tình hình, diễn tiến của dịch bệnh. Từ đó, ông đưa ra quyết sách tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và chỉ đạo dứt khoát, kịp thời toàn ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với địa bàn của từng địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế
Nhớ lại những ngày tháng lăn xả trong tâm dịch, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương chia sẻ, trong giai đoạn đầu đợt dịch thứ 4, dịch bệnh diễn biến phức tạp với số lượng F0 tăng nhanh theo cấp số nhân trong khoảng thời gian rất ngắn. Trong khi đó, lực lượng y tế trong tỉnh có hạn, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn và kinh nghiệm chống dịch không nhiều, lực lượng chi viện chưa có. Đây chính là thời điểm và giai đoạn khó khăn nhất trong công tác chống dịch tại tỉnh. Thời điểm ấy, Bình Dương đã có những biện pháp quyết liệt huy động toàn thể lực lượng trong tỉnh cùng vào cuộc và lực lượng chi viện từ khắp mọi miền đất nước.
“Bản thân đã nhiều năm làm công tác lãnh đạo, quản lý, nhưng chưa bao giờ tôi thấy được cả một tập thể hăng hái và tự nguyện xung phong tham gia vào tuyến đấu chống dịch như vậy. Tôi nghĩ, trong cuộc chiến chống dịch này, chính sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tinh thần đồng lòng, quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, từng người dân trên địa bàn là yếu tố quan trọng tạo nên thành trì chống dịch như vừa qua”.
Với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, kỷ niệm lớn nhất trong đợt dịch thứ 4 là thời gian tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, 16+ “khóa chặt, đông cứng” 15 phường thuộc vùng “đỏ đậm đặc” của TP.Thuận An, TX.Tân Uyên. Khi ấy tình hình dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong tăng lên rất nhiều. Tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến với 33 cơ sở điều trị, 173 khu cách ly tập trung. Thời gian cao điểm, ngành y tế huy động 95.000 giường bệnh, điều trị tối đa cho gần 80.000 bệnh nhân Covid-19. Sau đó, toàn ngành ra quyết tâm hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin cho người dân theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Thời điểm cao nhất toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 150.000 liều vắc xin/ngày. Kết quả này là sự nỗ lực, làm việc hơn 200% sức lực của tất cả các cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh.
Những ngày theo chân các cán bộ y, bác sĩ tham gia chống dịch, tôi bắt gặp Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cùng các cán bộ y tế ăn bánh mì nguội thay cơm, hơn tháng trời không được về nhà, lấy hội trường làm phòng làm việc, lấy ghế bố làm giường nghỉ lưng. Có những đêm ông ngủ gục ở hội trường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giật mình bật dậy khi nhiệm vụ trong tâm dịch còn nhiều ngổn ngang... Những hình ảnh ấy khiến tôi càng khâm phục về lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc vì sức khỏe nhân dân.
KIM HÀ