Người trẻ tìm về với nghề nông…

Cập nhật: 16-01-2023 | 05:45:43

Là người điều hành Unifarm, một trong những doanh nghiệp đi đầu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương, tôi có nhiều lần được mời tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cuối cấp. Một số câu hỏi thú vị tôi thường nghe từ các em, là: Một, những người trẻ trung và hiện đại, liệu các em có phù hợp để làm nông nghiệp vốn đòi hỏi phải “chịu thương chịu khó” hay không? Hai, trên thế giới, có nhiều người trẻ sẵn sàng dấn thân và thành công với nông nghiệp không? Ba, nếu chọn ngành nông nghiệp để học và gắn bó, các em có cơ hội để khởi nghiệp và làm chủ không?


Unifarm liên kết với trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương đào tạo nhân lực về nông nghiệp công nghệ cao

Các câu chuyện tôi dẫn lại dưới đây như lời giải đáp cho những câu hỏi của các em, đồng thời, cũng để nhắc nhở chính mình và doanh nghiệp của mình phải quan tâm đến những người trẻ trong quá trình phát triển nông nghiệp.

Câu chuyện thứ nhất: Tôi có một người bạn thân là anh Boaz Vegh, người Isarel, một kỹ sư điện tử chuyên nghiệp có nhiều năm làm việc tại các công ty điện tử lớn hàng đầu thế giới. Hơn 15 năm trước, trong khi đang phụ trách một phân xưởng về điện tử tại hãng Motorola của Mỹ, Boaz quyết định xin thôi việc để trở về phụ giúp trang trại của gia đình tại Israel. Được truyền nghề từ cha vợ là ông Aviel Sade (nguyên Giám đốc kỹ thuật của Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái), Boaz đã từng bước phát triển trang trại của gia đình thành Công ty Sade & Vegh với hơn 30 ha nhà kính chuyên trồng ớt chuông và cà chua theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic) xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Boaz cho biết anh từng theo học ngành điện tử vì cho rằng đây là một công việc lý tưởng cho “người trẻ tuổi”, nhưng cuối cùng lại chọn nông nghiệp vì “nông nghiệp” lại là một nghề lý tưởng cho “người trẻ tuổi có hoài bão hơn”. Boaz chọn nông nghiệp vì muốn được cảm giác trở lại là “người trẻ có hoài bão”, để được dấn thân, học hỏi, sẵn sàng đón nhận thất bại và vươn đến thành công.

Câu chuyện thứ hai: Sau một giờ lái xe từ trung tâm thành phố Auckland - New Zealand, tôi đến thăm trang trại rau sạch 30 ha của ông Wong (một người New Zealand gốc Hoa), cung ứng cho các hệ thống bán lẻ lớn ở New Zealand. Ông Wong, hơn 60 tuổi, đón tiếp tôi với phong cách hiếu khách, niềm nở và thân thiện (như bao người nông dân khác trên thế giới). Ông Wong đưa tôi đi thăm những cánh đồng rau xanh tốt được lên lịch gieo trồng một cách khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin và cơ giới hóa toàn bộ từ khâu chuẩn bị đất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Cả trang trại 30 ha chỉ có khoảng 5 công nhân.

Tuy nhiên, niềm tự hào về việc sở hữu một trang trại hiện đại với thu nhập tốt dường như trở nên nhỏ bé khi ông Wong “khoe” với tôi về việc anh con trai, vốn là một người tốt nghiệp sau đại học ngành quản trị kinh doanh và đang làm việc ở Úc, vừa quyết định quay về để cùng ông quản lý và phát triển trang trại. Ông cho biết: “Tôi già rồi, phát triển trang trại là việc nên dành cho người trẻ”.

Câu chuyện thứ ba: Trong một chuyến công tác tại Thái Lan, tôi có đến thăm một hợp tác xã trồng rau hữu cơ mang tên “Suan Lung Krao” tại tỉnh Nonthaburi. Tiếp đoàn tham quan là Juynam - một cô gái còn rất trẻ, con của ông chủ nhiệm hợp tác xã. Bằng vốn tiếng Anh lưu loát, Juynam giới thiệu cho tôi về những thăng trầm của hợp tác xã trồng rau, về những thất bại của gia đình, của cha cô và của chính cô trong những năm đầu làm nông nghiệp.

Sau những năm tháng miệt mài “thử và sai”, trả giá nhưng không từ bỏ, hợp tác xã của gia đình cô đã có được những bước đi vững vàng và ổn định với hơn 30 ha rau được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện tại, cô vừa là người lập kế hoạch trồng trọt, vừa điều hành sản xuất, đồng thời vừa phát triển mạng lưới kinh doanh và quản lý các tổ viên khác của hợp tác xã. Juynam cười thật tươi và tự tin khi tự nhận mình là “người nông dân Thái thế hệ mới” của một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp kiểu xưa.


Công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ luôn được chú trọng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái

Ba nhân vật trong các câu chuyện trên đến với nông nghiệp từ những xuất phát điểm khác nhau. Có người xuất thân từ gia đình nông dân và gắn bó với nghề nông từ nhỏ như cô Juynam, có người là con nhà nông nhưng đã từng học và làm ở ngành khác như con trai ông Wong, lại có người là dân “ngoại đạo” với nông nghiệp hoàn toàn như anh Boaz.

Tuy nhiên, họ lại có cùng một điểm chung là sự say mê và thái độ tôn trọng tuyệt đối với ngành nông nghiệp. Bằng niềm tự hào của những “nông dân thế hệ mới” hay “nông dân toàn cầu”, họ đến với nghề nông bằng vốn kiến thức nền về nông nghiệp, quản trị kinh doanh, quản trị trang trại cùng những kỹ năng mềm về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và trên hết là khát vọng tuổi trẻ muốn tiếp nối giá trị truyền thống. Họ chấp nhận học lại từ đầu, chấp nhận thất bại để từng bước vươn tới thành công.

Tôi nhớ lời nhắn nhủ của ông Wong trước lúc chia tay: “Với các bạn trẻ đang muốn dấn thân vào nông nghiệp, nếu chỉ đặt mục tiêu trở thành một người giỏi kỹ thuật về nông nghiệp thì chưa đủ. Họ cần phải học và nỗ lực không ngừng để phấn đấu trở thành những nhà quản trị nông nghiệp hàng đầu thế giới, để có thể tham gia vào cuộc chơi nông nghiệp với quy mô toàn cầu’’. Những tấm gương tôi kể trên đã và đang chứng minh họ xứng đáng đạt được mục tiêu to lớn này.

Quay lại với Unifarm cùng những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế gia nhập vào Unifarm. Trong số này đã có nhiều bạn trở thành những chuyên gia, nhà quản lý và kỹ sư giỏi của công ty. Lại có những bạn sau khi tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm qua thời gian làm việc tại Unifarm đã quay về và khởi nghiệp bằng những dự án nông nghiệp công nghệ cao ngay trên quê hương của mình. Tất cả các bạn đều là những người trẻ đang dấn thân và đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam và cũng là cho sự nghiệp của chính các bạn.

Những năm qua, Việt Nam luôn đề cao vai trò quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Nhìn rộng ra thế giới, trở về với nông nghiệp đang là một xu thế “thời thượng” của rất nhiều tri thức trẻ. Trước xu thế này, tôi tin rằng ngày sẽ càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia vào ngành nông nghiệp công nghệ cao như một lựa chọn vừa thử thách, vừa lôi cuốn và cũng đáng tự hào. Một khi có nhiều người trẻ tuổi có năng lực gắn bó với nông nghiệp, bằng kinh nghiệm của một quốc gia nông nghiệp lâu đời cộng hưởng với kiến thức và công nghệ mới từ hội nhập quốc tế, tương lai về một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, trù phú, giàu sức cạnh tranh và nằm trong top dẫn đầu các quốc gia về nông nghiệp tại châu Á sẽ không còn xa

PHẠM QUỐC LIÊM (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Unifarm)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên