Người trong cuộc đừng giấu!

Cập nhật: 21-03-2011 | 00:00:00

Cộng đồng xã hội không ai không lên tiếng phản đối về nạn bạo lực gia đình (BLGĐ). Khi những người thân đang tâm làm tổn thương nhau từ bạo lực tinh thần đến bạo lực thể xác quả là quá đau lòng. Từ cấp tỉnh đến xã, phường đều có cán bộ được phân công để “lắng nghe và thấu hiểu” những nạn nhân của BLGĐ. Tuy nhiên, một khi người trong cuộc giấu giếm chuyện của mình thì việc phòng, chống BLGĐ coi như... thua!

Nạn nhân của bạo lực gia đình hãy lên tiếng

1.Bà Hạnh (các nhân vật trong bài này xin được đổi tên) - một người mẹ đau khổ kể với tôi về trường hợp của con gái bà. Đau khổ bởi bà không thể làm gì để bảo vệ con. Bảo con đi tìm chính quyền, đoàn thể can thiệp thì con bà nhất định không chịu. Theo lời chị Huệ con gái bà thì “số kiếp con vậy, con chịu thôi mẹ à!”.

Theo bà Hạnh, Huệ lấy chồng 6 năm nay và có 2 con. Quê ngoài Trung, Huệ theo chồng vào Nam làm ăn sinh sống. Bà Hạnh sau này cũng đem theo đứa con út, em gái của Huệ vào sống với vợ chồng Huệ. Một thời gian, thấy hai vợ chồng con gái lục đục hoài nên bà nghĩ chắc do mẹ con bà... làm phiền, bà và con gái út thuê phòng trọ ra ngoài ở riêng.

Con gái bà hiền lành, chỉ biết đi làm và nuôi con nhưng gần đây, đứa nhỏ đau yếu luôn nên Huệ làm bữa đực bữa cái. Công ty đuổi việc, Huệ đi làm... thợ đụng theo kiểu ai thuê gì làm nấy; bưng bê ở quán ăn, làm ô-sin theo giờ... Bà Hạnh cũng tuổi cao sức yếu nên chỉ sống nhờ vào đồng lương của con gái út. Thấy cuộc sống của Huệ khó khăn nhưng hai mẹ con bà không giúp gì được ngoài việc thỉnh thoảng trông cháu để Huệ đi làm.

Chồng của Huệ gần đây chê... khổ quá nên bỏ nhà đi. Thỉnh thoảng, anh ta về phòng trọ thăm con. Huệ thăm dò và biết anh ta sống như vợ chồng với một cô gái độc thân khác. Nghĩ mình không níu kéo được chồng thì nên chia tay để lo làm ăn nuôi con nhưng chồng Huệ không chịu. Anh ta bảo còn thương con, không bỏ được.

Huệ cũng thử cố gắng níu kéo để mong con có cha nhưng anh ta chứng nào tật nấy. Đã thế, mới đây anh ta trở chứng ghen ngược với Huệ khi nghe phong thanh chuyện Huệ có một người đàn ông đang... theo đuổi! Mặc cho Huệ nói không có gì cả, cô không còn lòng dạ nào và cũng chẳng có thời gian hẹn hò với ai nhưng anh ta vẫn đánh đập vợ tàn nhẫn. Mẹ và em gái của chị chạy sang can ngăn khi Huệ bị đánh thì bị anh chồng hất ra, đóng cửa đuổi về với lý do, chuyện nhà con để con giải quyết. Cứ thế, lâu lâu anh ta lại ghé về kiếm cớ đánh và khi Huệ đòi ly hôn, anh ta tuyên bố thẳng: “Đừng hòng nhé, mày muốn tự do để bay nhảy với thằng bồ mày à? Tao nhất định không ly hôn”. Bà Hạnh nhiều lần khuyên con nên dứt khoát với chồng, nên tố cáo chuyện bị chồng đánh đập nhưng Huệ vẫn giấu nhẹm bởi sợ mang tiếng, bởi “con thương ba mẹ chồng con ngoài quê, thưa ra tòa, ảnh có chuyện gì, ba mẹ ảnh khổ sở biết mấy?...”.

Trước đứa con sống cam chịu và “thương người hơn thương mình” như thế, bà Hạnh đành nghẹn ngào chứng kiến sự đau khổ dai dẵng của con. Điều bà mong là “thằng rể dữ dằn của tui bỏ hẳn vợ con nó đi cho con gái tui đỡ cực”.

2. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống BLGĐ cấp tỉnh mới đây, một thành viên trong ban đã hỏi tôi rằng: “Sao không thấy nói tới chuyện đàn ông bị bạo hành? Thực tế có đó nghe. Nhiều ông bị vợ... đè đầu cưỡi cổ, xử sự hỗn hào, coi thường chồng. Nhà báo đi nhiều chắc cũng biết phải không?...”. Vâng, có. Tuy nhiên, nếu nạn nhân của nạn BLGĐ là nữ đã giấu chuyện mình bị hành hạ thì mấy nạn nhân nam còn... giấu kín bưng hơn nữa. Bởi, nói ra xấu hổ lắm, mất mặt đàn ông.

Ông Hưng là một ví dụ. Chưa bao giờ ông dám “thổ lộ cùng ai” chuyện mình bị vợ coi thường. Chỉ những người thân quen, hàng xóm của ông mới chứng kiến cảnh vợ ông cầm quyền và điều hành hết mọi chuyện. Nhất nhất ông phải nghe theo vợ nếu không thì phải “cuốn gói đồ đạc của ông mà... đi chỗ khác chơi, đồ... ăn hại!” theo kiểu nói cay độc của vợ ông.

Ông Hưng trước làm công nhân xây dựng. Sau một lần bị tai nạn lao động, ông không biết làm gì. Xin đi làm bảo vệ, người ta cũng chê. Buồn chán, ông theo bạn bè uống rượu hoặc đi chơi nay đây mai đó ở nhà bà con, bạn bè. Vợ ông từ khi chồng không làm gì ra tiền lại còn đổ đốn uống rượu nên không coi ông ra gì. Sự hiện diện của ông trong nhà như một cái bóng.

Bà vợ buôn bán ở chợ nhưng thích thì kêu ông phụ, không thì thôi vì theo bà ông là “người gì đâu khù khờ, chậm chạp thấy... ngứa mắt”! Không có việc ở chợ, ông về nhà nằm khểnh bà lại cho rằng suốt ngày ăn rồi chơi không. Nói chuyện với chồng nhưng bà nạt nộ y như với... con! Vậy mà hàng xóm ít khi nghe ông Hưng cãi lại một câu. Ông lặng lẽ sống như thế với những việc lặt vặt như nấu cơm, quét nhà, quét sân... Lâu lâu ngột ngạt quá, ông lại về quê mấy ngày rồi lại trở lên với vợ. Không nói ra nhưng ai cũng đọc được sự buồn bã trên gương mặt ông.

Những nạn nhân của BLGĐ vẫn phải sống trong lo âu, buồn tủi. Như chị Huệ vẫn nơm nớp sợ một ngày “trái gió trở trời” người chồng “không chịu ly hôn” của mình lại quay về kiếm cớ nện cho một trận. Như ông Hưng không cởi bỏ được tâm trạng u uất khi bị vợ coi thường. Không ai giúp được nếu họ cứ im lặng, giấu nhẹm mọi chuyện.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên