Người Trung Quốc cũng phản đối “đường 9 đoạn”

Cập nhật: 19-06-2014 | 00:00:00

Hành động sai trái của Trung Quốc tại biển Đông không chỉ làm cho người dân Việt Nam phẫn nộ, mà còn khiến cả chính những người dân Trung Quốc cũng phải bất bình. Tiếng nói phản đối luận điểm của chính quyền Trung Quốc về “đường 9 đoạn” và yêu sách chủ quyền tại biển Đông đã dấy lên từ nhiều năm trước và gần đây tiếp tục lan rộng trong dư luận Trung Quốc.

Trong bài trước, báo Bình Dương đã giới thiệu quan điểm của học giả - chuyên gia nghiên cứu biển Đông Lý Lệnh Hoa, gây chú ý dư luận Trung Quốc do đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Trong khuôn khổ kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết của một tác giả với bút danh Lý Tiểu Tinh và quan điểm của một số học giả Trung Quốc phê phán “đường 9 đoạn” và yêu sách vô lý về chủ quyền biển Đông của chính quyền Trung Quốc.

Cố ý xuyên tạc thực tế lịch sử

Lý Tiểu Tinh là một tác giả trẻ đang làm việc trong một cơ quan truyền thông Trung Quốc. Bài viết được đăng trên mạng blog.sina.com và nhận được sự quan tâm của dư luận. Bài viết của Lý Tiểu Tinh đã bác bỏ quan điểm của Hồ Ba, một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) cho rằng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 không phủ nhận yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Lý Tiểu Tinh khẳng định, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra chủ trương “đường 9 đoạn”, cũng chưa từng có khái niệm “đường 9 đoạn” trong luật pháp Trung Quốc. Tác giả chỉ rõ, “đường 9 đoạn” được Chính phủ Quốc Dân Đảng đưa ra từ năm 1948 nhằm vạch rõ chỉ giới của biển Đông và những đảo, quần đảo nằm trong đó. Đây là quá trình diễn biến lịch sử hết sức rõ ràng nhưng ông Hồ Ba lại cố ý xuyên tạc thực tế lịch sử, dẫn dắt người đọc hiểu sai tính chất “đường 9 đoạn” với biên giới trên biển.  

Bản đồ “đường 9 đoạn” phi pháp Trung Quốc tự vẽ hoàn toàn không có giá trị pháp lý

Tác giả viết tiếp: “Chúng ta cứ nói rằng, ngay từ đời Tống, Nguyên đã xác định sơ bộ về biên giới trên biển; đến đời Minh, Thanh xác định rõ ràng phạm vi hoạt động trên biển Đông. Điều này hoàn toàn xuyên tạc lịch sử. Mọi người đều biết, Trung Quốc là quốc gia lục địa, từ thời xưa, ý thức về biển đã rất mơ hồ. Khái niệm lãnh hải phải đợi đến khi hỏa pháo ra đời mới có, đầu tiên chỉ xác định là 3 hải lý, bởi vì đây là cự ly bắn xa nhất của hỏa pháo khi đó. Vì thế làm gì có chuyện tiền nhân Trung Quốc có ý thức đưa vùng biển có diện tích hơn 2 triệu km2 làm vùng biên giới trên biển”.

Lý Tiểu Tinh đặt câu hỏi, tại sao trong Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc năm 1958 lại chỉ đưa vùng biển thuộc vịnh Bột Hải và vùng eo biển Hải Nam là thuộc Trung Quốc còn các vùng biển giữa các quần đảo trên biển Đông là biển quốc tế? Thêm nữa, trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ độc chiếm quyền đánh bắt cá trên biển Đông. Các triều đại Trung Quốc chưa có vị hoàng đế nào quy định chỉ có người Trung Quốc mới được quyền đánh bắt cá trên biển Đông, không cho phép ngư dân các nước ven biển khác được đánh bắt cá tại vùng biển này. Tổ tiên các đời ngư dân Trung Quốc đều hòa thuận, cùng chia sẻ nguồn tài nguyên biển với ngư dân các nước xung quanh, chưa khi nào nói rằng đây là địa bàn của tôi, các người là ngư dân nước khác không được đến.

Cuối cùng Lý Tiểu Tinh viết: “Cần phải giữ thái độ khách quan, các nước trong khu vực biển Đông lẽ nào lại không coi trọng lợi ích quốc gia của họ? Kinh tế biển của Việt Nam chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chả lẽ họ không coi trọng biển bằng Trung Quốc? Trong vấn đề này, nếu các nước chỉ coi trọng lợi ích riêng mình, không tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không quan tâm đến lợi ích của các nước xung quanh, không tìm hiểu cảm nhận và khả năng tiếp nhận của nước khác, vấn đề sẽ khó được tháo gỡ và ngày càng phức tạp hơn, thậm chí dẫn đến xung đột”.

Bài viết này của Lý Tiểu Tinh được đông đảo cư dân mạng Trung Quốc hoan nghênh và tán đồng. Giáo sư Lý Lệnh Hoa đánh giá bài viết rất hay, rất thực tế, lập luận rất khoa học.

“Đường 9 đoạn” là không có thật

Học giả Lý Lệnh Hoa cho biết rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường 9 đoạn” là bản đồ không có thật, bởi theo ông, “đường 9 đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý. Giáo sư Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh trong tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn thiếu chứng cứ. Dẫn chứng: Bắc Kinh luôn tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với bãi cạn Scarborough nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. “Năm 1947, Trung Quốc đưa bãi cạn Scarborough vào “đường 9 đoạn”, song không đưa ra được con số cụ thể về diện tích bãi cạn này. Trong khi đó, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Kiểu lập luận này của Trung Quốc là khập khiễng và áp đặt, không thấu tình đạt lý và Philippines lên tiếng về chủ quyền là chuyện đương nhiên”, giáo sư Lý Lệnh Hoa nói.

Cũng đề cập “đường 9 đoạn”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này. “Toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng nhấn mạnh.

Không phải đến bây giờ mà từ lâu nhiều học giả Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối luận điểm của chính quyền Trung Quốc về “đường 9 đoạn” và yêu sách chủ quyền tại biển Đông. Tại hội thảo Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com. cn) của Trung Quốc tổ chức vào tháng 6-2012, một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ cũng đã gióng lên những tiếng nói tỉnh táo, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật.

Giáo sư Thịnh Hồng thuộc Đại học Sơn Đông thừa nhận một thực tế là quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có lệch lạc. “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế”, giáo sư Thịnh Hồng nhấn mạnh.

Từ góc độ một triết lý nhân sinh rất phải đạo, giáo sư Hà Quang Hộ, Viện Triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhập đề trong bài phát biểu: “Là người phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác”. Đề cập vấn đề biển Đông, ông vạch rõ: “Nhìn vào bản đồ “đường 9 đoạn” do chúng ta vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng. Bởi nếu theo cái gọi là “đường 9 đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không tin các quốc gia trong khu vực sẽ chấp nhận bản đồ này. Nếu biển Đông bị vẽ thành một đường biển quốc nội như thế thì các nước có tuyến vận tải đi ngang biển Đông cũng không thể chấp nhận”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc lên tiếng nói cảnh tỉnh của mình đối với chính quyền và dư luận Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 6-2011, họ cũng đã nêu lên các ý kiến tương tự. Lần đó, giáo sư Lưu Giang Vĩnh thuộc Đại học Thanh Hoa đã nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ nguyên tắc “cùng hợp tác và phát triển”. Học giả Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nhà nghiên cứu Tiết Lực thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cảnh báo nếu sử dụng vũ lực trên biển Đông, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế và như vậy, Trung Quốc đang tự tay hủy hoại môi trường thuận lợi và những cơ hội chiến lược để phát triển đất nước.

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=643
Quay lên trên