Bà Tuyết Trinh, Trung tâm XTTM - Sở Công Thương, cho biết doanh số bán hàng của phiên chợ tại thị trấn Phước Vĩnh đạt hàng trăm triệu đồng. Tính chung các phiên chợ trong tỉnh từ đầu năm đến nay, doanh số đạt khoảng 3 tỷ đồng, thu hút khoảng 40.000 lượt khách tham quan. Kinh phí thực hiện là 1,5 tỷ đồng. Hiện trung tâm đã xây dựng kế hoạch tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trong năm 2013. Đông đảo người dân đến mua sắm tại phiên chợ quê thị trấn Phước Vĩnh
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”, trong những năm qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực kết nối các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối với người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là đối với NTD các vùng quê hẻo lánh. Chương trình được cả 3 bên là chính quyền, DN và NTD quan tâm...
Cơ hội buôn bán
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo vào trung tuần tháng 8 vừa qua, thật sự là một phiên chợ vui. Đây là phiên chợ do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Sở Công Thương và huyện Phú Giáo tổ chức với sự tham gia của 42 gian hàng. Trong đó, có 2 gian hàng của DN Bình Dương, còn lại là của các DN đến từ khắp mọi miền đất nước. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho biết chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã trải qua chặng đường gần 3 năm, với 87 phiên chợ, qua 24 tỉnh, thành. Riêng tại Bình Dương tổ chức được 3 phiên, ở các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, huyện Dầu Tiếng và nay là Phú Giáo.
Ngoài các phiên chợ do BSA phối hợp tổ chức, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) - Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 5 phiên chợ tại xã An Bình, huyện Phú Giáo; xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên; KCN VSIP I, TX.Thuận An, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo... Nhìn chung, chương trình đã làm chuyển biến mối quan tâm đối với hàng Việt của NTD ở nông thôn, hỗ trợ các nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Các phiên chợ mở ra cơ hội buôn bán, tiêu thụ sản phẩm cho các DN trong nước. Chị Bùi Thị Sương, Công ty Minh Sương (TX.Thuận An), cho biết: “Hàng của chúng tôi tận dụng vải dư của các công ty may, nên có giá rẻ, chất lượng cao. Chúng tôi tự thiết kế, may, bán hàng... nên giá thành sản phẩm khá rẻ. Mỗi bộ quần áo có giá từ 30.000 - 80.000 đồng/bộ. Tại phiên chợ này, doanh số của gian hàng chúng tôi mỗi ngày đạt vài chục triệu đồng”. Chị Lê Thị Thu, Công ty Mai Thu (TX.Dĩ An), với mặt hàng drap, gối, nệm, cho biết: “Để có những bộ sản phẩm đẹp, bền không thua hàng ngoại nhập, tôi đã tự thiết kế mẫu, chọn hoa văn, chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Để đến với phiên chợ quê này, tôi đã chuẩn bị hàng từ trước, đầy đủ chủng loại để phục vụ bà con...”.
Ngay tại đêm khai mạc phiên chợ, 21 DN tham gia bán hàng đã ủng hộ 30 phần quà tặng học sinh nghèo hiếu học và 30 phần quà cho các gia đình nghèo tại huyện Phú Giáo, trị giá từ 400.000 - 700.000 đồng/phần. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trung tâm XTTM - Sở Công Thương, cho biết: “Phiên chợ nào mở ra chúng tôi cũng vận động DN tặng quà cho người nghèo. Tổng cộng đã có 120 phần quà được trao cho thanh niên công nhân, nhân dân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ thanh niên, công nhân, người dân địa phương như văn nghệ, hội thi tiếng hát thanh niên công nhân, khám bệnh, phát thuốc, cắt tóc miễn phí, trò chơi dân gian, chiếu phim...”.
Thị trường tiềm năng
Các phiên chợ quê không chỉ mở ra cơ hội cho DN bán hàng, mà còn là ngày hội mua sắm của người dân địa phương. Ông Huỳnh Phi Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Vĩnh, cho biết: “Lần đầu tiên thị trấn Phước Vĩnh có một phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khiến người dân rất vui...”. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo thì phấn khởi: “Phiên chợ không chỉ góp phần đưa hàng Việt về chiếm lĩnh thị trường nông thôn, mà còn giúp người dân có cơ hội được mua sắm, sử dụng hàng Việt chất lượng cao, giá rẻ...”.
Vui nhất có lẽ là các bà nội trợ. Chị Lê Thị Hoa, ngụ thị trấn Phước Vĩnh, cho biết: “Đây là dịp để tôi mua sắm cho gia đình, từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm đến quần áo, gối, nệm... chất lượng cao, mà giá cả lại rẻ”. Chị Hoa góp ý: “Nên tổ chức thêm nhiều phiên chợ như thế này vào các tháng 2 - 3 dương lịch hay mùa tết. Lúc đó, công nhân thì được nhận thưởng, các hộ cao su tiểu điền cũng rủng rỉnh tiền để mua sắm tết, DN sẽ bán được nhiều hàng hơn”.
Mục đích của các đơn vị tổ chức phiên chợ là giúp DN đưa hàng về chiếm lĩnh thị trường nông thôn, một thị trường tiềm năng mà một thời DN bỏ quên. Ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, không ngần ngại nhận xét: “Đã có một thời gian dài, các DN Việt Nam cứ lo tập trung xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước. Nay do khủng hoảng kinh tế, thị trường xuất khẩu bấp bênh, các DN xem việc trở về ao nhà như là một giải pháp vượt khó, nhưng khi tham gia rồi mới thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng. Do vậy, không ít DN đã bắt tay xây dựng kế hoạch “chiếm lĩnh” thị trường này”. Các phiên chợ quê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa như một ngày hội văn hóa, tinh thần đối với dân quê. Mọi người đến với phiên chợ không chỉ để mua sắm, mà còn để vui chơi, giải trí, thư giãn, được ngắm nhìn tận mắt những thần tượng mà hàng ngày họ chỉ được nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ...
Để cuộc vận động “Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” đạt kết quả như mong muốn, vẫn còn nhiều việc phải bàn, nhưng hiệu quả của các phiên chợ quê là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự “bén duyên” với NTD nông thôn, không thể chỉ dừng lại ở mức lâu lâu mới tổ chức một phiên chợ ở nơi này nơi khác, mà chính quyền và ngành chức năng cần tạo điều kiện để các DN mở rộng mạng lưới phân phối xuống tận các chợ truyền thống ở các vùng quê. Cùng với đó, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu đúng về hàng Việt, từ đó sử dụng hàng Việt, giúp DN ổn định sản xuất, người lao động có việc làm.
Bảo Anh