Từ hôm xảy ra động đất chị Nga vẫn đi làm đều đặn. Ở nơi chị sống điện nước vẫn được cung cấp đầy đủ. "Ngày 14/3 lương thực, thực phẩm ở siêu thị không có hàng để bán bởi người dân ồ ạt đi mua dự trữ. Nhưng hôm qua thì hàng hóa đã trở lại bình thường", chị Nga nói.
Cuộc sống ở Tokyo vẫn diễn ra bình thường, người Việt ở đây vẫn đi học, đi làm và mức độ phóng xạ chưa đến mức nguy hiểm.Anh Việt Hùng (Hà Nội), tu nghiệp sinh ở Tokyo cho biết, nơi anh ở cách tâm chấn gần 400 km nên dù bị dư chấn nhưng không quá mạnh. Tối 15/3 ở đây cũng vừa có một trận động đất cấp 6. Trong suốt thời gian Nhật Bản xảy ra thảm họa, anh chưa phải nghỉ học ngày nào.
Do cắt điện luân phiên nên hoạt động của tàu điện ngầm không cố định, có thể phải đổi giờ hay cắt tàu khiến những người đi làm phải chờ rất lâu. Nhưng ngày 16/3 tình hình đã được cải thiện, người dân đi làm không còn khó khăn như hai hôm trước. Có một số người nhà xa không đến được công ty do giao thông khó khăn.
"Hiện tại tôi và các bạn chỉ lo lắng về tình trạng nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, chính quyền Nhật thông báo mức độ vẫn chưa nguy hiểm, nổ nhà máy chỉ là ở bên ngoài chứ không phải trong lò phản ứng nên chúng tôi vẫn học tập bình thường", anh Hùng nói.
Đang được nghỉ xuân nhưng Vũ Duy Lộc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), sinh viên Khoa điều khiển và hệ thống của Tokyo Institute of Technology vẫn ở lại trường. Cậu cho biết, diễn biến của vụ nổ nhà máy điện hạt nhân rất đáng lo ngại, tuy nhiên hiện tại Tokyo vẫn chưa đến mức nguy hiểm. Theo chính phủ Nhật lượng phóng xạ ở Tokyo rất thấp, không thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ở nơi Lộc sống, siêu thị vẫn mở, không có chuyện thiếu đồ ăn thức uống. Công ty điện Tokyo có kế hoạch cắt điện luân phiên nhưng chỗ Lộc vẫn chưa hề bị mất điện, gas vẫn có. Tàu điện ở Tokyo vẫn chạy nhưng số lượng ít hơn thường ngày. Vì vậy mọi người ít ra đường khiến đường phố vắng vẻ hơn.
"Hôm qua em nói chuyện với một người bạn ở Saitama, phía Tây Bắc Tokyo, nơi đo được lượng phóng xạ cao gấp 40 lần bình thường, được biết cuộc sống ở đó chưa bị xáo trộn. Không có chuyện thiếu đồ ăn ở siêu thị, mọi người vẫn chưa phải di tản. Bạn của em sáng nay vẫn đi học", Lộc nói.Lộc kể, người bạn của cậu vừa thông báo thi đỗ vào một trường đại học ở Nhật. Tuy nhiên, trước thông tin về thảm họa ở Nhật, bố mẹ đã bắt bạn phải trở về nước khi ngày nhập học đang đến gần. "Tokyo vẫn an toàn, chưa đến mức nguy hiểm phải sơ tán. Nếu cô ấy về thì năm sau phải thi lại. Nếu đỗ còn đỡ, chứ trượt thì thật là thiệt thòi", Lộc chia sẻ.
Đang ở Nagoya, miền Trung nước Nhật, sinh viên Bùi Lê Quân cho biết, do khó khăn về giao thông và vận chuyển cung ứng cho vùng bị động đất nên một số mặt hàng trở nên khan hiếm. Gạo ít hơn, mỳ ăn liền gần như bị vét sạch, nhưng các mặt hàng phải qua chế biến như thịt tươi, rau xanh vẫn dồi dào.
"Chúng em cũng thường xuyên theo dõi tin tức trên tivi, đài, báo. Em nhận thấy những người biết tiếng Nhật bĩnh tĩnh hơn vì họ có thể cập nhật được các thông tin chính xác, nhanh nhất từ đài truyền hình Nhật. Nếu tình hình trở nên xấu hơn, có lẽ nhiều người Việt ở phía Bắc sẽ di tản về chỗ em hoặc xa hơn", Quân cho hay.
Cũng theo Quân, càng tiến về phía Nam Nhật Bản, nơi càng cách xa tâm chấn, những dư chấn cũng nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.
Trao đổi với VnExpress, hầu hết người Việt Nam sống ở Tokyo, miền Trung và Nam Nhật Bản cho rằng báo chí dồn dập đưa tin về những điểm nóng của thảm họa khiến nhiều người trong nước lại cho rằng toàn bộ đất nước và người dân sinh sống ở Nhật Bản bị ảnh hưởng."Thực ra điều đó chỉ đúng ở vùng tâm chấn động đất và nơi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, tức vùng đông bắc Nhật Bản", sinh viên Vũ Duy Lộc nói.
Việt Nam hiện có trên 30.000 người ở Nhật Bản. Chiều 16/3, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản trực tiếp báo cáo tình hình sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Để bảo vệ công dân Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu trước mắt Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các cơ quan hữu trách của Nhật khẩn trương tập trung sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề của động đất, sóng thần và vùng có nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố, tạo điều kiện cho công dân trở về nước nếu có yêu cầu.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi chặt chẽ tình hình và quyết định áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn thiết trong phạm vi thẩm quyền.
Theo VNE