Như những người già khỏe mạnh, thành đạt khác, ông Tùng tự tin với phong thái của mình. Dáng ông phong trần, da hồng hào với mái tóc bồng bềnh bạc quá nửa, đen lơ thơ. Ông đang ung dung dạo bước nơi con đường được cho là đẹp nhất bãi biển này.
Tất nhiên ông cũng sành điệu như những người già thành đạt khác. Tay lướt iPad ro ro, miệng tum tủm cười khi nhận còm- măng của ai đó hay trả lời ai đó. Thế giới ảo vui nhỉ! Nó làm cho mình quên tuổi tác khi tất cả mọi người có chung một danh xưng là “mình”. Ông cũng “mình” với tất cả bạn bè nam phụ lão ấu! Ông “treo” trên facebook của mình mấy câu như thế này: Chính trị: không màng, không bàn. Tôn giáo: không luôn. Tình yêu: mãi mãi tươi trẻ và… mới! Tức là ông chỉ muốn mọi người hiểu rằng, ông “độc tôn” tình yêu. Thứ còn lại duy nhất sau một đời người bon chen, chộn rộn và cũng là thứ làm cho ông thấy ấm áp biết bao khi nghĩ về…
Thế thôi mà có quá chừng người “nhảy vào” kết bạn! Hầu như mỗi ngày, ông lại có vài người bạn mới. Bắt đầu một ngày của ông là từ bốn giờ sáng. Ông ngủ ít. Khi vợ ông trở mình càm ràm rồi ngủ tiếp thì ông lướt web đọc tin tức. Không đọc sáng ra uống cà phê với bạn bè không biết nói gì về tình hình kinh tế, xã hội…
Có của ăn của để, con cái hai đứa cũng “thành đạt theo ba mẹ” nên ông cho mình quyền được… khôn, được sung sướng như loài chim di cư. Ông hay đùa, chim khôn hơn người! Chúng biết tìm nơi bình yên. Chúng biết trốn cái lạnh tê tái cắt da cắt thịt để bay đi tìm nơi ấm áp, ánh nắng ngập tràn. Mắc cái chứng gì mình không như chim! Thế nên mùa đông ông đi trốn rét. Mùa hè ông tìm xứ lạnh. “Bà có đi không? Không là tôi đi một mình đó nghe”, ông hay rủ rê bâng quơ như thế. Vài năm đầu, vợ ông Tùng tưởng chồng rủ mình thật, đi cùng. Nhưng sau bà thấy như lạc quẻ! Không có cảnh bà ngả đầu vào vai ông ngắm hoàng hôn. Không có cảnh ông dắt tay bà đi dạo dưới các tán lá rợp bóng của khu nghỉ dưỡng. Có lần vợ giận hờn: “Y như hai hội viên hội người cao tuổi ráp lại đi dưỡng bệnh! Tôi không thèm đi với ông nữa”… Ông không nói gì. Từ đó, ông Tùng có những chuyến đi một mình, hoàn toàn tự do. Ông thèm được một mình…
Và lần này ông đến đây một mình. Ông tìm đến thành phố biển phương Nam trốn lạnh và tìm một người, khi hay tin từ người bạn. Đó là buổi sáng thứ năm ông đến ngồi ở quán cà phê trước căn nhà kiểu biệt thự có hàng rào hoa ti-gôn khoe sắc mà vẫn e dè. E dè mà vẫn rực rỡ.
Ba hôm đầu trời mưa. Ông ngồi nhìn căn nhà đối diện cửa đóng im ỉm không có người vào ra. Sáng đến trưa, ông chỉ chú tâm đọc, viết cùng cái iPad. Thỉnh thoảng, vợ ông hỏi đang làm gì đó. Ông trả lời: ngồi chơi, thế thôi. Con trai, con gái của ông đôi khi hỏi ba đang ở đâu, làm gì. Mấy đứa cháu chát chít đòi quà. Vui tươi, dí dỏm vẫn là những người mà ông và họ vẫn xưng là “mình”. Sáng nay ông cao hứng làm bài thơ tình kiểu năm chữ nhiều khổ. Vậy là xôn xao cả lên...
Buổi sáng thứ tư, tức hôm qua trời trở nắng. Nắng và gió khô khốc. Người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi tuổi đi ra từ căn nhà đó. Mới nhìn người ta khép cửa, ông đã dợm bước đi theo. Nghĩ mình đường đột quá người ta ngại, ông Tùng lại ngồi xuống. Cứ ngồi như thế cho đến khi có ánh nhìn dò xét từ nhân viên trong quán, ông Tùng mới đứng lên đi về khách sạn ông thuê gần đó. Buổi sáng thứ năm là hôm nay đây, ông quyết định bằng cách nào cũng tiếp cận với người-phụ-nữ-đi-chợ! Thế nên ông thuê chiếc xe đạp của con gái chủ quán cà phê. Không chờ cho chủ nhân đồng ý, ông giúi vào tay vài tờ tiền đặt cọc đủ mua khoảng bốn chiếc xe như thế. Trong sự ngạc nhiên của những người chứng kiến, ông Tùng dắt xe cố đạp cho kịp người-phụ-nữ-đi-chợ.
“Chị ơi cho tôi hỏi nhờ chút…”. Ban đầu ông Tùng vờ hỏi đường, hỏi tiệm sách báo. Loanh quanh một hồi ông hỏi chị ở trong căn nhà đẹp đẽ đó à? Hóa ra hầu hết phụ nữ đều dễ bắt chuyện! Kết quả cuối cùng mà ông thu thập được là: Tôi chỉ là người giúp việc. Bà ấy sống một mình. Ngồi trên xe lăn mấy năm nay rồi. Chồng mất cách đây vài năm. Con cái đi xa hết trơn…
Ông nghe tim mình thắt ngặt một cái khi nghe người-phụ-nữ- đi-chợ kể về cơn tai biến của bà chủ nhà. Một cơn đau đột ngột khiến bà ngất đi. Đưa vô bệnh viện nằm điều trị mấy tháng mới về nhà. Kết quả là ngồi xe lăn. Con cái muốn đưa bà ấy theo nhưng bà không chịu đi. Ông Tùng không còn gì để hỏi khi chị ấy rẽ vào chợ. Không quay lại quán cà phê trả xe, ông trở về khách sạn nằm nghĩ miên man.
Ngày đó ông yêu bà. Mối tình học trò thật ngây thơ, trong sáng. Yêu mà không dám nói năng gì. Chỉ lặng lẽ đi theo bà khi tan trường thế thôi. Rồi chiến tranh loạn lạc, rồi bà đi học xa. Hai người mất liên lạc. Khi gặp lại, bà như người vô hồn. Sau lần gặp tình cờ đó, bà cố tình tránh mặt ông… Tìm gặp cỡ nào, bà cũng không cho ông gặp. Dòng đời trôi muôn hướng và họ bặt tin nhau từ mấy chục năm nay… Cho đến gần đây, gặp lại người thân của bà, bà ấy nói người yêu ông tuyệt giao với ông vì lý do lãng xẹt! Rằng bà tưởng mình không còn trong trắng. Đó là khi bà có người khác vỗ về những ngày nghe tin ông đã chết. Rồi tình yêu đó cũng không thành. Với cách nghĩ ngây ngô về trinh tiết nên cô nữ sinh hiền lành ngày ấy chấp nhận lấy một người chồng đã qua một đời vợ để “khỏi bị đuổi về nếu… không còn con gái!”. Bà chuyển chỗ ở mấy lần và cuối cùng định cư ở phương này. Ông Tùng càng nghe, càng thương người yêu cũ đến nao lòng…
Ngày thứ sáu ông ngồi quán cà phê cũng là một ngày nắng. Ông ngồi trên sân thượng của quán với tâm trạng hồi hộp, chờ đợi… Hơn tám giờ sáng, tim ông như thắt lại khi thấy từ căn nhà bên kia chị giúp việc đẩy chiếc xe lăn ra sân. Bà ngồi đó, tóc cắt ngắn uốn nhẹ ôm sát bờ vai giờ đã nhăn nheo. Gương mặt sáng trưng một thời xuân sắc nay hiền hậu với ánh mắt biết cười. Bà được đẩy ra góc sân để tưới cây. Từng cây kiểng lớn, nhỏ… được bà tưới nước tỉ mẩn bằng cái gáo dừa như chuyện trò, như âu yếm. Ông Tùng ngồi coi đoạn phim bình yên quay chậm đó không bỏ một tích tắc nào…
Mặc cho màn hình facebook ngập tràn lời hỏi thăm, tin nhắn nhảy tới tấp. “Ông đang làm gì? Đừng bỏ bữa nhé” - Lời nhắn của vợ ông. Mặc cho tiếng nhạc dặt dìu trong quán như ru ông về lại tuổi hai mươi “Anh ước gì trở lại tuổi hai mươi/ Để gặp em thành phố xưa xa mù/ Trong một chiều thu cỏ cây ngủ say/ Và em cũng hai mươi căng đầy”…
Tuyệt đối chôn chân một chỗ dù ông tưởng như khi gặp lại bà, ông sẽ vội vàng chạy đến để chỉ hỏi một câu sao ngày đó em trốn anh? Gặp làm sao đây? Có làm cho bà ấy tủi thân khi đối diện mình trong tình cảnh này? Những câu hỏi ngổn ngang, nhảy múa trong đầu ông…
…Trong khách sạn, ông sắp xếp hành lý để về nhà. Cái iPad vẫn để chế độ mở facebook. Lại có một người muốn kết bạn. Ông run run bấm vào. “Ti-gôn tim” (tím hay tim gì đó!). Kết nối. Một kho hình ảnh về bà hiển hiện. Ừ, tạm thời “gặp nhau” thế này đã…Ông bấm số gọi taxi đi bến xe…
Truyện ngắn: TRẦN QUỲNH NHƯ