Nguồn nhân lực chất lượng cao: Then chốt của chính quyền số

Cập nhật: 08-12-2022 | 08:24:35

(BDO) Nghị quyết 05-NQ/ TU ngày 19-5-2022 về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy xác định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số (CQS) đến năm 2025; trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) được xem là vai trò quyết định.

Cán bộ là then chốt

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết bình quân mỗi năm, tỉnh cử khoảng 8.000 lượt CBCC, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng... Đến nay, tỷ lệ CBCC, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm hơn 75%, trong đó hơn 6% có trình độ sau đại học. CBCC cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt trên 98%.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ CBCC có vai trò quyết định thành công trong xây dựng CQS

Tỉnh luôn quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cử CBCC, viên chức đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Các chương trình này đã cung cấp cho tỉnh những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong quản lý hành chính, y tế, giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách thu hút đối với một số ngành, lĩnh vực mà đội ngũ CBCC, viên chức hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc vào làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Tỉnh cũng đã tiển khai Đề án tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Đây là những cán bộ trẻ, có trình độ đại học và phần lớn được đào tạo chính quy, có phẩm chất đạo đức tốt và sẽ là nguồn CBCC cấp xã có chất lượng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và cấp huyện trong thời gian tới.

Yếu tố “sống còn”

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của một bộ phận CBCC, nhất là ở cấp xã và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng của người dân, doanh nghiệp ở một số nơi còn hạn chế.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trâm, Phó trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Thủ Dầu Một, nguồn nhân lực chất lượng cao đã, đang và sẽ là yếu tố “sống còn”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện đồng bộ những giải pháp về phát triển nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu xây dựng CQS và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Còn theo Thạc sĩ Thái Trần Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh, mục đích cuối cùng của việc xây dựng CQS là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, do đó các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong toàn tỉnh cần tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ. Trong đó, cơ sở vật chất là bộ mặt phục vụ nhân dân, cán bộ “một cửa” là nền tảng. Chìa khóa quyết định CĐS cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng.

Song song đó, phát triển hạ tầng CQS phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng internet, Trung tâm Dữ liệu của tỉnh; kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan Nhà nước một cách hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc vận hành các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của cơ quan Nhà nước; áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. ..

Chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính (TTHC) dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện; vận hành và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu TTHC trên trang Dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần đổi mới phương thức làm việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. 

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có 100% CBCC cấp tỉnh sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ và trong quản lý điều hành; 100% sở, ban, ngành bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT. CBCC tại các sở, ban, ngành được đào tạo, hướng dẫn, khai thác và sử dụng các hệ thống phần mềm dùng chung; đào tạo chuẩn kỹ năng về công nghệ thông tin và tập huấn nâng cao trình độ về an toàn thông tin mạng. Đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ cho quá trình CĐS của tỉnh với 3 trụ cột là CQS, kinh tế số và xã hội số.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên