Nguồn nhân lực đáp ứng chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần tiếp tục quan tâm đầu tư

Thứ ba, ngày 25/09/2012

Nguồn nhân lực đáp ứng quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một yếu tố rất quan trọng. Xác định được vấn đề này, nhiều địa phương xây dựng NTM đã rất chú ý đến việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ tốt cho chương trình.

Xây dựng NTM là một chương trình lớn mà Bình Dương đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng. Trong đó, nguồn nhân lực đáp ứng quá trình xây dựng NTM được nhiều địa phương chú trọng xây dựng. Nguồn nhân lực được đề cập ở đây ngoài các cán bộ xã trực tiếp thực hiện chương trình, còn có sự tham gia mang tính chủ động và hiệu quả của cộng đồng dân cư tại các địa phương. Đối với lực lượng cán bộ xã, nhờ thường xuyên tham gia công tác tập huấn về chương trình và các chương trình đào tạo khác nên hầu hết đều được nâng cao cả về nhận thức, trình độ. Đối với lực lượng cán bộ ấp, các địa phương cũng chú trọng đào tạo, tập huấn, nhất là việc tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền để công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã sâu sát hơn.  

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là cách để nâng cao trình độ cho cộng đồng dân cư. Trong ảnh: Nhờ được tham gia học nghề mà lao động nông thôn tại xã An Bình, huyện Phú Giáo đã nắm được kỹ thuật trồng nấm

Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, cho biết lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, lực lượng cán bộ thực hiện chương trình được trẻ hóa, trong đó đa số có trình độ đại học và được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn ở các cấp. Hiện tại, lực lượng này cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu của chương trình. Việc tham gia các lớp tập huấn giúp họ nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; nề nếp, tác phong làm việc có sự thay đổi rõ rệt; ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan cũng được nâng lên. Cũng theo ông Việt, với những cán bộ có nhu cầu được học tiếp lên cao hoặc tham gia các chương trình đào tạo khác, lãnh đạo xã sẽ tạo điều kiện về thời gian và các điều kiện khác để họ tiếp tục nâng cao trình độ.

Với lực lượng cán bộ trẻ của xã Tân Hiệp, nhờ được tham gia tập huấn về chương trình mà nhận thức của họ ngày càng được nâng cao, giúp họ mạnh dạn tham gia các phong trào để người dân hưởng ứng làm theo. Anh Nguyễn Đức Giang, cán bộ tư pháp xã Tân Hiệp, cho biết qua tham gia các lớp tập huấn, nhận thức của lực lượng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ với chương trình ngày càng được nâng cao hơn. “Với tôi, đây là một chương trình lớn, nên lực lượng cán bộ trẻ cần tiên phong trong việc thực hiện. Để thực hiện chương trình, các cán bộ trẻ cần vận dụng hết năng lực bản thân, kiến thức đã học, tham mưu cho lãnh đạo xã trong việc thực hiện để chương trình thành công tốt đẹp”, anh Giang nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Việt, tại các xã xây dựng NTM vẫn có những hạn chế nhất định trong việc nâng cao nguồn nhân lực, bởi rất ít thanh niên có trình độ đại học về tham gia công tác tại địa phương. Do vậy, hướng tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng đầu vào của lực lượng cán bộ xã là ưu tiên đào tạo thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và con em cán bộ tại địa phương đã nghỉ hưu trở thành lực lượng kế thừa. Cộng đồng dân cư tại địa phương cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hình thành nguồn lực xây dựng NTM. Để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này, công tác đào tạo nghề có thể xem là chìa khóa quan trọng nhất. Thông qua việc tham gia các lớp đào tạo nghề, trình độ sản xuất, nhận thức của người dân được nâng cao, họ sẽ chủ động tham gia với chính quyền trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó để có thể phát huy hơn nữa tính chủ động của cộng đồng dân cư, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên và có chiều sâu. Cần thông tin cho người dân hiểu rõ về nội dung chương trình, các kế hoạch cụ thể và nội dung các tiêu chí để người dân rõ. Song song đó là nâng cao trình độ văn hóa và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến để người dân nâng cao trình độ sản xuất; qua đó nâng cao thu nhập, trực tiếp đóng góp có hiệu quả hơn cho chương trình xây dựng NTM.

Toàn tỉnh hiện có 46 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 6 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề nói trên tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 46.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%, trong đó lao động nông thôn chiếm 45%. Thực hiện Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Bình Dương đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của 149.459 hộ gia đình nông thôn và từ năm 2010 đến năm 2011 đã tổ chức được 98 lớp đào tạo nghề với 3.145 học viên tham gia, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 57 lớp với 1.918 học viên, góp phần giải quyết nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

ĐÀ BÌNH