Nguy cơ leo thang vũ trang tại châu Á

Cập nhật: 20-12-2010 | 00:00:00

Ngày 17/12, nội các Nhật Bản công bố Chương trình hướng dẫn quốc phòng mới, nêu rõ chính sách quốc phòng của nước này trong 10 năm tới. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua Tokyo có sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng, phần nào thoát ra ngoài sự giới hạn về quân sự do quy định của bản hiến pháp hoà bình có từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Động thái này gây ra phản ứng từ Trung Quốc và có khả năng đánh dấu sự leo thang mới về vũ trang trong khu vực.

Nhật đối phó với Trung Quốc

Tokyo thông báo sẽ chi khoản ngân sách tương đương 280 tỷ USD cho quốc phòng trong 5 năm tới cùng những thay đổi về chính sách nhằm đối phó với việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Bản hướng dẫn quốc phòng mới của Nhật nêu rõ rằng, từ nay họ phải tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc chứ không phải mối đe doạ đến từ Nga vốn được xác định từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo đó, năng lực quốc phòng của Nhật đang tập trung ở phía bắc là đảo Hokkaido, nhằm đối phó với Liên Xô trước đây và Nga sau này, sẽ được chuyển xuống phía nam gồm đảo Okinawa và các đảo nhỏ đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Tokyo giải thích cho sự thay đổi này là do mối lo ngại Bắc Kinh gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường hiện đại hoá quân đội và đẩy mạnh các hoạt động trên biển thời gian gần đây. Nhật chính thức coi đây là "vấn đề đáng lo ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế".

Theo AP, chính sách quốc phòng mới của Nhật nhằm đối phó với Trung Quốc có nội dung cụ thể là tăng số máy bay chiến đấu trên đảo Okinawa và binh sĩ đồn trú trên các đảo nhỏ trong khu vực. Tokyo cũng sẽ cắt giảm số xe tăng đóng ở miền bắc để tăng sức mạnh hải quân bằng cách nâng số tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc, phát triển số chiến hạm có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis từ 4 lên 6 chiếc, nhằm bảo vệ tàu và binh sĩ khỏi các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh sức mạnh phòng thủ tên lửa trên biển, Nhật còn công bố kế hoạch mua thêm tên lửa đánh chặn Patriot PAC3 đặt trên đất liền có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm thấp và tầm trung. Tokyo lý giải kế hoạch củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa này là nhằm chống lại mối đe doạ đến từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, thay đổi của Tokyo chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng, trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung lâm vào căng thẳng nghiêm trọng từ tháng 9 vừa qua, khi Nhật bắt một tàu đánh cá Trung Quốc gần chuỗi đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Nhóm đảo này có tên gọi Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung.

Trung Quốc đáp trả

Phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc về chính sách quốc phòng mới của Nhật là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du, người đã chỉ trích Tokyo là "vô trách nhiệm" khi bình luận việc Bắc Kinh phát triển sức mạnh quân đội là mối lo ngại mang tính toàn cầu. Trung Quốc cũng một lần nữa khẳng định việc họ phát triển sức mạnh quân sự là vì hoà bình và sự phát triển ở châu Á, không đe doạ bất cứ nước nào.

Nhưng nguy cơ lớn hơn không phải từ những lời chỉ trích này mà là từ việc Bắc Kinh bác bỏ luận điểm của Tokyo cho rằng việc họ tăng cường sức mạnh phòng thủ tên lửa là nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc lo ngại chiến lược này của Tokyo sẽ đe doạ đến cân bằng sức mạnh trong khu vực.

"Sự đầu tư quân sự mới của Nhật Bản sẽ làm thay đổi cân bằng quân sự trong khu vực. Khi đó Trung Quốc sẽ không có sự lựa chọn nào khác là phải đối phó bằng cách gia tăng năng lực quốc phòng của mình", Telegraph dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Quốc nói.

Chuyên gia chiến lược của Mỹ là Ashley Tellis thì phân tích: "Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào cả tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và thông thường, để bù đắp vào sự yếu thế về công nghệ trong lực lượng vũ trang. Vì vậy, việc Nhật Bản phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là một mối đe doạ đối với họ".

Trong khi đó, Nhật Bản là đối thủ thứ hai của Trung Quốc trong khu vực đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất. Hồi tháng 1 năm nay, Washington cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ là một phần trong hợp đồng bán vũ khí khổng lồ trị giá 6,4 tỷ USD cho chính quyền đảo Đài Loan, động thái khiến Bắc Kinh nổi giận và lên án gay gắt.

Theo ước tính của Lầu Năm góc, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng kho hạt nhân của mình, vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều so với 4 cường quốc hạt nhân còn lại là Mỹ, Nga, Anh và Pháp. Theo đó trong 5 năm qua, Bắc Kinh đã tăng 25% kho vũ khí huỷ diệt của mình. Sự mở rộng này được thực hiện chủ yếu do lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể làm yếu đi sức răn đe của sức mạnh hạt nhân Trung Quốc.

Nội dung chính trong chính sách quốc phòng mới của Nhật * Điều chuyển binh sĩ từ miền bắc xuống miền nam, gần biên giới trên biển với Trung Quốc.* Triển khai thêm tên lửa đánh chặn Patriot để đối phó với các cuộc tấn công của Triều Tiên.* Ngân sách quốc phòng 280 tỷ USD trong 5 năm tới, giảm 3% so với cùng kỳ trước đó.* Tăng số tàu ngầm (từ 16 lên 22) và giảm số xe tăng (từ 600 xuống 400)* Coi sự phát triển quân sự của Trung Quốc là "vấn đề lo ngại", khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ- Nhật là "không thể thiếu được".

Cụ thể trong lực lượng tên lửa, trọng tâm mới trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc, giới chuyên gia ước tính nước này đang triển khai khoảng 130 hệ thống tên lửa đạn đạo đặt trên đất liền, mỗi chiếc có thể mang đầu đạn hạt nhân đơn lẻ. Trong đó loại tên lửa tầm trung như Dong Feng-3A và Dong Feng-4 đang trong quá trình được thay thế bằng loại tên lửa hiện đại hơn mang tên Dong Feng-21.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển dòng tên lửa mới Dong Feng-41 được dự đoán có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân để tấn công đa mục tiêu cùng lúc. Loại hoả tiễn này cũng được thiết kế để khó bị đối phương đánh chặn hơn các phiên bản cũ. Trung Quốc còn đồng thời phát triển hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Loại tàu ngầm này có khả năng lặn sâu dưới nước trong thời gian lâu hơn phiên bản cũ và gần như không thể bị phát hiện.

Giới chuyên gia lo ngại sẽ có phản ứng dây chuyền từ sự thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật, khi các nước khác cũng sẽ có động thái quân sự giống Trung Quốc. Ví dụ Ấn Độ có thể phát triển kho tên lửa của mình nhằm đối phó với sự gia tăng của Trung Quốc và sau đó sẽ đến lượt Pakistan có hành động tương tự.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan thì nhấn mạnh chính sách quốc phòng mới của nước này phải làm sao để không làm các nước láng giềng báo động. Nhưng sự dịch chuyển về mục tiêu chiến lược trong quân sự của Tokyo từ bắc xuống nam chắc chắn không thoát khỏi sự theo dõi chặt chẽ của cả châu Á, nơi mà dấu ấn lịch sử về cuộc xâm lăng của phát xít Nhật trước đây vẫn chưa thể bị lãng quên hay tha thứ hoàn toàn.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên