Nguy cơ mất nhà vì dùng sổ đỏ thế chấp vay vốn “tín dụng đen”

Cập nhật: 19-11-2013 | 00:00:00

Muốn được vay phải… ký bán đất!

 Đây là một trong những thủ đoạn của những người cho vay “tín dụng đen” và chính bằng thủ đoạn này, nhiều người dân không am hiểu pháp luật khi cần vốn làm ăn đã sập bẫy! Họ “lỡ” ký vào giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất gọi là “làm tin” để được cho vay. Đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, người vay không còn khả năng trả nợ thì bên cho vay dựa vào giấy bán đất mà khởi kiện người vay để lấy đất, lấy nhà! Rành rành “giấy trắng, mực đen”, khi những người vay hiểu ra thì quá muộn! Trong những ngày gần đây, Phòng Bạn đọc - Pháp luật Báo Bình Dương liên tục tiếp nhận những lá đơn kêu cứu của bạn đọc liên quan đến sự việc này. Qua tìm hiểu, P.V ghi nhận đây là một thực tế đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương.    Căn nhà của ông Năm ở xã An Sơn có nguy cơ bị mất!

Bà Bồ Thị Kim Loan, khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An, cho biết: Vào tháng 12-2009, do thiếu vốn làm ăn nên bà có đến liên hệ với bà C. cũng ở phường An Thạnh để vay vốn làm ăn. Theo yêu cầu của bà C., để được vay 300 triệu đồng thì bà phải ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (HĐCNQSDĐ) để làm tin thì bà C. mới đồng ý cho vay. Vì cần tiền gấp nên vợ chồng bà đã đến Văn phòng công chứng ký HĐCNQSDĐ cho bà C.

Tuy nhiên, khi nhận tiền thì bà chỉ nhận được 250 triệu đồng. Số tiền còn lại, bà C. nói phải trừ 30 triệu đồng tiền môi giới và 20 triệu đồng là tiền lãi của tháng thứ nhất (lãi suất 6%/tháng!). Hai bên thỏa thuận, khi nào bà Loan có tiền trả thì sẽ ra Văn phòng công chứng để hủy HĐCNQSDĐ và thực tế bà Loan cũng chưa giao đất cho bà C. Trên khu đất này có một căn nhà hiện đang do bà Bồ Thị Kim Anh là chị ruột của bà Loan ở.

Do việc làm ăn gặp khó khăn cộng với lãi suất cho vay “trên trời” nên bà Loan không có khả năng trả tiền cho bà C. Ngày 25-12-2012, bà C. đã làm đơn khởi kiện bà Loan để yêu cầu phải giao đất. Lúc này, bà Loan mới tá hỏa khi biết rằng khu đất của mình hiện đã được bà C. đứng tên. Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm vừa diễn ra vào ngày 23-9-2013, TAND TX.Thuận An đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà C. và buộc bà Loan phải giao QSDĐ và căn nhà cho bà C. Không đồng ý với bản án này, bà Loan đã làm đơn kháng cáo.

Theo bà Loan thì việc bà ký HĐCNQSDĐ cho bà C. chỉ là hình thức để được bà C. cho vay tiền chứ thực chất không phải là ý chí của bà; bởi khu đất có giá gần 1 tỷ đồng thì tại sao lại chỉ bán có 300 triệu đồng? Bà Loan còn cung cấp cho tòa án một đĩa CD ghi lại những đoạn hội thoại giữa bà và bà C. liên quan đến việc thỏa thuận trả nợ. Theo bà Loan, đây là một chứng cứ rất quan trọng mà Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa làm rõ!

Bỗng dưng mất đất!

Trường hợp sau đây có lẽ còn oái ăm hơn. Nguyên giữa gia đình ông Lê Văn Năm ở xã Hưng Định và bà Nguyễn Thị Kim Long ở phường An Thạnh, TX.Thuận An là sui gia với nhau. Vào đầu tháng 10-2011, con dâu của ông Năm là Huỳnh Kim Hoàng cho biết mẹ ruột của mình là bà Long đang nợ một số tiền và ngỏ ý mượn GCNQSDĐ (gọi chung là sổ đỏ) của gia đình ông Năm để bà Long đem thế chấp vay vốn trả nợ.

Nghĩ tình sui gia, gia đình ông Năm đồng ý. Tuy nhiên, để chắc ăn ông Năm yêu cầu bà Long làm văn bản về việc mượn sổ đỏ của gia đình ông. Có sổ đỏ mượn cầm tay, bà Long đã đem đến cho bà C. (cũng là nhân vật trong trường hợp đã nêu ở trên - P.V) để đổi sổ đỏ mà bà Long đã thế chấp cho bà C. trước đây; song bà C. yêu cầu gia đình ông Năm phải ký và lăn tay vào biên bản đã soạn sẵn thì bà C. mới trả sổ đỏ của bà Long. Nghĩ rằng, sau khi lấy sổ đỏ ra thì bà Long sẽ kêu bán đất để trả tiền vay cho bà C. và chuộc lại sổ đỏ nên gia đình ông Năm đồng ý.

Tuy nhiên, không biết sự việc vay mượn giữa bà Long và bà C. như thế nào nhưng đã nhiều lần hứa hẹn mà bà Long vẫn chưa trả lại sổ đỏ cho gia đình ông Năm. Mới đây, gia đình ông Năm mới tá hỏa khi bà C. làm đơn khởi kiện gia đình ông ra tòa để yêu cầu tiếp tục thực hiện theo đúng quy định về hình thức HĐCNQSDĐ. Lúc này, gia đình ông Năm mới biết là văn bản mà cả gia đình ông cùng ký tên chính là HĐCNQSDĐ. Nội dung HĐ thể hiện rõ việc gia đình ông Năm đồng ý chuyển nhượng cho bà C. thửa đất có diện tích 713m2 tọa lạc tại xã An Sơn với số tiền là 800 triệu đồng!

Sau khi nhận đơn khởi kiện của bà C., TAND TX.Thuận An đã ra quyết định buộc gia đình ông Năm và bà C. liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục về hình thức của HĐ.

Tuy nhiên, phía gia đình ông Năm một mực cho rằng gia đình mình bị lừa và không hề nhận một đồng nào từ phía bà C. nên không thể thực hiện theo quyết định của tòa án. Gia đình ông Năm cũng làm đơn khởi kiện bà Long để đòi lại sổ đỏ của mình nhưng tòa án đã trả lại đơn vì cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa. Hiện nay thì cả gia đình ông Năm như ngồi trên đống lửa, vì không biết sự việc sẽ được giải quyết ra sao?!

Nội dung HĐ có trái quy định của pháp luật?

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Lương Công Khanh, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX.Thuận An, cho biết sự việc vay mượn bằng hình thức thế chấp sổ đỏ có xảy ra trên địa bàn phường. Tuy nhiên, khi có tranh chấp và vụ việc được đưa ra hòa giải thì bên được cho là nhận thế chấp đã đưa ra đầy đủ những giấy tờ liên quan, chứng minh HĐCNQSDĐ là hoàn toàn hợp pháp, có đầy đủ chữ ký của các bên; thậm chí, HĐ còn được công chứng hẳn hoi nên việc hòa giải không thành.

Do đó, UBND phường hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thẩm quyền. Theo ông, phần lớn những người cho vay khá am hiểu luật pháp; do đó trước khi cho vay, họ đã “làm” khá chắc các bước ban đầu nên sau đó khi có tranh chấp thì phần thắng luôn nghiêng về phía họ. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để hạn chế xảy ra những vụ việc tương tự”, ông Khanh nói.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Như Lực, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng đây là những vụ việc đã từng xảy ra và phần thua thiệt luôn thuộc về bên đi vay. Trường hợp của gia đình ông Năm, tuy rằng HĐ không đúng hình thức theo quy định. Tuy nhiên, trong nội dung HĐ lại thể hiện rõ ý chí của gia đình ông là cùng ký tên vào HĐCNQSDĐ nên trong trường hợp tòa tuyên HĐ vô hiệu; do vi phạm hình thức HĐ thì gia đình ông Năm cũng phải có trách nhiệm trả lại 800 triệu đồng (theo nội dung HĐ) cộng với lãi suất theo quy định cho bà C. Gia đình ông Năm không thể căn cứ vào việc “không biết nội dung gì khi ký vào HĐCNQSDĐ với bà C.” để nói rằng mình bị lừa; bởi các thành viên trong gia đình ông Năm đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và cũng không bị ép buộc. Do đó, tình tiết này rất khó để tòa xem xét.

Trong trường hợp của bà Loan, nếu bà có chứng cứ (đĩa CD) để cho rằng HĐCNQSDĐ giữa bà và bà C. chỉ là một hình thức làm tin, để bà C. cho vay tiền thì rõ ràng đã vi phạm nội dung HĐ. Tuy nhiên, để làm rõ việc này bà Loan phải yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giám định lại nội dung cuộc hội thoại. Một chi tiết khác, đó là vì sao trị giá khu đất của bà Loan tại thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 1 tỷ đồng mà bà Loan lại chuyển nhượng cho bà C. chỉ có 300 triệu đồng? Đây là những chứng cứ quan trọng để TAND tỉnh Bình Dương xem xét khi xét xử phúc thẩm lại vụ án này.

Việc tiếp cận đối với nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay không còn là việc khó khăn khi người vay đã có tài sản để thế chấp. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi tham gia vay mượn bằng cách thế chấp sổ đỏ của mình nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

 P.V BẠN ĐỌC - PHÁP LUẬT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên