Những ngày đầu tháng 9, nhiều lo ngại nguy cơ tái diễn một cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine, sau những bất đồng thỏa thuận mua khí đốt giữa hai bên.
Bắt nguồn từ bản hợp đồng gây tranh cãi
Ngày 5-9, Ngoại trưởng Ukraine Konstyantyn Gryshchenko đến Mátxcơva hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov trong thời điểm hai bên đang có căng thẳng về hợp đồng khí đốt. Ria Novosti dẫn nguồn tin từ buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc hội đàm cho biết, Ngoại trưởng Gryshchenko đã bày tỏ mong muốn hai bên sẽ thông qua các cuộc đàm phán song phương để giải quyết tình trạng căng thẳng khí đốt hiện nay, tránh đưa vấn đề này ra trọng tài kinh tế. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đồng tình với mong muốn của Ngoại trưởng Ukraine.
Đường ống dẫn khí đốt tại Ukraine.
Trước đó một ngày, trong cuộc phỏng vấn Đài Truyền hình Inter TV, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov khẳng định giữa Nga và Ukraine hiện không có cuộc chiến khí đốt nào. Và dù căng thẳng đang xảy ra nhưng nó sẽ không gây ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Sự kiện cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko bị đưa ra xét xử vì cáo buộc lạm dụng chức quyền khi ký hợp đồng mua bán khí đốt với Nga, gây thiệt hại ngân khố Ukraine hơn 200 triệu USD được cho là khởi nguồn của mọi sự tranh cãi gay gắt giữa hai bên trong thời gian gần đây. Căng thẳng tiếp tục được đẩy lên khi phía Ukraine thông báo quyết định sẽ khởi kiện Nga để hủy 2 hợp đồng mua bán khí đốt ký năm 2009 này mà phía Ukraine cho rằng đã bị mua với giá cao so với hiện nay.
Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cũng tuyên bố chỉ còn lối thoát duy nhất, hủy bỏ hợp đồng mua bán khí đốt đã ký. Bên cạnh đó, giảm lượng khí đốt mua của Nga từ 40 tỷ m3 xuống còn 17 tỷ m3. Phía Nga phản pháo lại bằng tuyên bố Mátxcơva sẵn sàng tham dự các phiên tòa xét xử về bản hợp đồng khí đốt này.
Theo bản hợp đồng từ 2010-2016 xứ Bạch dương bán khí đốt cho Ukraine với giá 450 USD/1.000m3. Mặc dù, Nga đã hạ 30% giá bán khí đốt cho Ukraine sau khi hai nước ký hiệp định gia hạn sự có mặt của Hạm đội Hắc Hải (Nga) tại căn cứ Sevastopol của Ukraine thêm 15 năm (từ 2017 đến 2032), nhưng Kiev cho rằng giá bán hiện tại vẫn quá cao.
Cụ thể, từ quý 3-2011, giá khí đốt Nga bán cho Ukraine đã lên tới 354 USD/1.000m³, tăng gần 20% và dự báo giá bán trong quý 4 - khi mùa đông về có thể sẽ lên tới 388 USD/1.000m³. Ukraine cho rằng việc tăng giá này sẽ khiến công ty khí đốt Nhà nước Naftogaz của Ukraine bị thâm hụt khoảng 1,5 tỷ USD. Chính quyền Kiev muốn hạ giá xuống mức 200-230 USD/1.000m³. Công ty Gazprom tuyên bố sẵn sàng hạ giá bán khí đốt để đổi lấy việc hợp nhất với Công ty Năng lượng Nhà nước Naftogaz của Ukraine. Tuy nhiên, do lo ngại kế hoạch này cho phép Nga kiểm soát trực tiếp hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine, Chính phủ Ukraine đã thực hiện biện pháp mạnh hơn, thay vì từ chối như trước đây, nay quyết định giải thể Naftogaz.
Và vấn đề khác
Ngoài những rắc rối liên quan tới khí đốt, Ukraine còn không bằng lòng trước việc Nga xúc tiến hai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic (Dòng chảy phương Bắc) và qua biển Đen (Dòng chảy phương Nam), trong khi vẫn phớt lờ đề nghị của Kiev về đầu tư để nâng cấp hệ thống vận chuyển khí đốt quốc gia Ukraine. Quyết định của Nga xây đường ống dẫn dầu mới không chạy qua lãnh thổ Ukraine bắt nguồn từ việc giữa hai bên thường xuyên xảy ra cuộc chiến khí đốt, gây ảnh hưởng đến việc Nga cung cấp nguồn khí đốt đến châu Âu. Nga cũng từng đặt điều kiện để giảm giá khí đốt cho Ukraine nếu nước này từ bỏ kế hoạch thiết lập quan hệ thương mại tự do với các nước EU nhưng Ukraine cũng đã từ chối. Giới phân tích nhận định rằng, những hành động cứng rắn của Ukraine trong thời gian gần đây cho thấy Kiev đã gửi lời tuyên bố để thay đổi quan niệm cho rằng chính phủ mới thân Nga.
Những vụ việc xảy ra giữa hai bên đang đẩy hợp đồng mua bán khí đốt bên bờ đổ vỡ. Tuy Chính phủ Ukraine khẳng định sẽ không có cuộc chiến khí đốt nào xảy ra nhưng dư luận vẫn lo ngại cuộc chiến này có thể nổ ra vào mùa đông, thời điểm EU rất cần khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine. Ukraine đang phụ thuộc 100% vào nguồn nhiên liệu khí đốt từ Nga. Trong quá khứ, giữa Nga và Ukraine luôn nổ ra cuộc chiến khí đốt, khiến không ít lần Ukraine bị Nga cắt đứt nguồn cung nhiên liệu này. Thời gian xảy ra cuộc chiến khí đốt gần đây nhất diễn ra vào đầu năm 2009. Hơn 15 nước ở khu vực Balkans và miền Đông châu Âu đã phải chật vật đi tìm nguồn năng lượng thay thế.
Theo SGGP