Nguyễn Đức Ngọc: Dũng cảm cứu sống 3 mạng người

Cập nhật: 28-05-2013 | 00:00:00

Ngay trong lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Nguyễn Đức Ngọc, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) huyện Tân Uyên đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, cứu được 3 người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong vụ 5 nạn nhân bị ngạt khí độc trong khi làm vệ sinh hầm nước thải của Công ty Giấy Hưng Thịnh (Tân Uyên)…

Nguyễn Đức Ngọc sinh ra, lớn lên ở Bắc Giang và trưởng thành trong gia đình có truyền thống theo ngành công an nhân dân - “vì dân phục vụ” nên đã sớm hun đúc trong chàng trai trẻ Nguyễn Đức Ngọc tấm lòng yêu thương người “hơn cả thương thân”, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm tính mạng cứu người trong hoàn cảnh hiểm nghèo.  

 Đức Ngọc đang trút mủ cao su, phụ giúp gia đình sau ca trực

Chuyện xảy ra vào trung tuần tháng 3-2012, trong lúc trực ban tại đơn vị, Nguyễn Đức Ngọc nhận được điện thoại báo tin cháy từ Công ty TNHH Giấy Hưng Thịnh. Qua xác minh thông tin, báo cáo lãnh đạo đơn vị, Đức Ngọc được cử cùng với các đồng đội thuộc Phòng Cảnh sát PCCC huyện Tân Uyên nhận lệnh thẳng đến hiện trường thi hành nhiệm vụ chữa cháy và cứu người bị nạn. Đức Ngọc thuật lại: Khi đến hiện trường, không phải là vụ cháy như cấp báo mà tình huống đặt ra còn ngặt nghèo hơn. Qua thông tin sơ bộ từ Ban Giám đốc công ty, được biết 5 công nhân làm nhiệm vụ vệ sinh hầm giấy đã bị ngất xỉu nằm dưới hầm sâu, đang trong tình trạng nguy kịch, chưa biết sống chết thế nào.

Đức Ngọc cho biết, ngay khi đến khu vực có người bị nạn, anh và các đồng đội cảm thấy khó thở bởi mùi hăng hắc, xộc thẳng vào hệ thần kinh. Qua quan sát nhận thấy, hầm giấy tối như mực, có chiều sâu trên 7m, trong khi đường vào hầm chỉ có một lỗ nhỏ với bán kính 0,6m để đủ 1 người lên xuống bằng thang tre. Dùng đèn pin soi nhìn thấy 5 người nằm bất động, chồng lên nhau ngổn ngang gần vị trí thang tre. Lúc ấy, biết tình trạng của các nạn nhân đang nguy kịch, tôi không thể nghĩ ngợi lâu mà bước đến báo cáo chỉ huy xin phép cho mình được nhanh chóng xuống hầm sâu cứu người.

Thấy lòng nhiệt huyết năng động của tuổi trẻ, lại không thể chần chừ, đắn đo việc bố trí người, sau khi kiểm tra về phương án cứu hộ, cứu nạn, đội trưởng đội cứu hộ, cứu nạn đã chấp thuận lời đề nghị của Đức Ngọc. Các biện pháp bảo hộ an toàn tối đa nhanh chóng được triển khai để đưa Đức Ngọc xuống cứu người. Hầm sâu, hẹp, miệng hầm chỉ đủ cho phép 1 người vào. Vì thế chỉ một mình Đức Ngọc với trang bị chống ngạt, chống độc tiến xuống hầm có khí độc.

“Khi vào hầm, một cảnh tượng thật đáng sợ lần đầu tiên tôi gặp trong đời. Cả 5 người thân hình to khỏe gấp đôi tôi, nằm chồng chéo lên nhau, máu me bê bết. Chấn thương và vết máu đa số đều trên đầu nạn nhân. Sau này, nghe những nạn nhân sống sót nói lại, lúc đó theo bản năng sinh tồn, 5 nạn nhân cùng tranh nhau để thoát nạn, nhưng do khí độc tấn công làm ngạt thở, miệng hầm quá hẹp, lại níu chân nhau nên bị ngã, va đập vào thành hầm nước thải bằng xi măng cốt thép. Đội trưởng bảo, tôi chỉ được tối đa 15 phút để kéo hết 5 người ra khỏi hầm. Người đầu tiên tôi mất hơn 3 phút mới đưa được từ đáy ra khỏi miệng hầm. Lý do việc mất nhiều thời gian này là vì tay chân của các nạn nhân vẫn níu chặt, lại nằm chồng chất lên nhau khiến công tác cứu hộ rất khó khăn. May mắn cứu được nạn nhân đầu tiên như tháo được nút thắt, những người còn lại được tôi đưa ra khỏi hầm nhanh hơn. Theo ghi nhận của các đồng đội cho biết, tôi chỉ mất chừng 13 phút đã đưa được 5 nạn nhân khỏi miệng hầm, vượt yêu cầu đề ra”, Đức Ngọc nhớ lại.

Khi lên miệng hầm, tôi muốn ngất xỉu vì mệt, nhưng vẫn cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động một cách kỳ lạ khi nằm trong vòng tay chăm sóc ân cần của đồng đội. Điều bất ngờ là theo lời Đức Ngọc thì vào thời điểm cứu hộ, cứu nạn 5 nạn nhân ngạt khí độc trong hầm giấy, chàng thanh niên đến từ Bắc Giang chỉ mới vào nghề được 6 tháng, chưa qua một khóa huấn luyện nào về nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn trong những tình huống tương tự. Dẫu vậy, theo nhận xét của lãnh đạo đơn vị và các đồng đội thì Đức Ngọc ngoài sự dũng cảm hiếm có thì anh còn cho thấy khả năng xử lý tình huống, thao tác hết sức chuẩn xác và chuyên nghiệp khi cứu hộ, cứu nạn ngay trong lần đầu tiên tác nghiệp.

Hành động của Đức Ngọc đã nhận được sự khâm phục của rất nhiều đồng đội. Trung sĩ Đoàn Ngọc Tuấn, công tác cùng đơn vị cho biết: “Tôi thật sự khâm phục lòng can đảm của Ngọc, hành động của anh là gương sáng để tôi noi theo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi rất hãnh diện vì có được một đồng đội dũng cảm, xuất sắc không ngại xả thân mình vì người khác như vậy”.

Ước mơ của Đức Ngọc không gì hơn là được thi đậu vào trường Đại học Cảnh sát PCCC để trở thành một chiến sĩ cảnh sát PCCC chuyên nghiệp để có thể cứu được nhiều người hơn, đồng thời bảo đảm an toàn cho chính mình. Vào những ngày này, sau những lúc hết ca trực, Đức Ngọc thường dành thời gian về phụ giúp gia đình (tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo), vừa tranh thủ ôn luyện để một ngày nào đó hoàn thành ước mơ mà mình hằng ấp ủ.

 

 H.NHÂN - C.THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên