Theo thống kê chưa đầy đủ, kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) - cao đẳng năm 2011, trường THPT Dầu Tiếng có 20 học sinh thi đậu 2 trường ĐH; trong đó có em Nguyễn Minh Tú, lớp 12A đã thi đậu vào ĐH Y TP.HCM với 27 điểm và ĐH Kinh tế TP.HCM 22,5 điểm.
Mẹ là người đầu tiên Tú chia sẻ khi biết kết quả thi ĐH
Vì không biết nhà, chúng tôi đã đến Phòng Y tế huyện Dầu Tiếng, nơi mẹ em đang làm kế toán và ba làm bảo vệ để tìm gặp em. Đến đây, chỉ cần nhắc đến tên em là ai cũng biết, vì kết quả thi ĐH vừa qua không chỉ là tin vui đối với gia đình Tú, mà còn là sự tự hào, là niềm vui cho ngành y tế vì trong tương lai huyện nhà sẽ có thêm 1 bác sĩ đa khoa.
Tú tâm sự: xác định thi ĐH khối A và khối B nên môn nào em cũng chịu khó đầu tư. Đó cũng là lý do em đã thi học sinh giỏi ở nhiều môn và đi thi là có giải mang về. Năm lớp 9, em đoạt giải 3 cấp tỉnh môn vật lý, lớp 11 đoạt giải 3 giải toán “Lương Thế Vinh”, lớp 12 đoạt giải 3 cấp tỉnh môn hóa và giải khuyến khích giải toán trên máy tính Casio. Cô Dễ, giáo viên dạy môn sinh nhận xét: rất tự hào về học trò của mình. Tú là học sinh thông minh, chăm chỉ. Em là 1 trong số 4 em nổi trội về thành tích học tập trong lớp. Trước kỳ thi, các giáo viên dự đoán em sẽ đạt kết quả cao và thực tế Tú đã đem vinh dự về cho nhà trường.
Hỏi về bí quyết học tập, Tú cho biết, em chịu khó làm nhiều bài tập, làm thuần thục những dạng đề thi ĐH, không bao giờ chịu đầu hàng trước những bài toán khó. Em và một số bạn tổ chức học nhóm để trao đổi, bổ sung kiến thức cho nhau. Ở lớp 12 chủ yếu Tú tự học ở nhà, em thường xuyên tải đề của trường chuyên Hà Nội về để tự giải.
Thấy em học giỏi, chúng tôi cứ ngỡ gia đình có điều kiện đầu tư cho Tú học tập, nhưng ngược lại gia đình Tú không mấy khá giả. Với đồng lương công chức của mẹ, công việc làm bảo vệ của ba, thu nhập của gia đình chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, trong khi Tú còn 1 đứa em nhỏ nên kinh tế gia đình khá chật vật. Chị Trần Thị Linh, mẹ Tú tâm sự: “Từ nhỏ, Tú đã có tính tự lập, tự học và làm những việc vặt trong nhà phụ giúp mẹ. Biết gia đình khó khăn, nhiều ngày cháu ăn cơm với trứng chiên hoặc mì gói thay cơm nhưng chưa bao giờ than vãn”. Để bớt phần nào gánh nặng cho mẹ, tận dụng khả năng học giỏi, trong hè Tú có nhận dạy kèm cho vài đứa trẻ trong xóm. Thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ để em mua sắm dụng cụ học tập khi vào mỗi đầu năm học mới.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, Tú đã nuôi ước mơ làm bác sĩ để sau này có điều kiện nuôi dưỡng cha mẹ. Giờ đây, khi chuẩn bị bước chân vào trường ĐH thì gia đình em canh cánh nỗi lo chi phí học tập trong suốt mấy năm dài đằng đẵng. Ai cũng biết học ngành y rất tốn kém so với học các ngành khác, cứ nghĩ đến đó nhiều lúc gia đình cảm thấy “đuối” và đôi lúc có ý định cho em học kinh tế để đỡ tốn kém hơn. Nhưng thấy khát khao trở thành bác sĩ của con quá lớn, cha mẹ em cũng không nỡ để con từ bỏ ước mơ, vì coi như em đã thực hiện được một nửa.
Trước hoàn cảnh của Tú, chúng tôi mong những người có tấm lòng nhân ái sẽ hỗ trợ em trong những năm học ĐH. Nếu được sự chia sẻ từ phía xã hội, Tú sẽ có thêm sức mạnh để phát huy tài năng học tập ở trường ĐH, sau này em sẽ trở về Dầu Tiếng, nơi còn thiếu nhiều bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây.
Và cũng qua bài báo này, Tú muốn gửi lời tri ân đến đấng sinh thành đã nuôi dưỡng em nên người, cảm ơn thầy Xuân Anh dạy toán, cô Dễ dạy môn sinh, cô Diệu dạy hóa đã tận tình bồi dưỡng, truyền đạt kiến thức để em đạt được kết quả cao trong kỳ thi ĐH vừa qua.
H.THÁI