Nguyễn Ngọc Cung - Nghệ sĩ cách mạng tài ba

Cập nhật: 04-03-2015 | 10:20:18

1. Chiều 23 tháng Chạp, tôi cùng mấy ông bạn bác sĩ ngồi trên một chiếc ghe lênh đênh trên sông Gành Hào, Cà Mau. Xưa kia, ghe này hẳn là ghe chở hàng nhưng rồi ai đó đã biến cải nó thành một căn nhà nổi, chỉ có điều là nó không có vách còn mái lợp bằng những tấm ván lát ngang. Giữa ghe là chiếc bàn dài với hai băng ghế đặt hai bên.

Vở cải lương "Khúc oan vô lượng" năm 1931.

Trên bàn, một đĩa vừa khô cá lóc, vừa cá sặt nướng, một dĩa gỏi xoài trộn lẫn lá sầu đâu, chén nước mắm ớt và chai rượu đế trong vắt. Ông Chín Đởm, năm nay đã 71 tuổi nhưng nhìn còn phong độ lắm, lui cui lên dây cây đờn ghita phím lõm, nói với tôi nhưng mắt nhìn mấy anh chàng bác sĩ: "Năm nào cũng vậy, hễ ăn tất niên là tui kéo mấy đứa nó ra đây. Sông nước mênh mông, mát mẻ, lại không làm phiền ai hết".

Bác sĩ Hải - người rủ tôi xuống Cà Mau nói tiếp: "Chú Chín là em họ của ba tôi. Ổng là dân đờn ca tài tử. Sương sương vài xị rồi nghe ổng hát vọng cổ, đã hết biết!".

Quả y như rằng, lúc ông Chín Đởm cất giọng ca một trích đoạn trong vở cải lương "Nợ nước tình nhà" của cố soạn giả Nguyễn Ngọc Cung thì đúng là… "đã hết biết". Lời ca nói về một chàng trai họ Trần, đang học hành thì giặc Pháp kéo đến. Trong lúc bạn bè hăng hái "xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh" thì Trần vẫn vùi đầu vào đèn sách.

Trước cảnh nước mất nhà tan, người vợ khuyên Trần nên tạm gác chuyện công danh qua một bên để tòng quân cứu nước thì Trần vẫn lưỡng lự. Chỉ đến khi cha Trần khuyên bảo, rằng nên noi theo truyền thống anh hùng của các bậc tiền nhân thì Trần mới tỉnh ngộ. Tôi hỏi Hải: "Ở thành phố Cà Mau có con đường mang tên Nguyễn Ngọc Cung, phải ông này không?". Hải gật đầu: "Chính xác".

Và cũng từ trích đoạn của vở cải lương "Nợ nước tình nhà", tôi được biết thêm những chuyện ly kỳ về người soạn giả tài hoa yêu nước Nguyễn Ngọc Cung.

2. Những năm 30 của thế kỷ trước, ở chợ Cà Mau hầu như ai cũng biết tiệm vàng của ông Nguyễn Ðạo Ðức. Trong số những người con của ông, có một cậu trai tên Nguyễn Ngọc Cung. Mặc dù nhà rất giàu, của ăn của để ba đời chưa chắc hết nhưng ông vẫn bắt các con phải học hành cho nên người. Hồi đó, Cà Mau chưa có trường trung học nên Nguyễn Ngọc Cung được cha đưa lên Cần Thơ, học tại Trường Nam Hưng.

Một buổi chiều cuối năm 1940, ông Nguyễn Đạo Đức lên Sài Gòn mua vàng về Cà Mau để chế tác thành nữ trang, bán cho khách. Thời điểm ấy, xe đò Cà Mau - Sài Gòn và ngược lại phần lớn chạy ban đêm, tối đi, sáng tới. Lúc xe đến phà Cần Thơ và nếu phà nằm ở bờ bên kia, thuộc đất Vĩnh Long thì người lơ xe lấy ra một chiếc mõ, gõ lốc cốc vài nhịp để gọi phà. Tôi hỏi ông Chín Đởm: "Sông Hậu mênh mông như vậy, tiếng mõ sao nghe thấy" thì ông Chín cười: "Hồi đó xe cộ đâu có ầm ĩ cả ngày lẫn đêm như bây giờ, còn trên sông phần lớn ghe thuyền đều chèo tay nên tiếng mõ vang xa lắm".

Chắc là vậy nên trong lúc đợi phà, ông Nguyễn Đạo Đức xuống xe, đi dọc theo đoạn đường dốc dẫn ra bến phà thì bất ngờ ông nghe văng vẳng tiếng đờn vọng cổ từ đâu đó vọng lại rồi tiếp theo là tiếng hát. Giật mình, ông tự nhủ "Ai hát sao nghe giống giọng thằng Cung quá".

Sự tò mò thôi thúc ông chủ tiệm vàng đi tiếp xuống phía dưới. Giây lát, ông không thể tin vào mắt mình khi đứa con trai Nguyễn Ngọc Cung của ông, đứa con mà ông đã đặt kỳ vọng vào việc học hành thì bây giờ ngồi vắt vẻo trên lan can cầu phà, đang cất giọng xuống "xề" một câu vọng cổ còn bên cạnh Cung là một thanh niên trạc tuổi, đánh đờn. Giận đến run người, ông hỏi lớn: "Cung, sao lại ra đây?".

Đáp lại thái độ của cha mình, Nguyễn Ngọc Cung cười: "Ở trỏng - ý nói ở nội trú - buồn quá. Con lén ra đây chơi một chút". Cố kìm cơn giận, ông hỏi tiếp: "Ra chơi mà sao như đi hát rong vậy?". Cậu con trai ông lại cười: "Thì thấy có người đờn nên con ca vài câu cho vui…".

Mua vàng xong, từ Sài Gòn về lại Cà Mau, ông Nguyễn Ðạo Ðức gọi những người trong gia đình lại, kể chuyện ông gặp "thằng Cung" hát vọng cổ ở bến phà Cần Thơ. Cuối cùng, ông kết luận: "Nó bây giờ như vậy đó! Uổng công tôi lo cho nó học hành để mai này nở mày nở mặt với bà con nhưng rốt cuộc nó chỉ là đứa "xướng ca vô loài"...

3. Năm 1942, chiến tranh bắt đầu lan rộng ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đội quân viễn chinh Pháp của tướng Leclere đặt chân đến Cà Mau, những trận đánh ác liệt nổ ra giữa bộ đội Việt Minh với quân Pháp khiến người dân một số chạy vào bưng biền, tham gia kháng chiến, số khác thì chạy lên Cần Thơ, lên Sài Gòn, trong đó có gia đình Nguyễn Ngọc Cung.

Thời điểm ấy, mặc dù đất nước đang trong tình trạng chiến tranh nhưng Sài Gòn vẫn còn yên ổn nên phong trào ca hát phát triển mạnh, nhiều tụ điểm ca nhạc mọc lên như nấm. Ông Chín Đởm nói: "Năm 1947, Đài Phát thanh Pháp Á hằng ngày vẫn dành một thời lượng nhất định để phát các chương trình đờn ca tài tử, được người ta ưa chuộng lắm, nhất là nếu nghe giới thiệu "Cô Ba Trà Vinh" hát thì dù có đang làm vì, ai cũng tạm dừng tay để thưởng thức cho hết bài".

Một buổi chiều, Nguyễn Ngọc Cung cùng một người bạn đi dạo trên đường La Grandière (trước năm 1975 là đường Gia Long còn sau ngày giải phóng, đường đổi tên thành Lý Tự Trọng). Đang đi, Cung bỗng nhìn thấy một đám đông tụ tập quanh một ông lão và một đứa bé gái mà Cung đoán là hai cha con. Người cha bị mù, ngồi trên manh chiếu rách, vừa đờn vừa hát một khúc vọng cổ bằng cây độc huyền cầm (là loại đờn chỉ có một dây). Đứa con gái ước chừng 10 tuổi ngồi bên cạnh, tay cầm chiếc nón vải rách đưa ra phía trước xin tiền

Cung lách đám đông chen vào. Đến khi ông lão mù vừa hát xong bài vọng cổ, Cung ngồi xuống cạnh ông rồi nói: "Ông nghỉ một chút đi, ông đờn để tôi hát tiếp cho. Tôi cũng hát vọng cổ".

Giây lát, tiếng độc huyền cầm nỉ non réo rắt. Đám đông đang xôn xao trước chuyện một thanh niên quần "téc gan" xanh, áo sơ mi "pô pơ lin" trắng chẳng biết từ đâu đến xin hát thì bỗng im bặt khi Nguyễn Ngọc Cung cất lên những lời ca đầu tiên. Vừa dứt 6 câu, trong tiếng vỗ tay giòn giã, Cung bảo ông lão mù đờn tiếp cho mình ca một bản theo điệu Xuân Tình. Mặc cho đám đông càng lúc càng đông và mặc cho trong lòng chiếc nón vải đã đầy ắp những đồng 1 hào, 2 hào, Nguyễn Ngọc Cung khi ấy như chìm trong lời ca tiếng nhạc.

4. Ở Sài Gòn một thời gian, Nguyễn Ngọc Cung thoát ly theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Theo ông Mai Quân, nguyên cán bộ Sở Tuyên truyền Nam Bộ và cũng là một soạn giả cải lương thì: "Khoảng đầu năm 1950, vọng cổ hầu như bị cấm hát ở các vùng giải phóng Nam Bộ, lý do là qua đánh giá, âm điệu của nó quá ủy mị. Vì thế, dân Bạc Liêu, Cà Mau chế ra điệu nói thơ Bạc Liêu, có hơi hám giống vọng cổ để ca cho đỡ ghiền. Việc cấm đoán này xem ra không hợp lòng dân nên nhiều anh em văn nghệ sĩ đặt vấn đề nên xem xét lại".

Việc cấm cải lương ở Nam Bộ diễn ra đồng thời với phong trào chỉ trích cải lương ở miền Bắc. Trong cuộc họp về nghệ thuật sân khấu tổ chức năm 1950 tại Việt Bắc, đã có ý kiến cho rằng "Cải lương là một nghệ thuật quái gở, sản sinh ra một thời đại múa may, quay cuồng trên sân khấu nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí cho một tầng lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đến đâu, không biết mình nghĩ gì, cảm xúc thế nào… " (Trích tham luận của nhà thơ, nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ).

Một số ý kiến lên tiếng bác lại như trong tham luận của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông bày tỏ thẳng thắn: "Tôi bênh vực cải lương vì anh em quá khắt khe với cải lương", và: "Tôi ở địa phương là nơi phát sinh ra cải lương, do đó thấy rõ cải lương là nghệ thuật giản đơn hóa sự tượng trưng của Tuồng. Cải lương làm giàu thêm phần nhạc của hình thức hát bội cũ…".

Đến năm 1951, khi Đảng công bố Bản chỉ thị đẩy mạnh khai thác vốn cổ văn nghệ dân tộc, thì những nơi trước kia cấm sử dụng các nhạc cụ gây hiệu quả buồn bã như đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu khi biểu diễn cải lương được bãi bỏ. Cải lương dần dần phục hồi và phát triển nhanh chóng. Ở Nam Bộ, cuối năm 1951, Chi hội Văn nghệ Nam Bộ tổ chức một hội nghị tranh luận về nghệ thuật cải lương.

Nhiều ý kiến tại hội nghị trái ngược nhau nhưng cuối cùng cũng đi đến kết luận: "Cải lương vẫn có tác dụng phục vụ kháng chiến", và quyết nghị trong buổi liên hoan bế mạc sẽ diễn cải lương, mời các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp lãnh đạo Nam Bộ đến xem. Anh em phân công Nguyễn Ngọc Cung viết một vở cải lương ngắn để biểu diễn. Ngay trong buổi sáng, anh viết xong vở "Nợ nước tình nhà."

Buổi biểu diễn rất thành công. Lúc kết thúc, các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền Nam Bộ quyết định cho phục hồi hình thức ca nhạc cải lương để phục vụ kháng chiến. Từ đó, các đoàn cải lương tăng lên gấp bội. Chỉ trong thời gian ngắn, khu giải phóng Bạc Liêu có tới 9 đoàn, Khu 7 có 6 đoàn…

Nhưng vì chiến tranh nên để ca ngợi lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đoàn kết quân dân, hầu hết những vở cải lương ra đời trong thời gian này là những vở ngắn, như các vở "Huyết lệ thù" do Nguyễn Ngọc Cung, Chi Lăng viết; vở "Vẹn tình cá nước" của Nguyễn Ngọc Cung; "Chung sức diệt thù", "Bạch mao nữ" của Trương Bỉnh Tòng, Lâm Ân, Phan Vũ phóng tác theo hí khúc Trung Quốc; "Người mặt cháy" (tức Vệ quốc chiến) của Nguyễn Phương phóng tác theo "Tính cách Nga" của A. Tolstoi…

Đặc biệt cũng vào thời gian này, vở cải lương "Hai bó rơm" của Nguyễn Ngọc Cung ca ngợi tình đoàn kết quân dân được đưa đi lưu diễn ở nhiều nơi, kéo dài mãi đến đến năm 1958 và được khán giả miền Nam nhiệt liệt đón nhận, trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn đối với bộ đội và nhân dân Nam Bộ.

Từ năm 1952 trở đi, nhiều tuồng cải lương, nhiều bài ca vọng cổ liên tục ra đời. Khi Sở Tuyên - Văn (tuyên truyền và văn nghệ) Nam Bộ phát động một cuộc thi sáng tác - gọi là giải Cửu Long 2 thì vọng cổ, cải lương bừng bừng khởi sắc. Vẫn theo ông Mai Quân: "Về văn xuôi, các tác phẩm "Tây đầu đỏ" và "Bên rừng Cù lao Dung" của Phạm Anh Tài (tức nhà văn Sơn Nam) đoạt giải nhất. Về thơ, tác phẩm  "Chú Hai Neo" của Nguyễn Hải Trừng đoạt giải nhất. Về cải lương, vở "Huyết lệ thù" của Nguyễn Ngọc Cung và Chi Lăng đoạt giải nhất.

Đêm trao giải thưởng được tổ chức tại Giáp Nước, một thị tứ sung túc gần đầm Bà Tường và cũng là đêm cho ra mắt các vở diễn nói trên. Thời gian ngắn sau, nhóm diễn Bạch Mao Nữ ra đời và tiếp theo, Đoàn ca kịch Cửu Long Giang hình thành.

Tháng 6/1966, một trận mưa bom B.52 giội xuống căn cứ Ban Tuyên huấn ở vùng Suối Cây, Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia khiến soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, soạn giả Phạm Trần, soạn giả Phong Anh (tác giả vở tuồng “Thuyền ra cửa biển”), và nghệ sĩ Bảy Lương (trước là kép chánh đoàn Phước Chung) hy sinh. Chiến tranh đã cướp mất 4 tài hoa sân khấu.

Sau ngày giải phóng, vở cải lương "Kiều Nguyệt Nga" của Nguyễn Ngọc Cung là vở cải lương đầu tiên ra mắt công chúng miền Nam, diễn hồi tháng 5/1975 tại rạp Quốc Thanh, Sài Gòn. Ngoài tên đường ở Cà Mau, TP HCM cũng có một con đường mang tên ông. Người nghệ sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Cung ngã xuống nhưng những bài vọng cổ, những tuồng cải lương của ông vẫn vang lên đâu đây như trong một chiều cuối năm trên sông Gành Hào…

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1858
Quay lên trên