Nguyễn Ngọc Lâm - Doanh nhân... nghệ sĩ

Thứ tư, ngày 26/05/2010

Anh là doanh nhân... nghệ sĩ! Anh tự nhận xét vậy và nhiều người cũng nói vậy. Tiếp xúc với anh có lẽ ai cũng nhận thấy ở anh là một người trọng tình nghĩa hơn mọi sự trên đời. Từ một trẻ mồ côi nghèo, anh học không mệt mỏi và đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, hiện “đang tiếp tục thực hiện giấc mơ doanh nhân để làm giàu và giúp mọi người”. Anh là Nguyễn Ngọc Lâm, sinh năm 1972, chủ quán Vườn Xanh (TX.TDM) và là người thiết kế nhiều khu du lịch sinh thái ở Bình Dương, Đà Lạt.

Một tấm gương hiếu học

Anh thích ngồi hàn huyên cùng bạn bè, đồng hương, tự đệm đàn ghi-ta và hát cho mọi người nghe. Anh kể về tuổi thơ cơ cực của mình cứ như không nhưng người nghe lại thấy chạnh lòng... Mồ côi cha từ khi lên ba, nhà nghèo nên mẹ anh nuôi con rất vất vả. Mẹ người Huế, cha người Quảng Nam. Mẹ anh lấy chồng và “đem theo nghề chằm nón lá vào quê chồng để kiếm cơm”. Thế là anh cũng biết chằm nón lá từ nhỏ, như một đứa con gái khéo tay. Năm 8 tuổi vẫn chưa được đi học vì nhà quá nghèo, mẹ lại bị bệnh tim. Mãi sau này, nhờ sự giúp đỡ của người cô ruột, anh mới được đi học. Muộn gần 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa.

  Nguyễn Ngọc Lâm với ngón đàn ghi-ta tay trái

Được đi học là cả một niềm mơ ước nên anh rất ham học và học rất giỏi. Vẫn ăn cơm độn, ngô, khoai nhiều hơn gạo nhưng mẹ vẫn cố gắng để anh không đói lòng. Anh kể về một bài học nhớ đời mà mẹ dạy về miếng ăn. Đó là một lần, quá ngán khoai độn, anh không nuốt nổi nhưng không thể không ăn. Thế là thằng bé lém lĩnh là anh tự tính toán: “Ăn 4 chén cơm độn sẽ được khoảng một chén cơm trắng! Vậy là no rồi...”. Bữa đó anh lừa mẹ ngồi gần nồi cơm. Anh lấy cái ghế nhỏ để có chỗ giấu khoai vào bên dưới. Cơm thì anh giữ lại trong miệng, sắn khoai nhả ra rồi sẽ nhét vào dưới cái ghế. Nhưng khi ăn no, quên cái vụ giấu giếm này, anh đứng dậy và mẹ phát hiện được. Lần đó, anh bị mẹ đánh cho một trận đòn nhớ đời vì cái tội: “Miếng ăn là quý. Không được chê ngon chê dở. Người ta còn không có khoai mà ăn con lại đi nhả ra”. Cũng lần đó, anh ý thức được về việc phải biết tự trân trọng miếng ăn, trân trọng những người cưu mang mình.

Học giỏi nên anh được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của tỉnh. Ngày đi thi mẹ anh chỉ “đùm” cho con một nắm cơm và gói muối nhỏ. Sợ bỏ muối ra ăn bạn bè chê cười nên anh giấu biệt luôn. Thầy chủ nhiệm của anh đoán biết chuyện. Thầy nói: “Không sao con, quên mang cơm theo là chuyện bình thường. Chắc mẹ nhiều việc quá nên quên. Thầy dẫn con đi ăn mì Quảng”. Đó là tô mì Quảng ngon nhất trong đời mà anh được ăn. Cũng nhớ ơn thầy mà ngày ra trường, có được... chút tiền (như cách anh nói), một trong những người đầu tiên anh về thăm và trả ơn là thầy giáo cũ của mình. Anh ở chơi, chuyện trò cùng thầy, giúp thầy làm lại cái nhà bị dột mái... Một nghĩa cử thật đẹp của tình thầy trò!

Thi đậu vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM là niềm hạnh phúc quá lớn lao đối với hai mẹ con anh. Anh cũng tự hứa với mình sẽ tự lập, không để mẹ phải lo cho mình nữa và phải làm giàu để mẹ được sống một tuổi già thật sung sướng, đầy đủ... Anh lao vào học như là một cơ hội, một cứu cánh cho cuộc đời mình.

Giấc mơ doanh nhân

Quyết tâm không để mẹ khổ vì mình nên từ khi vào Sài Gòn học đại học, anh Lâm đã biết tự lập. Ngoài giờ lên giảng đường, anh làm đủ nghề. Từ phụ hồ, nhặt ve chai anh đều không từ nan. Sợ bạn bè biết việc làm thêm của mình, anh xin phụ hồ thật xa trường. Nhặt ve chai thì anh đi từ lúc 1-2 giờ sáng. Tất cả các công đoạn từ nhặt, phân loại phế liệu, đến vựa ve chai cân, bán diễn ra lúc... nửa đêm về sáng. Sáng ra anh tắm rửa sạch sẽ cho hết mùi rác thải mới đi đến lớp học. Cũng trong những đêm đi nhặt ve chai lang thang đó mà anh gặp may. Chủ nhà của mấy khu biệt thự biết anh là sinh viên Bách khoa nên thương, cho anh “nhặt” những loại “rác” cao cấp hơn là tủ lạnh, tivi hư mà họ bỏ ở hiên nhà chờ bán đồng nát. Anh Lâm đem về hì hụi sửa rồi bán lại cho những người thu nhập thấp cần mua đồ cũ xài tạm. Bắt đầu từ đó, anh có những món tiền kha khá hơn và miếng ăn không còn là nỗi ám ảnh anh kể cả trong giấc mơ nữa.

Với chút năng khiếu ăn nói và đàn hát của mình, anh còn nhận làm MC cho các nhà hàng hoặc “hát chờ” để đợi ca sĩ khi họ đến muộn. Việc gì anh cũng làm miễn sao lương thiện và có tiền để tích cóp thực hiện giấc mơ doanh nhân của mình. Bởi theo anh suy nghĩ, học xong đại học, làm thuê một thời gian để tích lũy vốn và kinh nghiệm thì sẽ làm chủ. Có như thế mới thoát được nghèo đói và có điều kiện giúp được nhiều người hơn nữa.

Ra trường, anh chọn Bình Dương để lập nghiệp. Sau khi có số vốn, anh đầu tư vào hệ thống cửa hàng ăn uống và khu du lịch sinh thái. Ở Khu đô thị Chánh Nghĩa, TX.TDM, anh làm một quán ăn đặt tên là Vườn Xanh với mong muốn mọi người được cảm giác như đang ngồi giữa vườn nhà mà thưởng thức những món ăn dân dã. Cột nhà là thân cây bó lại và mái nhà cũng là  tán cây che phủ để “vừa mát vừa có... ôxy mà thở trong  thời tiết ngày càng quá nóng bức này!”.

Anh cũng thể hiện tâm huyết của mình về một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thật thoải mái cho mọi người khi đến đây. Khu du lịch Xanh ở ấp Bình Cơ, Bình Mỹ, Tân Uyên được xây dựng và hoạt động từ tháng 11-2009. Khu du lịch rộng khoảng 5 ha có cánh rừng nguyên sinh. Ở đây hiện còn một hố bom. Anh Lâm cho giữ nguyên và dựng thêm nhiều hiện vật gợi nhớ thời chiến tranh. Đây cũng là điểm mà theo anh là có thể gắn với du lịch tìm hiểu về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Dịp 30-4 vừa qua, nhiều đoàn khách từ Bình Dương, TP.HCM đã đến đây để cắm trại, đốt lửa trại kết hợp nhiều hoạt động hữu ích khác.

Khu du lịch Xanh Bình Mỹ có dịch vụ câu cá giải trí, cà phê sân vườn, phòng karaoke và 24 phòng nghỉ rất tiện nghi. Đây là một không gian thoáng đãng và phù hợp cho những gia đình, nhóm bạn bè tổ chức đi nghỉ cuối tuần. Hỏi anh sao quán, khu du lịch gì cũng “Xanh” cả thế, anh cười cho biết: “Con người cần bảo vệ thiên nhiên và sống giữa thiên nhiên mới thực sự hạnh phúc! Môi trường sinh thái là điều mà ai cũng phải gìn giữ”. Tiếp tục thực hiện ước mơ du lịch Xanh này nên anh đang nhận thiết kế một dự án khu du lịch ở hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt.

 Nỗi đau của anh là mẹ mất sớm khi anh chưa báo đáp được bao nhiêu. Có lẽ vì thiếu tình cảm từ nhỏ nên anh rất trọng tình cảm. Là doanh nhân nhưng anh vẫn giữ được tính nghệ sĩ. Là chủ quán nhưng nếu gặp khách... tri âm thì anh sẵn sàng ôm đàn ghi-ta (anh Lâm cũng tự học vì anh thuận tay trái, không có thầy nào dạy đàn ghi-ta trái tay như thế cả!) và hát vài bài. Bài anh tâm đắc nhất là “Quê mình” của cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ: Có nơi mô như ở quê mình / Nghĩa trang trắng mỗi triền cát mặn / Hạt lúa củ khoai giữa mùa nam nắng / Bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng... Miền Trung ơi miền Trung/ Khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước / Đất chật họ tên không cần chữ lót / Cơ cực gì đeo đẵng suốt trăm năm... Là người miền Trung nên anh hát bằng tất cả cảm xúc của mình. Cũng nhờ thế mà một lần tình cờ, một Mạnh Thường Quân (đề nghị giấu tên) khi nghe xong bài này đã quyết định thông qua tổ chức Hội Chữ thập đỏ để tặng người nghèo ở Quảng Trị 100 triệu đồng. Anh Lâm cười: “Có lẽ đó là số tiền... cát sê cao nhất của những lần tôi đi hát. Trên hết là niềm vui khi nghĩ rằng, mình có thể giúp được những người còn nghèo khó...”.

QUỲNH NHƯ