Thực hiện lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước
phải thi đua”, anh Nguyễn Sỹ Hải, giám sát kỹ thuật của bộ phận điện trong nhà
máy Công ty Asia Packaging Industries (Việt Nam) luôn cố gắng làm việc hết sức
mình để hoàn thành tốt công việc chuyên môn; đồng thời luôn tìm tòi sáng tạo,
cải tiến kỹ thuật để có thể làm chủ được công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu
của khách hàng...
Sau
khi tốt nghiệp khóa học ngắn hạn tại Trung tâm đào tạo Việt Nam - Singapore,
anh Nguyễn Sỹ Hải xin vào làm ở Công ty TNHH Asia Packaging Industries (Việt
Nam), một công ty chuyên sản xuất bao bì vỏ lon nhôm cho các sản phẩm bia và
nước giải khát. Anh gắn bó với công ty từ khi nhà máy chưa được xây dựng tại
Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bến Cát). Anh cùng 13 thành viên đầu tiên của công
ty đã được đưa đi đào tạo tại nhà máy
của công ty mẹ ở Jakarta, Indonesia. Với trách nhiệm của mình, anh Hải cũng như
các thành viên xác định, phải cố gắng học thật tốt để nắm bắt thật kỹ các kỹ
thuật sản xuất lon 2 mảnh để có thể làm chủ được công nghệ sản xuất, đồng thời
khẳng định lao động Việt Nam cũng rất giỏi, cần cù... Với những kiến thức đã học, anh cùng các đồng
nghiệp trở về nước với quyết tâm xây dựng dây chuyền sản xuất lon thật tốt tại
công ty. Không phụ công sức đã bỏ ra, cùng với những chuyên gia được gửi qua từ
công ty mẹ, các anh đã xây dựng một dây chuyền sản xuất lon rất thành công. Nhà
máy hoạt động đạt hiệu quả, sản lượng tăng dần hàng năm, chất lượng sản phẩm
luôn được khách hàng đánh giá rất cao. Những kết quả đó làm cho Ban giám đốc
công ty rất hài lòng.Với
vai trò là giám sát kỹ thuật của bộ phận điện trong nhà máy, anh Hải có nhiệm
vụ khắc phục, xử lý sự cố máy khi có trục trặc, bảo đảm cho máy luôn hoạt động
ổn định và liên tục; đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ nâng cấp cải tiến hệ thống,
dây chuyền sản xuất nhằm giảm thiểu điện năng tiêu thụ, nâng cao hiệu suất của
máy, đơn giản hóa thao tác cho anh em vận hành máy. Không dừng lại ở đó, những
năm gần đây, do biến động của giá xăng dầu, cũng giống như những công ty khác,
công ty của anh Hải đứng trước những khó khăn lớn từ chi phí đầu vào cũng như
giá thành sản phẩm đầu ra. Đứng trước tình hình đó, Ban giám đốc công ty và
Công đoàn đã phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
để nhằm cải tiến hệ thống, cắt giảm chi phí sản xuất. Và hơn ai hết, toàn bộ
nhiệm vụ nặng nề đó đều đặt lên vai của bộ phận điện, nơi anh đang làm giám sát
kỹ thuật. Được
sự động viên của Công đoàn và Ban giám đốc công ty cùng với sự hỗ trợ của các
bộ phận khác trong nhà máy, anh Hải đã mạnh dạn đưa ra nhiều biện pháp cải tiến
kỹ thuật để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn với hệ thống bơm cung cấp
nước sinh hoạt, nước sản xuất và nước làm mát, anh Hải đã mạnh dạn đề nghị cho
gắn biến tần để giảm tốc độ của motor. Việc làm này đã đem đến kết quả khả quan
khi giảm gần 50% điện năng tiêu thụ của nhà máy. Trong khi đó, chi phí đầu tư
chỉ cần 5 tháng thì đã hoàn vốn. Và thực tế cho đến nay hệ thống này vẫn hoạt
động rất ổn định và góp phần làm giảm đáng kể chi phí sản xuất của công ty.Hay
một thời gian dài nhà máy phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt về sản lượng, sự
mất ổn định về chất lượng do hệ thống dầu áp lực cao gây ra. Phối hợp với bộ
phận sản xuất, anh Hải đưa ra sáng kiến sử dụng biến tần để điều khiển hồi tiếp
áp lực dầu, giữ cho áp lực dầu luôn luôn được ổn định. Đề tài này đã thành công
ngoài mong đợi. Bên cạnh tiết giảm được điện năng tiêu thụ của động cơ bơm dầu
do chạy ở tốc độ thấp, đồng thời áp lực dầu luôn được giữ ổn định đã góp phần
rất lớn vào việc ổn định chất lượng sản phẩm, sản lượng vì thế cũng tăng lên. Bên
cạnh những vấn đề cấp thiết trong thời kỳ giá điện tăng cao đó, Ban giám đốc
công ty yêu cầu phải lắp đặt một hệ thống giám sát nhà máy và có thể tự động
báo cáo sản lượng thông qua email. Đó là một yêu cầu rất khó khăn vì các máy
trong nhà máy được nhập về từ các quốc gia khác nhau, sử dụng các bộ xử lý
không giống nhau. Để có thể liên kết tất cả các máy lại trên một hệ thống giám
sát là một vấn đề rất tốn kém và phức tạp. Do đó, đã có không ít nhà thầu đến
khảo sát rồi ra đi vì bản thân họ không thể làm một mình mà cần liên kết với
nhà thầu khác và chi phí đưa ra rất cao gần 100.000 USD. Khi đó, đối với công
ty dự án này xem như chìm vào quên lãng, nhưng với bản thân anh Hải thì nó như
một cái dằm trong chân mà chưa lấy ra được. Được
sự hỗ trợ của công ty, anh đăng ký tham gia khóa học về Visua Basic để có kiến
thức thực hiện dự án này. Anh đã tự thực hiện ý tưởng đó theo cách của riêng
mình và thật bất ngờ sáng kiến của anh đã phát huy rất tốt, được Ban giám đốc
công ty hoan nghênh và ủng hộ. Như được tiếp thêm sức mạnh, anh Hải không ngừng
cải tiến, sửa đổi hệ thống giám sát của công ty cho phù hợp với thực trạng nhà
máy và yêu cầu của cấp trên với mức chi phí chỉ 2.000 USD (chi phí dùng để mua các máy vi tính và các
màn hình ti vi hiển thị). “Cho đến bây giờ, khi nhìn vào sản phẩm trí tuệ mà
mình đã dày công nghiên cứu thực hiện, tôi cảm thấy vui và tự hào” - anh Hải
cho biết.THU THẢO