Nguyễn Thị Hoa - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

(BDO) Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, với bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.TDM có biết bao kỷ niệm đắng cay, khổ cực. Để hôm nay, bà vui mừng vì đất nước nói chung và Bình Dương nói riêng ngày càng thay da đổi thịt. Mong muốn lớn nhất của bà là, thế hệ hôm nay hãy cống hiến hết sức mình để xây dựng và bảo vệ những thành quả mà cha ông đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới có được. 

Một lòng theo Đảng, theo cách mạng

Bà Nguyễn Thị Hoa giờ là một trong những nhân chứng hiếm hoi tham gia cách mạng từ những năm 1945. Tuổi cao sức yếu (năm nay 84 tuổi), tay chân ngồi không yên nhưng bà còn nhớ rất rõ quá trình tham gia kháng chiến của mình, cũng như những hi sinh mất mát của đồng đội bà.

 Bà Nguyễn Thị Hoa (người thứ 2 bên trái) tại lễ tôn vinh những người mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh, nữ chiến sĩ cách mạng tù đày kiên trung do Hội LHPN TX.Thuận An tổ chức nhân dịp 27-7.

Bà kể: Bà quê ở xã Chánh Hiệp (nay là xã Chánh Mỹ, TP.TDM). Trước năm 1945, bà là công nhân gói thuốc ở nhà thuốc Võ Văn Vân. Cách mạng tháng Tám thành công, phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một bắt đầu phát triển mạnh, bà cũng theo cách mạng từ đó. Ban đầu bà tham gia vào Hội Phụ nữ Cứu quốc ở địa phương. Với vai trò là tổ trưởng Tổ phụ nữ, bà đi vận động chị em cùng lo công tác hậu cần như xas lúa, giã gạo, nấu cơm cho bộ đội. Đến năm 1947, bà thoát ly gia đình vào cơ quan Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một.

Những năm kháng chiến chống Pháp, bà được bố trí nhiều nhiệm vụ công tác. Như về Huyện đội Châu Thành làm công tác huấn luyện nữ dân quân các xã, rồi Đoàn Phó Phụ nữ cứu quốc huyện Châu Thành, Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Hớn Quản (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước)… Với bà, trong những năm kháng chiến ác liệt đó có biết bao kỷ niệm, nào là chuyện lạc đường 2 - 3 ngày mới tìm được đồng đội, trong khi bụng không có hạt cơm, đói lả; đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thì khó khăn trăm bề. Bà kể: Những năm 1947-1951, chuyện đói cơm, lạc muối diễn ra hàng ngày. Ai cũng phải thường xuyên ăn độn củ mì, củ chụp. Khi hết khoai, hết rau thì vào rừng rung măng le, tre rừng. Thức ăn chủ yếu là muối hạt, còn mắm ruốc cả tháng mới có một kg. Khó khăn cực khổ trăm bề nhưng vì mong muốn tột cùng là đất nước được độc lập nên ai cũng cố gắng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

16 năm tù đày…

Trong danh sách những người bị tù đày, nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Hoa khiến nhiều người nể phục. Bà Nguyễn Thị Hoa có gần 16 năm bị giam trong ngục tù Mỹ - Ngụy từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch.

Bà Hoa nhớ lại: Tháng 6-1959, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một điều bà về làm Phó Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Thời kỳ này, Mỹ - Diệm đã ban hành Luật 10-59, một thứ luật tàn bạo, dã man hòng tiêu diệt những người cộng sản, những người kháng chiến cũ. Chúng lê máy chém đi khắp nơi để hù dọa, trấn áp tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bọn tề ngụy, mật vụ, lính tráng đi đến đâu cũng rêu rao:Ai chứa chấp Việt Cộng trong nhà nếu bị chúng bắt được sẽ tịch thu tài sản, tù đầy không ngày về. Nhiều cán bô, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, bắn giết; một số đã dao động, phản bội đầu hàng chỉ điểm cho địch đánh phá cơ sở, cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, khi bà về Lái Thiêu nhận nhiệm vụ thì Huyện ủy chỉ còn 4 cán bộ. Đến tháng 8-1959, Tỉnh ủy mới đưa thêm bà Mười Nghĩa về làm Bí thư Huyện ủy. 4 cán bộ nam chỉ hoạt động được ban đêm, ban ngày phải ẩn nấp. Chỉ có bà và bà Mười Nghĩa có thể hoạt động bán hợp pháp ban ngày. Khi thì bà giả dạng đi thăm bệnh, đám cưới, buôn gánh bán bưng để đi lại các xã móc nối quần chúng tốt, nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng cơ sở cách mạng, hướng dẫn bà con đấu tranh hợp pháp - trực diện với địch.

Việc đi lại lâu ngày của bà Hoa đã bị theo dõi và đêm 8-11-1959, bà Hoa đã bị bắt tại ấp Thạnh Qúy (thị trấn An Thạnh). Từ đó đến ngày giải phóng, bà Hoa đã bị đày ải qua 19 lượt ở 8 nhà tù. Dù chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện “tù đày” đã trải qua mấy chục năm nhưng mỗi khi nhắc lại lòng bà Hoa vẫn còn quặn thắt. Bà nói: “Không có thứ cực hình nào mà tôi không từng niếm trãi từ cú đánh lên gối, máy điện giật chết đi sống lại, đánh bằng roi gân bò, chày vồ, đổ nước xà bông cho đến ngợp, khi tỉnh lại bị trói ngược hai tay rồi treo lơ lửng trên sàn nhà. Nhưng với ý chí của một người cộng sản tôi đã chịu đựng, không hề khai ra một lời. Hôm nay, nhìn những tấm huy hiệu “50 năm tuổi Đảng”, “60 năm tuổi Đảng” tôi tự thấy mình không hổ thẹn với lời thề trung thành với Đảng và trong lòng luôn thấy xuân tươi dù đã quá cái tuổi “cổ lai hy”. Tôi chỉ mong sao con cháu mình tiếp bước truyền thống cha ông gìn giữ những gì mà cha ông đã cực khổ, hi sinh biết bao mồ hôi, máu và nước mắt mới có được”.

Thu Thảo
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=514
Quay lên trên