Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân - Bài 1

Cập nhật: 26-06-2015 | 08:42:10

Bài 1: Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

LTS: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước, được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác… Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, cùng các đồng chí trong chi bộ Đảng ở nhà tù, tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản. Đồng chí đã để lại một tấm gương trung kiên, một lòng vì dân vì nước cho bao thế hệ hôm nay noi theo.

 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI khai mạc ngày 15-12-1986 tại Hà Nội Ảnh: TTXVN

Địa linh nhân kiệt

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915, trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vùng đất văn vật nổi tiếng. Hưng Yên với Phố Hiến xưa được coi là tiểu Tràng An nổi danh, là thương cảng một thời hưng thịnh trên bến dưới thuyền “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Vùng đất Khoái Châu ven sông Hồng là nơi diễn ra truyền thuyết tình yêu Tiên Dung - Chữ Đồng Tử, một trong “Tứ bất tử” của nước Việt. Hưng Yên cũng là vùng “địa linh” đã sinh ra biết bao “nhân kiệt”, là vùng đất hiếu học với 228 tiến sĩ được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử giám, hàng trăm danh nhân văn hóa và chiến sĩ cách mạng yêu nước thời nào cũng có như Đỗ Thế Diên, Phạm Ngũ Lão, Phạm Công Trứ, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiệu…

Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm l929, đồng chí đã tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương). Ngày 1-5-1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí. Năm đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công đi vận động công nhân lao động ở Hà Nội, rồi về Hải Phòng hoạt động. Tại đây, đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân và nhiều tầng lớp nhân dân khác; gây dựng cơ sở Đảng và thành lập Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí được điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Cuối năm 1939 đồng chí được phân công ra Trung kỳ bắt liên lạc với các cơ sở Đảng còn lại ở các tỉnh để lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với cương vị Bí thư Thành ủy, Bí thư đặc khu ủy. Năm 1947, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam bộ; năm l949, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ ủy. Từ năm 1957 đến năm l960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong làm việc sâu sát và dân chủ. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược từ đó suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất. Mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước tiếp tục giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tháng 12-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng - đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) và lần thứ VIII (tháng 6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trunhg ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998 tại TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng đồng chí luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cách mạng: liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, mẫu mực. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí nhận thấy bệnh tham nhũng lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những bài báo “những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới đã tạo ra luồn sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong việc chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Ngày nay, những bài báo của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị.(Còn tiếp)

 

 KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1048
Quay lên trên