Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân - Bài 3

Cập nhật: 29-06-2015 | 08:11:27

Bài 3: Những dấu ấn đối với nền kinh tế Việt Nam

 

 Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong làm việc sâu sát và dân chủ. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược; từ đó suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất. Một trong những đóng góp quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đó chính là các quan điểm chỉ đạo, những việc làm sâu sát, cụ thể của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với các giai đoạn bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội “đổi mới” của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986 Ảnh: TTXVN

 Tháo gỡ khó khăn, giải phóng cho sản xuất phát triển

Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành đường lối, chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đồng chí thường lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cấp ủy Đảng và cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí nói: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt, nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét” .

Đường lối của Đảng ta hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.

Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) tháng 9-1979, tình hình sản xuất công nghiệp đã phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lãnh đạo kinh tế cũng có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây ra nhiều thiệt hại. Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh lần thứ hai, tháng 12-1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo thành phố đã chú trọng đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, kiên quyết sửa đổi và điều chỉnh kịp thời. Đồng chí nói: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”.

Qua nghiên cứu khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”. Đồng chí đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân diện rộng điển hình, đồng thời mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau, cũng như phát triển ra ngoài phạm vi thành phố bằng việc liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đồng ý về việc thành lập Câu lạc bộ giám đốc - một hình thức sinh hoạt diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Qua nghe báo cáo và trực tiếp đi thực tế cơ sở, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện đổi mới cơ chế. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trong đó có đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Một bước ngoặt mới đã mở ra cho cách mạng Việt Nam, trong đó có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí một mặt ra sức tìm tòi để cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực, mặt khác đã kịp thời đặt ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới nhằm giữ vững định hướng chính trị - xã hội cho toàn Đảng, toàn dân. Những trăn trở của đồng chí Nguyễn Văn Linh, cũng như quá trình gắn bó sâu sát với cơ sở đã trở thành động lực, thành sức mạnh để đồng chí phấn đấu và thành công trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm cũng như chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới kinh tế ở nước ta.

Vượt qua khó khăn, thách thức đưa nền kinh tế phát triển

Nhờ phương hướng đổi mới do Đại hội VI đề ra, tình hình kinh tế - xã hội đã mở ra một bước mới, kinh tế có phát triển, không khí xã hội cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương quyết tâm thực hiện đổi mới kinh tế theo đường lối Đại hội VI đề ra. Theo đồng chí, muốn từng bước thoát ra khỏi khó khăn lúc này phải làm đồng bộ nhiều việc, tập trung sức đẩy mạnh 3 chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy tổ chức cho gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực.

Thấu suốt quan điểm lấy dân làm gốc trong quản lý kinh tế, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở, bỏ bao cấp, đi vào hạch toán kinh doanh. Đa dạng hóa các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng củng cố các cơ sở quốc doanh và kinh tế tập thể. Chú trọng tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân để tái sản xuất sức lao động, bớt cán bộ gián tiếp và chống các chi tiêu không hợp lý, bảo đảm “ba lợi ích”, mà “đầu ra” không đội giá thị trường. Bảo đảm giữ vững và phát triển sản xuất. Không để những cơ sở làm ăn có hiệu quả thiếu vốn, tìm cách huy động vốn trong nhân dân. Chính sách thuế và lãi suất ngân hàng cần hợp lý hơn để các đơn vị, cá nhân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Kiên quyết chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước. Tiết kiệm từng đồng ngoại tệ để nhập vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, không nên vì lợi ích địa phương, cục bộ mà làm hại đến nền kinh tế chung. Hạn chế nhập khẩu những sản phẩm cho tiêu dùng, ưu tiên nhập khẩu những thiết bị phục vụ sản xuất; mở rộng sản xuất những mặt hàng làm từ nguyên liệu trong nước; có chính sách khuyến khích những cơ sở và người làm hàng xuất khẩu; tăng những mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến; tăng cường liên kết, liên doanh giữa các cơ sở sản xuất, các địa phương khác nhau, các bên đều có lợi; tăng cường việc mua bán trực tiếp trên thị trường thế giới không qua trung gian; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu; hướng mở rộng thị trường ra ngoài nước…

Một điều hết sức quan trọng, để nền kinh tế phát triển bền vững nhất thiết phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó có những cán bộ trực tiếp làm kinh tế, như: giám đốc công ty, xí nghiệp, phụ trách cơ sở sản xuất, cửa hàng… cả về phẩm chất chính trị và năng lực công tác. Chú trọng tổng kết kinh nghiệm, lắng nghe những vướng mắc của cơ sở để tháo gỡ; cổ vũ những sáng kiến hay, khuyến khích tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới mẻ, đồng thời ngăn ngừa những khuynh hướng lệch lạc xuất hiện. Coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến trong tổ chức, quản lý, lao động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện dân chủ hóa hoạt động của Đảng, công khai hóa đấu tranh chống tiêu cực tham ô, lãng phí, quan liêu. (Còn tiếp)

 KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1335
Quay lên trên