Từ thực tế sinh động của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua tại Bình Dương đã dần hình thành một đội ngũ nông dân năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, thích ứng hiệu quả với sự phát triển của hoạt động nông nghiệp đô thị. Anh Nguyễn Văn Sơn (ấp Tân Đức, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) là một trong số đó.
Nông dân trẻ Nguyễn Văn Sơn (trái) thường xuyên tham gia các phiên chợ nông sản
Năm 2014, anh Nguyễn Văn Sơn bắt tay vào trồng rau sạch từ sự gợi ý của một bài báo. Vừa trồng rau, anh vừa nuôi gà, lượng phân dư nhiều, anh Sơn tận dụng để chăm sóc rau thay vì dùng phân hóa học. Với cách làm này, thu nhập của anh cũng khá ổn định nhưng vừa trồng rau, vừa nuôi gà cũng khó mở rộng quy mô do vốn ít, vấn đề môi trường từ mô hình này cũng khiến anh đau đầu.
Chững lại một thời gian, anh quyết định tiếp tục nghiên cứu về trồng rau sạch. Mất rất nhiều công chăm sóc, đầu tư tiền bạc tốn kém, tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất rau sạch, an toàn… thế nhưng do thiếu đầu ra cho trang trại rau, khiến anh gặp nhiều khó khăn. Ngày đó, anh vẫn nỗ lực đi chào hàng, bán rau ở TP.Hồ Chí Minh nhưng cũng không được giá. Sau một thời gian, anh mạnh dạn đầu tư làm bao bì, tem nhãn, chào bán ở các cửa hàng nông sản sạch. Vì vậy, khách hàng tìm tới thương hiệu rau sạch của anh ngày càng nhiều hơn.
Việc trồng rau, sau khi thu hoạch, sơ chế đã cho ra rất nhiều phụ phẩm. Những phụ phẩm này được gia đình anh Sơn tận dụng để nuôi heo rừng. Từ vài con, đàn heo của anh đã tăng lên 50 - 60 con lúc nào không hay. Năm 2018, anh và gia đình quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi heo, số heo sạch lúc này cũng tăng lên hàng ngàn con.
Anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Mặc dù bán được giá, nhưng không muốn phụ thuộc giá thương lái nên tôi đã quyết định tạo ra các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả lụa. Cũng từ đây, sợ quá phụ thuộc vào chất bảo quản, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tôi lại mò mẫm đi học các lớp làm chả lụa, xúc xích. Cái gì không biết thì mình học thôi…”.
Có thể nói, cái hay của anh Sơn là biến khó khăn, thách thức trở thành lợi thế. Trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, giá thành cám heo tăng cao, chưa kịp trở tay thế nào, anh suy nghĩ về nguồn cám hữu cơ để chăn nuôi heo tăng thêm giá trị. Nói là làm, anh bắt tay với một xưởng sản xuất cám trong vùng, sản xuất cám hữu cơ để “heo ăn chay”, giảm tăng trọng. “Tuổi trẻ không nên quá tham việc, đừng nghĩ cái gì mình cũng làm được rồi “ôm” quá nhiều vấn đề. Kinh nghiệm của mình là phải xác định “tầm nhìn dài hạn, kế hoạch trung hạn, thực thi ngắn hạn” là điều mà anh Sơn tự thấm thía.
Cứ thế, đến nay 2 trang trại heo ở Bình Dương và Bình Phước với quy mô từ 6.000 - 10.000 con không chỉ đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình anh, mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho khoảng 40 lao động với thu nhập từ 8 - 20 triệu đồng. Đặc biệt, quyết tâm và tư duy làm kinh tế của anh đã giúp nhiều thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn lập nghiệp, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Văn Sơn luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, tạo được uy tín và là tấm gương sáng trong công tác vận động tuyên truyền nhân dân; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh.
HUỲNH THỦY